Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Gian nan cuộc chiến giữ rừng. Bài 2

Bài 2: Nặng lòng với rừng xanh

Thật khó để nói hết những gian khổ mà lực lượng bảo vệ rừng đã và đang đối diện, đặc biệt là lực lượng chuyên trách thuộc các đơn vị chủ rừng. Chính bởi công việc vất vả, trách nhiệm cao nhưng thù lao chưa tương xứng khiến không ít người nản lòng, bỏ việc. Trong khó khăn ấy, lại có rất nhiều người vì trách nhiệm, vì nặng lòng với rừng xanh mà ngày đêm bám đất băng rừng, chấp nhận gian khổ để giữ “lá phổi xanh” cho xã hội…

Áp lực giữ rừng

Vài năm trở lại đây, số người trong lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh xin chuyển công tác, nghỉ việc ngày càng nhiều. Chỉ riêng trong giai đoạn từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2022 đã có 116 người nghỉ, chuyển công tác. Đáng quan tâm, trong số đó có 103 người thôi việc, 4 người xin nghỉ hưu sớm, 9 người xin chuyển công tác. Lượng người nghỉ việc nhiều là vậy, nhưng để tuyển được người vào làm việc tại các Ban quản lý rừng phòng hộ và các khu bảo tồn thiên nhiên lại rất ít, có người mới vào làm việc chưa được 1 tuần đã phải xin nghỉ vì công việc quá vất vả. Vì thế, không ít đơn vị chuyên trách bảo vệ rừng nhiều năm nay luôn trong tình trạng thiếu nhân lực. Công tác quản lý, bảo vệ rừng vốn khổ lại càng thêm khó. Song, cũng có rất nhiều người vì trách nhiệm, vì nhiệt huyết mà ở lại.

doan.jpg
Nhân viên bảo vệ rừng và các hộ nhận khoán tuần tra, kiểm tra rừng.
doan-ktra.jpg
 Ông Nguyễn Văn Trinh (hàng sau, thứ hai từ trái sang) trong chuyến kiểm tra rừng vùng giáp ranh giữa huyện Hàm Thuận Nam và Tánh Linh. 

Qua nhiều lời giới thiệu, tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Trinh (56 tuổi), hiện là Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét. Ông Trinh tham gia bảo vệ rừng từ năm 1986. Gần như cả đời mình, ông đã gắn bó với những từng tiểu khu, con suối, từng cánh rừng phòng hộ ở huyện Hàm Thuận Nam. Trò chuyện với tôi, ông từ chối nói về mình. “Anh sắp về hưu, hơn nữa là lãnh đạo ban quản lý nên có phụ cấp chức vụ, cuộc sống tạm ổn. Bây giờ, anh không đòi hỏi gì cho bản thân! Điều anh lo lắng nhất là anh em trẻ không thể bám trụ lâu dài được với công việc đầy gian nan nhưng lương thấp này. Nếu những anh em bảo vệ rừng cứ lần lượt nghỉ, tuyển người không được thì ai sẽ bảo vệ rừng? Lúc đó, rừng sẽ như thế nào? Vì vậy, anh chỉ mong anh em ở lại sớm có chế độ đặc thù phù hợp để yên tâm công tác, gắn bó với nghề, để rừng thêm xanh” - ông Trinh bắt đầu câu chuyện với tôi bằng những lời trăn trở như thế. Suốt buổi trò chuyện, ông dành nhiều thời gian để nói về nghề và những người ngày đêm bảo vệ rừng. Qua những lời tâm sự ấy tôi hiểu rằng, ông Trinh và rất nhiều người nữa vẫn luôn nặng lòng với rừng xanh, vẫn một lòng canh cánh lo chuyện giữ gìn, phát triển tài nguyên thiên nhiên cho địa phương, đất nước, cho con cháu sau này.

