Chủ động phòng ngừa, tái lấn chiếm đất rừng ở Phi Liêng
- Thứ năm - 14/09/2023 21:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa bàn phụ trách luôn tiềm ẩn yếu tố khó khăn, phức tạp, thời gian qua, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng, huyện Đam Rông đã thực hiện có hiệu quả một số giải pháp trong công tác phòng ngừa, đặc biệt là tăng cường việc giải tỏa diện tích rừng bị phá, lấn chiếm và trồng lại rừng.
Nhiều diện tích thông bị ken, khoan, đổ hóa chất trên địa bàn xã Phi Liêng đang được khẩn trương xử lý, trồng lại rừng |
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng được giao quản lý, bảo vệ 11.902,5 ha rừng; trong đó, rừng phòng hộ 5.726,7 ha và rừng sản xuất 6.175,8 ha. Đơn vị hiện nay có 17 cán bộ, viên chức và người lao động làm việc ở 2 phòng chuyên môn và 2 Trạm quản lý bảo vệ rừng đóng trên địa bàn 2 xã Phi Liêng và Đạ K’nàng. Những năm gần đây, địa bàn này luôn được ghi nhận là một trong số điểm nóng về tình trạng phá rừng trái pháp luật với nhiều vụ việc nghiêm trọng, có tính chất nổi cộm.
Thống kê từ đầu năm 2023 tới hết tháng 7 vừa qua, địa bàn do đơn vị quản lý xảy ra 5 vụ khai thác rừng và phá rừng trái pháp luật tại các tiểu khu 212, 216,217, 209B và 237 với diện tích trên 50.000 m2 và lâm sản thiệt hại trên 300 m3. So với cùng kỳ 2022, số vụ vi phạm và diện tích rừng đã giảm mạnh. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nhìn chung đã từng bước được hạn chế. Từ tháng 8 tới nay, địa bàn không xảy ra vụ vi phạm lâm luật nào.
Lãnh đạo Ban cho biết, thời gian qua, đơn vị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Phòng chuyên môn, các Trạm quản lý bảo vệ rừng xây dựng kế hoạch phối hợp với Ban Lâm nghiệp xã, Kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình từng tiểu khu, đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao xảy ra vi phạm, nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ khi mới phát sinh, hạn chế thấp nhất về thiệt hại tài nguyên rừng.
Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện trong công tác quản lý, bảo vệ rừng về tăng cường công tác bám sát cơ sở thường xuyên, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn với quan điểm xử lý vi phạm đảm bảo kiên quyết, đúng quy định, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong đó, đơn vị tập trung việc nắm chắc khu vực đặc thù, vùng nóng để chủ động các biện pháp kiểm tra, giám sát và quyết liệt trong việc thực hiện ngay việc trồng rừng sau giải tỏa.
Tới nay, đơn vị đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế trồng rừng năm 2023 với diện tích 23 ha trình cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó, trồng rừng thay thế trên 13 ha. Tuy nhiên, đơn vị chỉ được giao làm chủ đầu tư thực hiện trồng rừng thay thế với tổng diện tích là 7,67 ha. Diện tích rừng thay thế còn lại đơn vị không đưa vào thiết kế trong năm 2023 do vướng mắc quy định của ngành Lâm nghiệp.
Đối với trồng rừng sau giải tỏa 9,56 ha trong 6 tháng năm 2023, đơn vị đã tổ chức trồng rừng trên diện tích thiết kế trồng rừng sau giải tỏa tại khoảnh 5, Tiểu khu 217 với diện tích 0,30 ha. Tổ chức trồng rừng thay thế tại Tiểu khu 214; 215 với diện tích 2,06 ha. Trong tháng 8, đơn vị đã phối hợp với địa phương thực hiện tốt việc giải tỏa các vị trí vi phạm, giải tỏa 2 vị trí với diện tích 1.000 m2 trên địa bàn 2 xã.
Theo ông Lê Đình Thu - Phó Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phi Liêng, do địa bàn người dân sinh sống ven rừng, gần rừng nhiều, bên cạnh đó, dân số tăng nhanh về mặt cơ học, nhu cầu về đất sản xuất lớn, giá đất ngày một tăng cao, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng mỏng, dẫn đến công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn và phức tạp.
Các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm bằng nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt, đối với hình thức ken, khoan cây đổ hóa chất, hậu quả chỉ biểu hiện sau một thời gian dài, rất khó khăn cho công tác điều tra truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý. Song song đó, diện tích rừng quản lý của đơn vị nằm xen kẽ với các cụm, khu dân cư, khu sản xuất nông nghiệp của người dân vì vậy nguy cơ tác động đến nguồn tài nguyên rừng và đất rừng luôn tiềm ẩn.
Để công tác phòng ngừa đạt hiệu quả, ngoài thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên, liên tục, ông Thu cho biết, đơn vị đã phối hợp với Ban Lâm nghiệp xã, Kiểm lâm địa bàn rà soát từng hộ dân có đất tiếp giáp với đất rừng, có nguy cơ lấn chiếm để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ cũng như ký cam kết bảo vệ rừng. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền lồng ghép các buổi sinh hoạt tôn giáo, các cuộc họp ở thôn để tuyên truyền cho Nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đồng thời, phát huy vai trò của già làng, chức sắc, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền Nhân dân chấp hành nghiêm Luật Lâm nghiệp, bảo vệ rừng tại cộng đồng dân cư.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.