Cuộc cách mạng của rừng và bài toán sinh kế
- Thứ hai - 08/05/2023 06:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bảo vệ rừng, phát triển rừng phải đảm bảo đời sống người dân
Cuộc cách mạng bảo vệ, phát triển rừng mặc dù đạt nhiều thành tựu nổi bật tuy nhiên vẫn còn những bài toán nan giải về sinh kế, đời sống người dân gắn với rừng.
Những thành tựu nổi bật
5 năm trước, ngày 12/1/2017, Chỉ thị số 13- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” ra đời và đi vào thực tiễn đã trở thành một cột mốc lịch sử đối với lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng ở Việt Nam.
Nhìn lại quá trình thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư nhiều người đã đánh giá đó là một cuộc cách mạng toàn diện không chỉ thay đổi tư duy, thực tiễn để giải quyết các vấn đề tồn tại, nhức nhối mà còn mở cửa, khơi thông nguồn lực để rừng thực sự là vàng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển quốc gia.
Ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đã ví von rằng Chỉ thị 13 đã thay đổi bức tranh bảo vệ, phát triển rừng ở Việt Nam, bởi nếu nhìn lại công tác bảo vệ, phát triển rừng ở Việt Nam trong những năm tháng trước khi Chỉ thị 13 ra đời chắc hẳn nhiều người vẫn còn cảm thấy xót xa, đau đớn.
Thống kê của Bộ NN-PTNT trong giai đoạn 2011 - 2016 cả nước đã xảy ra hơn 11.900 vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực bảo vệ rừng. Trong vòng 3 năm, từ 2014 đến 2017 có đến 53 tỉnh thành đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với 3.499 dự án, tương ứng hơn 170.504 ha rừng bị xâm hại. Chỉ riêng khu vực Tây Nguyên, trong quãng thời gian đó đã có 273.000 ha rừng tự nhiên biến mất do nạn phá rừng, cháy rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và các dự án xây dựng, thủy điện, giao thông…
Bối cảnh nhức nhối đòi hỏi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phải có chủ trương, đường lối, quyết sách để giải quyết những vấn đề cấp bách, hướng tới quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững ở Việt Nam.
“Với 6 nội dung trọng tâm trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, chỉ sau một thời gian ngắn, Chỉ thị 13 nhanh chóng nhận được sự quan tâm, đón nhận của Đảng bộ, Chi bộ các cấp và chỉ đạo tích cực hưởng ứng, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”, ông Cao Chí Công hồi tưởng.
Là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý lĩnh vực lâm nghiệp, thực hiện Chỉ thị số 13, Bộ NN-PTNT đã xây dựng chương trình hành động rõ ràng, cụ thể. Nhiều chỉ đạo của Chỉ thị 13 được thể chế hóa trong Luật Lâm nghiệp. Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương tham mưu Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về lâm nghiệp, quyết liệt triển khai việc ban hành luật, đặt quyết tâm hành động ở mức cao nhất.
Kết quả sau hơn 5 năm thực hiện nghiêm túc, toàn diện, thành tựu của Chỉ thị 13 là hết sức rõ rệt, tạo sự thay đổi tích cực về nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của tài nguyên rừng và ngành lâm nghiệp đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Về kinh tế, đã thay đổi cơ cấu sản xuất lâm nghiệp theo hướng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất lâm nghiệp thông qua các chỉ tiêu về cơ cấu diện tích rừng trồng sản xuất, xã hội hóa về đầu tư và nguồn lực, lâm sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của đất nước với tỷ lệ xuất siêu cao.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng ổn định 5,5 - 6%/năm. Trồng rừng sản xuất phát triển cả về diện tích và chất lượng, cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2022 đạt trên 17,9 tỷ USD, duy trì tăng trưởng cao và ổn định, mức độ tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng giá trị thương mại lâm sản toàn cầu.
Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.000 tỷ đồng/năm, trở thành một nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng và người làm nghề rừng.
Về an sinh xã hội, các hoạt động lâm nghiệp đã tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động. Công tác giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp có nhiều tiến bộ, cơ cấu sử dụng đất lâm nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng diện tích giao cho các tổ chức của nhà nước quản lý giảm và diện tích giao cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tăng lên…
Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng liên tục tăng, đạt 42,2% vào năm 2022, được xác định là một chỉ tiêu quốc gia quan trọng; quản lý chặt chẽ và dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; công tác bảo vệ và phát triển rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm cả số vụ và mức độ thiệt hại ở giai đoạn sau so với giai đoạn trước.
Diện tích, cơ cấu và chất lượng ba loại rừng đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển ngành lâm nghiệp, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…
Điển hình là Tuyên Quang, địa phương đạt được nhiều thành tựu rõ rệt, gần như thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội trên quê hương cách mạng. Nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và rừng của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành và từng người dân được nâng cao; công tác quản lý, bảo vệ rừng nhất là rừng tự nhiên được thực hiện nghiêm ngặt. Nhờ đó, tỉ lệ che phủ rừng ở Tuyên Quang được nâng lên từ 62% vào năm 2017 thành 65,2% vào năm 2022, đứng thứ ba cả nước sau các tỉnh Quảng Bình và Bắc Kạn.
Bảo vệ đi đôi với phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là giải pháp phát triển chặt chẽ, hợp lý trong việc luân chuyển rừng trồng, khai thác, chế biến, mỗi năm tỉnh Tuyên Quang trồng hơn 11.000 ha rừng, khai thác hơn 1 triệu m3 gỗ rừng trồng, 43.800 ha rừng đã được cấp chứng chỉ quốc tế. GRDP ngành lâm nghiệp Tuyên Quang năm 2022 đật hơn 1.750 tỉ đồng, bước đầu đưa tỉnh trở thành trung tâm chế biến gỗ của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đời sống người trồng rừng không ngừng được nâng lên, lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế hiệu quả, có giá trị cao, bền vững.
Bài toán sinh kế người dân
Mặc dù đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên, nhìn lại hơn 5 năm thực thực hiện Chỉ thị 13, vẫn còn đó những rào cản, khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ, xóa bỏ.
Đó là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu ổn định; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vẫn diễn ra phức tạp, chất lượng rừng tự nhiên còn thấp, năng suất và chất lượng rừng trồng chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; năng lực chế biến lâm sản còn thấp, chủng loại chưa phong phú, chưa gắn kết với chuỗi cung ứng lâm sản toàn cầu…
Và hơn hết là chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, người lao động, người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng vẫn còn ở mức thấp. Tình trạng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng liên tục nghỉ việc dẫn đến thiếu hụt nhân lực, nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ rừng càng khó khăn...
Bắc Kạn là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp gần 418.000 ha, tỉ lệ che phủ rừng năm 2022 là 73,35%, cao thứ hai cả nước. Xác định kinh tế rừng là hướng đi mũi nhọn để nâng cao thu nhập cho người dân, tuy nhiên theo thống kê tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương vẫn còn hơn 24,7%, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm đến 80%. Dù đa số người dân ở Bắc Kạn sống gần rừng nhưng nguồn thu nhập từ rừng còn thấp.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, chia sẻ: Khó khăn trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, từ sự chưa phù hợp của các quy định, công tác quản lý… tuy nhiên vấn đề căn cơ vẫn là tư duy chủ yếu tập trung công tác bảo vệ, ngăn chặn mà thiếu các giải pháp phát triển sinh kế, tạo thu nhập cho người dân từ rừng, để người dân đảm bảo cuộc sống và bảo vệ rừng.
Chính vì vậy chúng tôi kiến nghị thời gian tới cần phải có chủ trương, cơ chế chính sách vừa đảm bảo bảo vệ rừng, phát triển rừng vừa đảm bảo đời sống người dân. Người dân miền rừng vừa bảo vệ nhưng cũng cần phải được khai thác lợi thế, bảo tồn và phát huy giá trị rừng và phải được hưởng các chính sách hỗ trợ mới có thể có cuộc sống tốt hơn.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam.