Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Lâm Đồng: Quản lý bảo vệ rừng luôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Năm 2016, trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng đã phát hiện và lập biên bản 1.471 vụ vi phạm Luật BV&PTR, giảm 406 vụ (bằng 21,6%) và diện tích giảm 472.744 m2 (27,4%) so cùng kỳ năm 2015. Ðây là năm có thành tích quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) tốt hơn mấy năm gần đây; tuy nhiên, lại là năm diễn ra những vụ phá rừng và chống người thi hành công vụ hết sức nghiêm trọng.
 
lam-dong-quan-ly-bao-ve-rung-luon-la-nhiem-vu-chinh-tri-quan-trong

Rừng địa bàn Di Linh, giáp ranh tỉnh Bình Thuận luôn luôn là điểm nóng về khai thác trái phép. Ảnh: M. Đạo

Vi phạm giảm vụ, tăng tính chất mức độ

Trong gần 1.500 vụ vi phạm Luật BV&PTR được phát hiện và lập biên bản, hành vi vi phạm chiếm tỉ lệ cao nhất phải kể đến: khai thác rừng trái phép (379 vụ, chiếm 25,76%); phá rừng trái pháp luật (347 vụ, 23,59% với 1.250.651 m2); mua, bán, cất, giữ lâm sản trái phép (351 vụ 23,86%) và vận chuyển lâm sản trái pháp luật (232 vụ, 21,96%).

Tổng số vụ vi phạm đã xử lý là 1.377 vụ, trong đó xử phạt hành chính 1.322 vụ và chuyển xử lý hình sự 55 vụ.

Trong số những vụ vi phạm này, nghiêm trọng nhất là vụ phá rừng phòng hộ tại địa bàn xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm diễn ra thời gian dài, gây thiệt hại hơn 300 m3 gỗ các loại. Vụ án này có quy mô phá rừng lớn, liên quan đến nhiều cá nhân, trong đó có cả những cán bộ trực tiếp và gián tiếp thực thi công tác QLBVR. Năm 2016, qua xử lý vi phạm, cơ quan chức năng đã tịch thu 502 phương tiện, dụng cụ các loại; 2.526 m3 gỗ các loại; 74 cá thể và 194 kg thịt động vật các loại; thu nộp ngân sách 13,337 tỷ đồng.

Năm 2016, mặc dù công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô 2015 – 2016 được ngành kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng chuẩn bị sớm, nhưng toàn tỉnh vẫn xảy ra 34 vụ cháy làm thiệt hại 118,16 ha. Trong đó, 11 vụ cháy rừng trồng (gần 71 ha); 16 vụ cháy rừng tự nhiên với 39,3 ha và cháy thảm cỏ cây bụi dưới tán 7 vụ (gần 8 ha). Đáng bàn hơn, so với mùa khô 2014 – 2015, đã tăng 1 vụ với diện tích cháy tăng tới 37,56 ha. Đặc biệt, cháy rừng tự nhiên tăng lên 16 vụ, diện tích cháy tăng 29,78 ha và diện tích rừng trồng bị cháy cũng tăng đến 43,78 ha.

Một vấn đề hết sức nhức nhối diễn ra trong công tác QLBVR năm 2016 là hiện tượng chống người thi hành công vụ xảy ra nghiêm trọng. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ, gồm ở Di Linh 2 vụ, Lâm Hà 2 vụ và Đạ Huoai, Đà Lạt mỗi địa bàn 1 vụ. So với năm 2015 tăng 1 vụ, nhưng nghiêm trọng nhất là đối tượng chống người thi hành công vụ tập trung đông người, có những hành động manh động, liều lĩnh, hung hãn và chủ động tấn công lực lượng chức năng. Các đối tượng vi phạm không chỉ chống người thi hành công vụ để ngăn cản việc xử lý, chạy trốn khi bị bắt giữ mà còn ngang nhiên khiêu khích, thách thức, đe dọa lực lượng chức năng. Điển hình nhất là vụ vi phạm xảy ra ngày 8/8/2016 tại huyện Lâm Hà, trên 50 người đã sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ tấn công lực lượng bảo vệ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban khi làm nhiệm vụ, làm chết 1 người và 2 người bị thương. Cơ quan công an đang tạm giữ 11 người liên quan để tiếp tục mở rộng điều tra và xử lý.

Giải pháp gì để QLBVR tốt?

Trao đổi với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, Phó Chi cục trưởng Võ Danh Tuyên cho biết, sau khi đánh giá cụ thể trên các mặt được và chưa được, Chi cục đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2017. “Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, chương trình, dự án về QLBVR, PCCCR; phấn đấu năm 2017 giảm 20% số vụ vi phạm Luật BV&PTR so với năm 2016”, ông Tuyên nói. Theo đó, Chi cục đã chỉ đạo các phòng chuyên môn – nghiệp vụ, 2 Đội kiểm lâm cơ động – PCCCR và 12 Hạt kiểm lâm của 12 huyện, thành phố tập trung làm tốt các nội dung trọng tâm và cụ thể.

Vấn đề là đánh giá nghiêm túc những tồn tại, tìm nguyên nhân để khắc phục. Những tồn tại, hạn chế trong năm 2016 cụ thể như: công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác BVR và PCCCR hiệu quả còn chưa cao; tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh; ken cây, kéo đông người là đồng bào dân tộc thiểu số ở Bảo Lâm và Lạc Dương phá rừng vẫn diễn ra phức tạp, chưa được ngăn chặn triệt để. Bên cạnh đó, cháy rừng xảy ra nhưng đa số chưa phát hiện được đối tượng vi phạm nên không thực hiện được việc giáo dục và răn đe nghiêm. Và như đã nêu trên, tình trạng chống người thi hành công vụ với nhiều hình thức, liều lĩnh, manh động. Việc thi hành quyết định xử phạt còn đạt tỷ lệ thấp, cưỡng chế thi hành cũng rất khó thực hiện. Trong năm 2016 còn 390 vụ vi phạm chưa thi hành quyết định với tổng số tiền phạt lên đến 4,7 tỷ đồng…

Đáng lưu ý là trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của các cấp địa phương, các đơn vị chủ rừng và các cơ quan liên quan thực hiện chưa đồng bộ; chưa có giải pháp, biện pháp hợp lý trong công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các đối tượng vi phạm. Cùng đó, sự phối hợp giữa kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền địa phương cấp xã và giữa kiểm lâm – công an ở một số địa bàn chưa tốt, vẫn hoạt động theo hình thức vụ việc và chưa đạt được mức độ triệt để trong công tác “đánh án”. Vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ rừng, nhất là các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án đầu tư còn buông lỏng trong công tác BVR và PCCCR. Để khắc phục, ngoài giải pháp chính là chủ rừng, chủ doanh nghiệp phải nâng cao vai trò và trách nhiệm của mình; mặt khác, rất cần có chế tài xử lý nghiêm và kiên quyết từ phía các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Nguồn: http://www.tintaynguyen.com

Nguồn tin: www.tintaynguyen.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây