Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Đẩy mạnh công tác trồng rừng, trồng cây xanh

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tiếp tục phối hợp với các đơn vị chủ rừng rà soát quỹ đất đủ điều kiện trồng rừng trong quy hoạch lâm nghiệp để tập trung trồng rừng. Đồng thời, đề xuất phương án sử dụng nguồn vốn trồng rừng thay thế theo đúng quy định hiện hành; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT chấp thuận chuyển kinh phí trồng rừng thay thế tồn trước đây chưa sử dụng hết về Quỹ Trung ương.

Chăm sóc cây trồng
Chăm sóc cây trồng

• TRIỂN KHAI TRỒNG RỪNG CÒN BỊ KÉO DÀI 

Thời gian qua, thực tế cho thấy các đơn vị chủ rừng chưa chủ động, cập nhật quy định mới để thực hiện xây dựng các hồ sơ đảm bảo quy trình thủ tục, thời gian triển khai công tác trồng rừng. Sở NN&PTNT cho biết, đã có nhiều hướng dẫn, đôn đốc nhưng chưa kiên quyết và cụ thể hóa quy trình triển khai; Trình tự thủ tục phải qua đơn vị, phải trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương, phân bổ vốn; UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư nên thời gian triển khai trồng rừng còn bị kéo dài.

Đối với phần diện tích trồng rừng năm 2023, Sở đã hoàn thiện công tác kiểm tra hiện trường, thẩm định hồ sơ thiết kế trồng rừng để các đơn vị chủ rừng tham mưu UBND tỉnh phê duyệt thiết kế và dự toán các dự án trồng rừng (trồng rừng sau giải tỏa, trồng rừng tập trung, kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh) với tổng diện tích 337,82 ha.

Đối với trồng rừng thay thế, theo Sở NN&PTNT tỉnh, trước đây, các dự án đầu tư không tự thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thì được UBND tỉnh thống nhất cho thực hiện theo phương án nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để phân bổ cho các đơn vị chủ rừng khác còn quỹ đất để trồng rừng thay thế. Theo Thông tư số 13 ngày 25/10/2019 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về trồng rừng thay thế thì chỉ cho phép thực hiện trồng rừng thay thế trên đối tượng đất lâm nghiệp chưa có rừng quy hoạch cho đối tượng là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; do đó thời gian qua, Sở NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chủ rừng rà soát quỹ đất đủ điều kiện (được quy định tại Thông tư số 13) để thực hiện việc trồng rừng thay thế nhằm tận dụng nguồn kinh phí này cho hoạt động trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng. Tuy nhiên, qua rà soát thì các đơn vị chủ rừng báo cáo không còn quỹ đất đủ điều kiện để đưa vào trồng rừng thay thế; do đó, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 13 và kiến nghị tại Kết luận thanh tra số 102 của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp thì kinh phí trồng rừng thay thế sau khi nhận về mà quá 12 tháng chưa sử dụng phải nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (Quỹ Trung ương) để phân bổ cho các địa phương khác thực hiện trồng rừng thay thế đảm bảo diện tích đã chuyển mục đích sử dụng rừng. Thực hiện kiến nghị sau thanh tra, Sở NN&PTNT đã báo cáo UBND tỉnh và đề nghị chuyển toàn bộ kinh phí trồng rừng thay thế chưa sử dụng về Quỹ Trung ương để phân bổ trồng rừng thay thế tại các địa phương khác. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã tiếp tục phối hợp với các đơn vị chủ rừng rà soát quỹ đất đủ điều kiện trồng rừng trong quy hoạch lâm nghiệp để tập trung trồng rừng. Đồng thời, đề xuất phương án sử dụng nguồn vốn trồng rừng thay thế theo đúng quy định hiện hành; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT chấp thuận chuyển kinh phí trồng rừng thay thế tồn trước đây chưa sử dụng hết về Quỹ Trung ương.

Đối với các công trình trồng rừng thay thế năm 2023 đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương nộp tiền trồng rừng thay thế của 5 đơn vị và giao cho 5 đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Tà Năng, Tân Thượng, Lâm Hà, Sêrêpốk, Phi Liêng với tổng diện tích trồng rừng là 70,484 ha; Sở NN&PTNT đã tham mưu trình phê duyệt cho 2 đơn vị chủ rừng (Ban QLRPH Tà Năng và ban QLRPH Sêrêpốk) với diện tích 32,26 ha. Sở NN&PTNT đã có các văn bản đôn đốc, hướng dẫn các Ban QLRPH Lâm Hà, Phi Liêng, Tân Thượng hoàn thiện hồ sơ trước khi gửi về Sở thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. 

Ngày 25/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1658 về phê duyệt dự án đầu tư đối với các dự án trồng và chăm sóc rừng trồng sau giải toả trên diện tích 166,47 ha của 11 đơn vị chủ rừng với tổng kinh phí 26, 33 tỷ đồng (trong đó, trồng và chăm sóc rừng năm 1, năm 2023 là 13,25 tỷ đồng). Sở NN&PTNT đã phối hợp với các đơn vị chủ rừng để tiến hành rà soát, đề xuất UBND tỉnh bố trí phân khai chi tiết nguồn vốn chưa được phân bổ là 7,477 tỷ đồng (chiếm 56,4% nhu cầu vốn) từ nguồn vốn đầu tư phát triển (theo Quyết định số 2355 ngày 9/12/2022 của UBND tỉnh cho công trình trồng rừng sau giải tỏa năm 2023) để tổ chức triển khai thực hiện; bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị các đơn vị chủ rừng có cam kết thực hiện hoàn thành giải ngân nguồn vốn đúng tiến độ trong năm 2023.

• ĐÃ TRỒNG ĐƯỢC TRÊN 19,73 TRIỆU CÂY XANH

Hưởng ứng Chương trình Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động; UBND tỉnh Lâm Đồng đăng ký thực hiện trồng 50 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2209 để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Theo đó năm 2023, toàn tỉnh thực hiện kế hoạch trồng được 12,41 triệu cây; lũy kế, đến nay toàn tỉnh đã trồng được trên 2,6 triệu cây, đạt 21,18 % kế hoạch năm 2023. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trồng gần 16,8 triệu cây, đạt 33,6% so với kế hoạch toàn giai đoạn 2021-2025. 

Kế hoạch trồng cây xanh năm 2023 của tỉnh là đảm bảo mục tiêu trồng được 12,4 triệu cây xanh. Đến tháng 9/2023, toàn tỉnh đã tổ chức trồng được trên 5,57 triệu cây, đạt 44,92 % kế hoạch năm 2023. Sau gần 3 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã thực hiện trồng trên 19,73 triệu cây, đạt 39,5% so với kế hoạch toàn giai đoạn 2021-2025.

Sở NN&PTNT cho biết, để thực hiện đảm bảo kế hoạch trồng cây đã được UBND tỉnh giao, các địa phương cần phải tập trung rà soát quỹ đất, chỉ đạo các đơn vị liên quan, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân tích cực ra quân trồng cây để đảm bảo kế hoạch được giao; đặc biệt là tập trung trồng cây xanh, cây phân tán, cây che bóng trên diện tích khoảng 58.915 ha đất được điều chỉnh đưa ra ngoài lâm nghiệp trên toàn tỉnh.    

Nguồn: Báo Lâm Đồng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây