Bảo vệ cán bộ kiểm lâm mới bảo vệ được rừng
- Thứ sáu - 03/11/2023 20:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không chỉ các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, mà nhiều địa phương khác đang có tình trạng cán bộ, nhân viên kiểm lâm nghỉ việc, trong đó có những người là hạt trưởng, hạt phó.
Có hai nguyên nhân chính, khiến cho cán bộ kiểm lâm từ bỏ công việc của mình đã gắn bó, thậm chí là có người từng “vào sinh ra tử” để giữ rừng. Một là thu nhập quá thấp, không tương xứng với công sức và cống hiến, thứ hai là nghề nghiệp giữ rừng quá nguy hiểm.
Chuyện lương tiền thì rõ rồi, chỉ 4-5 triệu đồng/tháng thì không thể đủ sống, lo cho gia đình. “Có thực mới vực được đạo”, cho dù có yêu nghề, yêu rừng đến mấy mà vợ con nheo nhóc thì cũng đành chia tay. Xin đưa điển hình, tính từ năm 2018 đến hết tháng 8.2023, khoảng 401 người làm công tác quản lý bảo vệ rừng ở tỉnh Kon Tum nghỉ việc.
Một thực tế khác, làm trong ngành kiểm lâm ôm trong lòng lắm tâm tư. Làm tốt không ai biết, nhưng rừng bị lâm tặc phá hoại là phải chịu trách nhiệm. Chưa kể, vì một vài "con sâu" trong ngành, mà những người làm việc tốt lại bị mang tiếng oan, đó là kiểm lâm cấu kết lâm tặc phá rừng.
Lương thấp là một áp lực của cuộc sống, nhưng áp lực lớn hơn là mối nguy hiểm cận kề từng ngày, từng giờ đối với người giữ rừng. Lâm tặc ngày càng lộng hành, manh động, dám tấn công cán bộ kiểm lâm, sử dụng đao kiếm, mã tấu, thậm chí là súng. Đã có nhiều vụ kiểm lâm bị chém, bị truy sát, có vụ lâm tặc bao vây cả trạm kiểm lâm để uy hiếp cướp lại gỗ bị bắt.
Chưa hết, lâm tặc không chỉ tấn công kiểm lâm, mà còn đe dọa gia đình, vợ con, người thân của họ. Bản thân kiểm lâm tự bảo vệ mình còn không xong, huống chi là vợ con chân yếu tay mềm.
Kiểm lâm không áp đảo được lâm tặc là vì bọn chúng đông, manh động, sử dụng nhiều loại vũ khí, hành động bất chấp pháp luật. Còn kiểm lâm ít người và chỉ làm việc theo quy định của pháp luật. Cán bộ, nhân viên kiểm lâm bị lâm tặc hành hung bị thương tích, thì cả gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, chỉ nghĩ đến điều đó thôi cũng đủ lo lắng.
Hiện nay, kiểm lâm làm việc trong điều kiện thiếu thốn, trạm kiểm lâm không có sóng điện thoại, không có tivi, không được trang bị vũ khí để tự bảo vệ mình. Họ thực sự đơn độc giữa rừng núi mênh mông.
Muốn bảo vệ được rừng thì phải bảo vệ được cán bộ kiểm lâm, nhân viên tham gia bảo vệ rừng. Muốn bảo vệ được lực lượng này thì phải tăng lương, tăng biên chế cũng như cải thiện điều kiện làm việc, trang bị các loại công cụ hỗ trợ để có thể tự bảo vệ khi bị tấn công.
Nguồn: Báo Lao Động.