Chủ động hơn nữa trong phòng cháy, chữa cháy rừng
- Thứ hai - 22/05/2023 20:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuy Lâm Đồng có độ che phủ rừng ở mức cao, nhưng công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) còn đối diện với nhiều nguy cơ và thách thức do tác động nhiều mặt của xã hội.
Diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng |
Xác định công tác PCCCR là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vào mùa khô, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm đều chỉ đạo toàn lực lượng kiểm lâm chủ động triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch, phương án PCCCR; chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động ngăn ngừa bằng nhiều giải pháp đồng bộ từ nguồn nhân lực, phương tiện, thiết bị PCCCR, công tác hậu cần và lãnh đạo, chỉ huy PCCCR theo phương châm “bốn tại chỗ” nhằm đảm bảo sẵn sàng phục vụ khi có cháy rừng xảy ra.
Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cũng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; các sở, ngành cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác PCCCR. Vì vậy, công tác PCCCR đã đạt được những kết quả nhất định. Số vụ vi phạm và diện tích rừng bị mất giảm dần qua các năm; tình hình cháy rừng và mức độ thiệt hại cũng giảm dần qua các mùa khô. Tuy nhiên, với tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi và diễn biến phức tạp như hiện nay thì áp lực đối với lực lượng bảo vệ rừng và PCCCR là rất lớn.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mùa khô năm 2021 - 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 41 vụ cháy/35,74 ha, trong đó, 1 vụ cháy 1,45 ha rừng thông trồng năm 2014 trên địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương và 40 vụ cháy thảm cỏ, cây bụi dưới tán rừng với diện tích 34,29 ha. Mùa khô 2022 - 2023, tính đến ngày 30/3/2023, có 6 vụ cháy, với tổng diện tích 15,35 ha. Trong đó, 1 vụ cháy thảm thực bì dưới tán rừng thông trồng năm 1984, diện tích 3 ha xảy ra trên lâm phần quản lý của Công ty TNHH Hương Bản, xã Đạm Bri, Bảo Lộc; 1 vụ cháy thảm cỏ cây bụi, dưới tán rừng, diện tích 0,35 ha, xảy ra tại Tiểu khu 670 trên lâm phần quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đại Ninh huyện Đức Trọng; 1 vụ cháy dưới tán rừng thông trồng năm 2013, 2014, 2015 tại xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, diện tích 7,57 ha; 1 vụ cháy rừng trồng thông 3 lá năm 2020 tại xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà với diện tích là 0,428 ha; 1 vụ cháy thảm cỏ cây bụi, dưới tán rừng thông lớn tại khoảnh 1, Tiểu khu 266B, TP Đà Lạt, diện tích 3 ha và 1 vụ cháy thảm cỏ cây bụi, dưới tán rừng thông lớn tại khoảnh 3, Tiểu khu 266B, TP Đà Lạt, diện tích 1 ha, chưa xác định được nguyên nhân cháy.
Ngoài ra, tính đến hết ngày 30/3, trên địa bàn toàn tỉnh có 673 điểm dự báo cháy rừng qua vệ tinh và có tới 439 điểm dự báo cháy đã được các đơn vị kiểm tra xác minh, trong đó 270 điểm cháy nhỏ trong rừng, các đơn vị đã kịp thời dập tắt, không gây ảnh hưởng đến diện tích rừng, các điểm cháy còn lại không phải là cháy rừng.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCCCR, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến pháp luật được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Cụ thể, Sở đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, UBND các cấp tích cực tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân trong công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR; hướng dẫn người dân sản xuất nương rẫy đúng quy định, không để lửa cháy lan vào rừng trong quá trình đốt, dọn nương rẫy bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức tuyên truyền, kết hợp nhiều nội dung tại các thôn, làng, bản; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của xã, các tờ rơi, băng hình, pano, áp phích và hình ảnh...
Bên cạnh đó, tổ chức rà soát, khoanh vùng trọng điểm cháy để chủ động trong việc triển khai, huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng và đề ra các biện pháp PCCCR thích hợp, hiệu quả. Các đơn vị hàng năm phải kiểm tra, rà soát và xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng và đề ra các biện pháp PCCCR, nhất là trong thời kỳ cao điểm mùa khô. Trực, theo dõi thông tin các điểm cháy phát hiện từ ảnh vệ tinh tại hệ thống quản lý cháy rừng, mất rừng và khai thác thông tin của Cục Kiểm lâm và thông tin do Chi cục Kiểm lâm vùng IV cung cấp để kịp thời phát hiện, kiểm tra thực tế hiện trường và huy động lực lượng dập tắt đám cháy (nếu có). Xây dựng các công trình PCCCR như đường băng cản lửa, kênh, mương ngăn lửa; suối, hồ, đập, bể chứa nước, trạm bơm, hệ thống cấp nước chữa cháy…
Bên cạnh việc trực cháy 24/24, hiện tại, để tăng cường năng lực chữa cháy, tỉnh cũng đang xem xét trang bị thêm các phương tiện chuyên dùng cho công tác PCCCR để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.