Ông Nguyễn Văn Trinh chia sẻ, theo quy định hiện hành, mỗi người làm việc đủ 40 giờ/tuần sẽ được nhận đủ tiền lương và phụ cấp. Tuy nhiên, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phải trực 24/24 giờ tại trạm, thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra, mật phục nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Vì thế, họ gần như không có thời gian ở nhà phụ giúp gia đình. Việc nuôi dạy con cái phần lớn do vợ hoặc ông bà lo. Hơn nữa, việc tuần tra rừng phải trèo đèo, lội suối, mùa mưa phải bơi qua sông rất nguy hiểm, đuối nước luôn rình rập. Trong khi đó, họ chỉ được hưởng lương theo ngạch bậc, phụ cấp khu vực, không có phụ cấp thâm niên, ưu đãi ngành. “Chính bởi thời gian làm việc nhiều, áp lực giữ rừng cao, nếu để mất tài nguyên rừng phải chịu kỷ luật rất nặng, thậm chí đối diện cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng lương không đủ để lực lượng này trang trải cuộc sống, khiến chúng tôi rất khó thu hút nhân sự mới vào làm việc ở vị trí chuyên trách bảo vệ rừng. Nhiều trường hợp đơn vị tuyển vào làm việc chưa hết 1 tháng đã xin nghỉ việc. Hiện, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét còn 2 chỉ tiêu nhưng chưa tuyển được người” - ông Trinh nói thêm.

Sớm có chính sách phù hợp

Không chỉ ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét, tại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông – đơn vị đóng chân trên địa bàn huyện Tánh Linh và các đơn vị chủ rừng khác nhiều năm nay cũng trong tình trạng thiếu người tương tự. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện lương và phụ cấp của người cao nhất tại ban này là 7,6 triệu đồng, thấp nhất 3,6 triệu đồng (bình quân 5,6 triệu đồng/người/tháng). Áp lực công việc rất lớn, nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng là câu trả lời chung khi chúng tôi hỏi về khó khăn trong công tác tuyển dụng nhân sự tại các đơn vị chủ rừng. “Bản thân tôi cũng như lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên phải đối mặt những nguy cơ, nguy hiểm, rình rập. Đối tượng phá rừng rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi phát hiện, có đối tượng còn gọi điện đe dọa chúng tôi. Bên cạnh đó, với diện tích được giao 500 ha/người là quá lớn, phần lớn xung quanh tiếp giáp với khu dân cư, đồi núi rất dốc, sức người có hạn nên không thể làm cả ngày cả đêm được. Diện tích rừng quản lý rộng là vậy nhưng sức người có hạn, nếu để mất rừng từ 3 m3 gỗ hoặc 1.000 m2 đất rừng trở lên sẽ đối diện việc bị xử lý kỷ luật hoặc hình sự” - ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, cho hay.

Để đảm bảo công tác bảo vệ rừng, ông Nguyễn Văn Trinh cho rằng: Nhà nước cần xem xét thấu đáo công việc bảo vệ rừng tự nhiên là một ngành nghề đặc thù. Bởi, lực lượng bảo vệ rừng phải trực tiếp ăn, ở, ngủ nghỉ, sinh hoạt tại rừng để bảo vệ "lá phổi xanh" cho nhân loại. Do vậy, cần xây dựng thang bảng lương, thời gian, khối lượng công việc sao cho phù hợp để thu nhập của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đủ chi phí trang trải cuộc sống của bản thân và hỗ trợ gia đình nuôi dạy con cái. Có như vậy họ mới toàn tâm, toàn ý cống hiến sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, để rừng tự nhiên ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Liên quan vấn đề này, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm ban hành chính sách cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, nhất là tại các trạm vùng sâu, vùng xa, nơi thiếu điện, thiếu nước; có phụ cấp ưu đãi ngành, tiền công đi rừng, thâm niên nghề. Đồng thời, sửa quy định diện tích phải quản lý, bảo vệ từ 500 ha/người như hiện nay xuống 400 ha/người; không áp dụng tinh giản biên chế hàng năm theo tỷ lệ phần trăm; xem xét tuổi về hưu sớm hơn, vì từ 55 tuổi trở lên sức khỏe giảm sút, khó hoàn thành tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, cũng như nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng.

Thiết nghĩ, những kiến nghị trên là điều hoàn toàn hợp lý, cần thiết. Mong rằng, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi dành cho lực lượng bảo vệ rừng sớm được sửa đổi, thực thi. Bên cạnh, cần trang bị thêm công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách để họ đủ tự tin khi làm nhiệm vụ, để đủ sức răn đe, trấn áp đối tượng phá rừng và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tin rằng, một khi đời sống, thu nhập của lực lượng bảo vệ rừng được nâng lên, có công cụ hỗ trợ đảm bảo, chắc chắn sẽ tạo động lực, sự yên tâm trong công việc, họ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Nguồn: Báo Bình Thuận.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây