Bảo vệ rừng thiêng bằng du lịch sinh thái
- Chủ nhật - 02/07/2023 10:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Du lịch dưới tán rừng VQG Lò Gò - Xa Mát đang là “trend” khi đến với Tây Ninh. Đó còn là cách để nhân thêm sự yêu rừng và bảo vệ rừng trong dân.
Ngôi nhà của hàng ngàn thực vật và động vật quý hiếm
Nằm cách TP Tây Ninh khoảng 30km về phía tây bắc, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát (VQG) nằm trên địa phận của sáu xã thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Mùa hè, cái nắng như đổ lửa, đường đất đỏ đầy bụi bậm, ngột ngạt chỉ khiến chúng tôi muốn nhanh chóng được ẩn mình dưới bóng mát bạt ngàn của rừng. VQG Lò Gò - Xa Mát bao la, hiện diện trong tầm mắt chúng tôi càng khiến những con người của thành thị trở lên nhỏ bé.
Chúng tôi được ông Phạm Xuân Thành - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và dịch vụ môi trường rừng cùng các kiểm lâm của hạt Tân Biên tiếp chuyện, dẫn đi một vòng Lò Gò - Xa Mát.
Điểm khác biệt mang tính lợi thế của VQG Lò Gò - Xa Mát là nơi chuyển tiếp giữa các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Chẳng thế mà nơi đây được giới khoa học đánh giá là rừng nguyên sinh, có hệ động thực vật phong phú và nổi bật. Có một số loài động vật, thực vật thuộc dạng quý hiếm cần được bảo vệ nguy cấp.
Từ ngày 28/5 đến nay, tại đây đã ghi nhận đàn cò nhạn quý hiếm lên đến hơn 1.000 cá thể đến vùng rừng cư ngụ và tìm kiếm thức ăn. Đây là điều đặc biệt bởi từ trước đến nay số lượng cá thể lớn và thời gian ở lại đây không được nhiều.
“Vì vậy, để đảm bảo khách du lịch tham quan không làm ảnh hưởng đến đàn cò nhạn quý hiếm này, Ban quản lý đã có sự theo dõi sát sao, tổ chức các tổ tuần tra hoặc là phân công cán bộ, hướng dẫn từng đoàn khách tham quan hạn chế tiếng ồn, tác động tiêu cực đến những đàn cò”, ông Thành cho hay.
Tại VQG Lò Gò - Xa Mát, các nhà khoa học tìm thấy loài cây nắp ấm Thorel đã bị tuyệt chủng cách đây hơn 100 năm, được xếp loại vào hạng cực kỳ nguy cấp. Loài nấm này đã được Viện Sinh học nhiệt đới và các nhà nghiên cứu từ châu Âu phát hiện từ giữa năm 2011 tại khu Sữa Đá, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia.
Theo ông Thành, với diện tích khoảng 30.000ha, VQG Lò Gò - Xa Mát ghi nhận có 934 loài thực vật khác nhau. Tính đến nay, VQG đã ghi nhận được 42 loài thú, 203 loài chim, 58 loại bò sát, trong đó nhiều loài thú có tên trong Sách đỏ thế giới.
Hệ động vật của VQG Lò Gò - Xa Mát còn có một số loài quý hiếm như voọc chà vá chân đen, voọc bạc Đông Dương, gấu ngựa, sói đỏ, sói vàng, cu li nhỏ, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, giang sen, già đẫy Java, cò nhạn, gà lôi hông tía, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám.
Bên cạnh việc nuôi cứu hộ động vật hoang dã, thời gian qua, Phòng Khoa học bảo tồn và Hợp tác quốc tế của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát còn nuôi thêm một số loại động vật khác, như chim công Ấn Độ, chim trĩ 7 màu, chim trĩ khoang cổ nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của các nhà khoa học và phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu.
“Đây là ngôi nhà chung của các loài động thực vật. Chúng tôi không chỉ cố gắng bảo tồn những loài vốn có mà còn tiếp nhận những động vật hoang dã từ trong cộng đồng, chăm sóc và trả chúng về với mẹ thiên nhiên tại Lò Gò - Xa Mát. Không chỉ có rừng, chúng tôi còn giữ và gửi tặng cho hậu thế những thực động vật phong phú như cách ông cha ta đã thay nhau bảo tồn”, ông Phạm Xuân Thành tự hào chia sẻ.
Từng đặt chân tới nhiều vườn quốc gia trên cả nước, có lẽ VQG Lò Gò - Xa Mát là nơi được coi là có địa hình bằng phẳng nhất. Hơn nữa, dòng sông dài 20km phía bìa rừng là biên giới quốc gia tự nhiên với Vương quốc Campuchia. Điều này tạo cho Lò Gò - Xa Mát có môi trường thuận lợi để thảm thực vật và động vật phát triển phong phú.
Để người dân cùng bảo vệ rừng
Khi chúng tôi đặt chân đến Trung tâm Giáo dục và dịch vụ môi trường rừng, cũng là lúc đoàn du khách hơn 30 người của chị Thúy (quận 5, TP.HCM) bắt đầu hành trình tham quan du lịch sinh thái rừng 2 ngày 1 đêm tại VQG Lò Gò - Xa Mát. Đoàn gồm những nữ cán bộ tại TP.HCM và gia đình tới Tây Ninh để trải nghiệm du lịch rừng và kết hợp “về nguồn”.
Đến với VQG Lò Gò - Xa Mát, khách tham quan sẽ được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm khác nhau như tham quan các sinh cảnh rừng đặc trưng và 2 cây Di sản; Đi bộ hoặc đạp xe xuyên rừng với tổng chiều dài 24km; Tham quan và tìm hiểu những dấu tích của Trung ương Cục miền Nam…
“Cuộc sống đã nhiều bộn bề và lo toan rồi, về với rừng khiến chúng tôi được tĩnh lặng, hòa mình với thiên nhiên hơn. Rừng cho chúng tôi những cảm giác mà không nơi nào có được. Chúng ta khỏe chỉ khi lá phổi của cơ thể bình thường. Chúng tôi cũng vậy, tiếp sức để những lá phổi của trái đất được yên bình, khỏe mạnh hơn”, chị Thúy tâm sự.
Di chuyển bộ được hơn 10km qua nhiều địa điểm, tán rừng nhưng chị Bích Hồng vẫn háo hức, chăm chỉ “check-in” cùng những địa điểm hoang sơ, mới lạ. Với chị, cảm giác được đắm mình trong không gian đầy tươi mát, trong lành này là những dịp vô giá cho sức khỏe.
“Đây là lần đầu tiên mình đến với VQG Lò Gò - Xa Mát. Khi tới đây thì mình cảm giác được là khung cảnh rất hoang sơ, không gian không khí ở đây thì yên tĩnh, mát mẻ. Mình thấy đây là địa điểm du lịch sinh thái, vẫn giữ nguyên được những giá trị thiên nhiên mộc mạc, hấp dẫn với du khách. Chỉ mong cán bộ của vườn luôn giữ được sự mộc mạc này”, chị Bích Hồng bày tỏ.
Tại VQG Lò Gò - Xa Mát, dễ bắt gặt nhưng cây cổ thụ đặc trưng của vùng Tây Nguyên, hệ thống cây thường xanh của vùng Đông Nam bộ và những cây cối đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Tất cả tạo nên hàng rào hữu hiệu, vững chắc chống sói mòn và đa dạng sinh học. Giống như chúng tôi, rất nhiều du khách ấn tượng bởi sự quy tụ này, đi 1 nơi mà được cảm nhận thực vật đa dạng tại 3 vùng miền khác nhau.
Tiếp chuyện chúng tôi dưới tán cây Vên Vên - là một trong hai cây Di sản tại vườn quốc gia, ông Âu Phước Quý, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tân Biên bày tỏ: Nhờ có hoạt động du lịch mà rừng tại vườn quốc gia được chung tay kiểm soát kĩ lưỡng hơn.
“Không có du lịch rừng thì anh em kiểm lâm vẫn thực hiện công tác canh gác rừng một cách bài bản, kĩ lưỡng. Có du lịch thì các nhiệm vụ ấy cũng không bớt đi mà vẫn được thực hiện nghiêm túc. Thế nhưng, mỗi ngày có hàng chục lớp người, vừa của đội ngũ chuyên môn vừa của khách du lịch thì những kẻ có ý đồ xấu cũng phải e dè, dễ bị phát hiện hơn”, ông Quý phân tích.
Thực tế, từ khi triển khai du lịch mạnh từ những năm 2016 thì các hoạt động phá, xâm hại rừng đã giảm rõ rệt, không còn đáng báo động như những năm về trước.
Còn đối với ông Phạm Xuân Thành - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi nhìn thấy được trong ánh mắt anh những nhiệt huyết và trách nhiệm cao cả với những tán rừng thiêng. Ông Thành giãi bày, từ khi triển khai chương trình du lịch tại vườn, mặc dù anh em có thêm việc phải làm nhưng ai đó đều vui vẻ hơn, tự hào và như được tiếp sức.
“Du lịch sinh thái rừng không chỉ là câu chuyện giải trí, mua bán dịch vụ mà đó còn là truyền cảm hứng cho người dân Việt mình tình yêu đối với thiên nhiên, sinh vật và động vật nơi đại ngàn. Giữ rừng không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý mà tôi nghĩ là bổn phận của tất cả chúng ta. Hiểu về rừng, giữ rừng cho hậu thế mai sau với tôi là điều quan trọng hơn tất cả”, ông Thành tâm tư.
Mới đây, ông Trần Văn Chiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt Đề án "Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và Dự án đầu tư phát triển vùng đệm VQG Lò Gò - Xa Mát giai đoạn 2023 - 2030".
Mục tiêu của đề án là đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn các giá trị tự nhiên, môi trường sinh thái rừng. Thông qua đó, công tác bảo vệ rừng được đảm bảo, nâng cao gắn liền với phát triển sinh kế cho người dân sống ven rừng, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái...
Để đạt được mục tiêu trên, VQG Lò Gò - Xa Mát đưa du lịch trở thành hoạt động mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 sẽ thu hút 40.000 lượt khách/ năm, doanh thu ước đạt 52 tỉ đồng.
Đây cũng là một trong những hành động cụ thể để Tây Ninh thực hiện định hướng phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, đóng góp trên 10 % GDP của tỉnh.
Nguồn: Báo Nông nghiệp.