Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Đức Trọng: Tan nát rừng thông ven Dự án hồ chứa nước Ta Hoét

(LĐ online) - Gần 4 ha rừng bị tác động, hơn 500 cây thông có đường kính gốc từ 8 tới 50 cm bị cưa, chặt hạ với gần 54 m3 gỗ thông 3 lá, dầu trà beng và dẻ. Đây là số lượng thông rừng bị chặt hạ lớn nhất trong năm trên địa bàn huyện Đức Trọng. 
1a
Chi cục Kiểm lâm đang tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng khám nghệm hiện trường
cưa hạ hàng trăm cây rừng tại Tiểu khu 267C ngày 5/12
Bước đầu cơ quan chức năng xác định vụ phá rừng trên đã diễn ra trong thời gian dài, có tổ chức của các đối tượng tại Tiểu khu 267C (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng). Từ khi Dự án hồ chứa nước Ta Hoét được cơ quan chức năng phê duyệt, triển khai các hạng mục đo đạc, đền bù giải toả thì khu vực này trở thành “điểm nóng” của nạn phá rừng, lấn chiếm đất. 
 
• RỪNG VEN DỰ ÁN BỊ TÀN PHÁ
 
Từ Quốc lộ 20, đoạn gần Trạm Thu Phí BOT Định An khoảng 1 km, bắt đầu từ thôn K’Rèn, xã Hiệp An chạy khoảng 1,2 km nữa là tới khu vực lòng hồ Dự án hồ chứa nước Ta Hoét. Tại địa điểm này, người đi đường có thể nhìn bên tay trái rừng thông 3 lá chạy dọc trên triền đồi. Người dân khu vực này nói sau khi hồ chứa nước này hình thành, khu vực này sẽ là rừng vành đai lòng hồ, có địa thế rất đẹp nếu làm các loại hình nghỉ dưỡng, du lịch.
 
Chính vì lý do đó, từ nửa năm đổ lại đây, người dân K’Rèn cho biết liên tục có các đối tượng xuất hiện vào ban đêm, hạ sát thông rừng ven khu vực dự kiến làm hồ chứa nước Ta Hoét với mục đích lấn chiếm đất. Chúng tôi ghi nhận có 6 - 8 điểm thông rừng bị chặt hạ, tàn phá nham nhở trên những khu đồi cao. Một số điểm nằm ngay con đường đất, trên lưng chừng một quả đồi. Có cả trăm gốc thông đã bị chặt hạ, đốt cháy đen từ trước xen lẫn cả những cây thông mới bị cưa hạ, lá mới ngả màu vàng, gốc còn ứa nhựa. Những gì còn lại ở hiện trường cho thấy, rừng thông nơi đây đã bị các đối tượng tàn phá trong thời gian dài. 
1b
Nhiều cây thông mới bị các đối tượng cưa hạ, đường kính nhiều cây thông 3 lá có kích cỡ 40 - 50cm
      Trong khi thông rừng, các loại cây rừng khác bị hạ sát còn dang dở, các đối tượng đã khẩn trương trồng đủ loại cây như chuối, sầu riêng, mai anh đào, bơ… với mục đích sớm biến đất rừng thành vùng sản xuất nông nghiệp. Người dân sinh sống khu vực trên cho hay, do địa thế cánh rừng rất đẹp, tương lai là rừng vành đai lòng hồ nên nguy cơ tái lấn chiếm đất rừng, đầu độc, cưa hạ thông thời gian tới của các đối tượng nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tái diễn.
 • TRÊN 500 CÂY RỪNG BỊ CƯA HẠ
      Liên quan tới vụ phá rừng thông nghiêm trọng tại khu vực này, chiều 6/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết đơn vị đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tại Tiểu khu 267C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.
      Trước đó, đầu tháng 12/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về tình trạng phá rừng tại khu vực thôn K’rèn (khu vực gần ranh hồ thuỷ lợi Ta Hoét). Sở đã nhanh chóng chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế và Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an Lâm Đồng, Công an huyện Đức Trọng, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh tổ chức kiểm tra, xác minh. 
1c
Lực lượng chức năng đo đạc, đánh dấu các điểm thông rừng bị cưa hạ. Trên đất rừng mới bị phá, các đối tượng
trồng nhiều loại cây nông nghiệp
     Kết quả kiểm tra xác định tại khu vực Khoảnh 7, Tiểu khu 267C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng có tới 7 vị trí phá rừng trái pháp luật và 1 vị trí lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Một số vị trí khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cả trăm cây thông bị cưa, chặt hạ, bề mặt gốc chặt mới khô. Toàn bộ lâm sản thiệt hại đã bị đối tượng cắt ngắn thành lóng, khúc, để lăn lóc tại hiện trường.
      Qua kiểm tra, đo đạc, tổng diện tích rừng bị tác động 37.555 m2, tổng số cây bị cưa, chặt hạ 519 cây có đường kính gốc từ 8 - 50 cm, lâm sản còn tại hiện trường gồm 639 lóng, khúc với tổng khối lượng 53,97 m3 gỗ từ nhóm 4 - 6, gồm thông 3 lá, dầu trà beng và gỗ dẻ.
      Trong khi đó, tổng diện diện tích bị lấn chiếm trên 5 ha thuộc đối tượng đất rừng sản xuất; đồng thời, hiện trạng tại thời điểm kiểm tra trên diện tích lấn chiếm đã trồng cây cà phê, mắc ca, mai anh đào và chuối. Với số lượng, tính chất và quy mô như trên, đây được coi là vụ phá rừng có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Đức Trọng trong thời gian 1 năm trở lại đây.
      “Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đang tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an huyện Đức Trọng, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục kiểm tra, xác minh, làm rõ các vị trí phá rừng vi phạm nêu trên; đồng thời, làm rõ trách nhiệm quản lý của các tổ chức, cá nhân, tập thể có liên quan để xử lý theo đúng quy định” - một lãnh đạo Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết.
 
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây