Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Đề xuất mở ngành Kiểm lâm hệ đại học: Đại diện Bộ Nông nghiệp, Bộ GDĐT nói gì?

GDVN-Ngành Kiểm lâm rất cần có cơ sở hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ ĐH riêng để chủ động trong việc tuyển dụng nhân lực, đảm bảo chất lượng, cơ cấu ngành nghề.

Hiện nay, vị trí việc làm đối với ngạch công chức chuyên ngành Kiểm lâm đã có. Tuy nhiên, chưa có trường đại học đào tạo mã ngành Kiểm lâm.

Do đó, việc tuyển dụng đối với vị trí việc làm Kiểm lâm chủ yếu được tuyển chọn từ các ngành liên quan đến lâm nghiệp như ngành Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng, Khoa học cây trồng, Quản lý đất đai,... Do vậy, đa số cán bộ đang công tác ở vị trí của Kiểm lâm viên thường phải tham gia đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng thêm để phục vụ cho công việc chuyên môn.

Trước thực tế này, có một số ý kiến đề xuất nên mở thêm mã ngành đào tạo Kiểm lâm trình độ đại học chính quy để có đội ngũ Kiểm lâm viên chuyên nghiệp, có thể đáp ứng yêu cầu công việc ngay từ khi tuyển dụng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho công tác đào tạo lại.

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao với ông Mai Anh Tuấn - Kiểm lâm viên chính, Phòng Tổ chức xây dựng lực lượng, Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cán bộ kiểm lâm và người dân đang trồng rừng. Ảnh: NVCC

Cán bộ kiểm lâm và người dân đang trồng rừng. Ảnh: NVCC

Rất cần mở ngành Kiểm lâm trình độ đại học để chủ động trong việc tuyển dụng nhân lực

Chia sẻ với phóng viên, ông Mai Anh Tuấn cho biết, lực lượng Kiểm lâm được thành lập ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trọng yếu để thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp. Hiện nay với tổng biên chế trên 11.000 người quản lý bảo vệ 14,8 triệu ha, đặc biệt trên 2 triệu ha rừng đặc dụng, 4,7 triệu ha rừng phòng hộ và 3,4 triệu ha rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

“Cũng như các ngành nghề khác, căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ và chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhiệm khi tuyển dụng, cơ quan có thẩm quyền sẽ bổ nhiệm vào ngạch công chức tương ứng.

Đối với Kiểm lâm là ngạch Kiểm lâm viên chính - Mã số: 10.225; ngạch Kiểm lâm viên - Mã số: 10.226; ngạch Kiểm lâm viên trung cấp - Mã số: 10.228.

Phải nói rằng, việc quản lý, tuyển dụng vào kiểm lâm được thực hiện theo chủ trương phân cấp về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của Chính phủ; tuy nhiên, theo nắm bắt sơ bộ, thì cung cấp nguồn nhân lực cho Kiểm lâm chủ yếu đến từ các trường như Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế và một số trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”, ông Tuấn thông tin.

Chia sẻ thêm, ông Mai Anh Tuấn cho biết, kiểm lâm là một nghề đặc thù khi vừa phải thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức về quản lý, bảo vệ rừng, phải có kỹ năng tuyên truyền, vận động, vừa phải có nghiệp vụ về tuần tra, kiểm tra, điều tra ngăn ngừa, xử lý vi phạm về lâm nghiệp.

Do vậy, nhằm chuẩn hóa, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho kiểm lâm toàn quốc, đã một số chương trình khung về tập huấn cho kiểm lâm như: Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức Kiểm lâm mới tuyển dụng; Chương trình bồi dưỡng Kiểm lâm địa bàn; Chương trình tập huấn theo dõi diễn biến rừng; Chương trình tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng... Đối với đối với Kiểm lâm mới được tuyển dụng phải bồi dưỡng, tập huấn trong thời gian khoảng 30 ngày nhằm chuẩn hóa yêu cầu về ngạch công chức, đây là yêu cầu bắt buộc.

“Tuy nhiên, đây chỉ là các khóa bồi dưỡng, tập huấn cập nhật, bổ sung về chuyên môn, nghiệp vụ chứ không phải là đào tạo chuyên ngành như chính quy đại học”, đại diện Phòng Tổ chức xây dựng lực lượng, Cục Kiểm lâm chia sẻ.

Cán bộ kiểm lâm và người dân đang trồng rừng. Ảnh: NVCC

Cán bộ kiểm lâm và người dân đang trồng rừng. Ảnh: NVCC

Trước đề xuất nên mở ngành Kiểm lâm trình độ đại học chính quy, ông Mai Anh Tuấn bày tỏ sự đồng tình, và cho rằng ngành Kiểm lâm rất cần có cơ sở hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ đại học riêng để chủ động trong việc tuyển dụng nhân lực, cũng như đảm bảo về chất lượng, cơ cấu ngành nghề. Bên cạnh đó, nếu đề xuất được triển khai sẽ là cơ sở quan trọng giúp sinh viên khi được tuyển dụng sẽ không bị bỡ ngỡ về kỹ năng và thực hành công việc mang tính đặc thù của Kiểm lâm.

“Nếu mở ngành Kiểm lâm ở bậc đại học chính quy thì cần phải xây dựng chương trình đào tạo sát với vị trí việc làm Kiểm lâm hiện tại. Như vậy sẽ là tiền đề quan trọng để tạo nguồn nhân lực bài bản có trình độ, nghiệp vụ chuyên môn sâu về Kiểm lâm”, ông Tuấn nêu ý kiến.

Một số kỹ năng quan trọng với Kiểm lâm viên, theo ông Tuấn nếu được đào tạo bài bản ngay từ đầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công việc, giúp tiết kiệm thời gian đào tạo lại như kỹ năng sử dụng bản đồ, GPS và các ứng dụng trong đi rừng, kỹ năng sinh tồn, nhận biết một số loài cây, động vật rừng; hay cách tuyên truyền, vận động, thu hút người xung quanh, cộng đồng, cách xử lý khi bắt gặp hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, lập biên bản,...

Cũng đồng tình với đề xuất mở ngành Kiểm lâm trình độ đại học, Tiến sĩ Tăng Thị Kim Hồng – Trưởng khoa Khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:

“Hiện chưa trường đại học nào có mã ngành Kiểm lâm, mà chỉ có mã ngành đào tạo Lâm học, Quản lý tài nguyên rừng. Sinh viên tốt nghiệp đại học ngành Lâm học, ngành Quản lý tài nguyên rừng có thể đáp ứng được vị trí việc làm của Kiểm lâm viên. Tuy nhiên, các em vẫn phải được bồi dưỡng thêm nghiệp vụ chuyên môn khi đảm nhận vị trí Kiểm lâm".

Để thu hút người học khi mở ngành Kiểm lâm, Tiến sĩ Tăng Thị Kim Hồng cho rằng đơn vị tuyển dụng lao động phải cho biết nhu cầu thực tế hiện nay và dự báo tương lai cần bao nhiêu nhân sự làm việc ở vị trí Kiểm lâm. Điều này cũng góp phần tăng cơ hội có việc làm cho sinh viên ngành Kiểm lâm sau khi tốt nghiệp.

Cùng góp ý về việc thu hút sinh viên sau khi mở ngành Kiểm lâm trình độ đại học, Tiến sĩ Mai Thị Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang đề xuất, bên cạnh việc xây dựng chương trình học có tính cập nhật, phù hợp với điều kiện hiện nay, cần có thêm chế độ chính sách ưu đãi đối với sinh viên, nhân sự của vị trí kiểm lâm.

Xem xét thêm các cơ chế đặc thù trong tuyển dụng

Đại diện Phòng Tổ chức xây dựng lực lượng, Cục Kiểm lâm - ông Mai Anh Tuấn nhận định, hiện nay lực lượng Kiểm lâm đang thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút lực lượng trẻ kế cận đang gặp một số khó khăn nhất định.

“Đặc thù Kiểm lâm là công việc vất vả, địa bàn làm việc thường tại các khu rừng, nơi vùng sâu, vùng xa khu dân cư, đường đi lại hết sức khó khăn; làm việc bất kể thời gian, yêu cầu ở địa bàn gần như 24/24 giờ, lại thường trực hiểm nguy.

Trong khi đó, hiện nay người trẻ có rất nhiều lựa chọn về ngành nghề. Do đó, đa số các em sẽ chọn những công việc có thể làm tại các thành phố thay vì lựa chọn làm việc vất vả nơi rừng núi”, ông Tuấn chia sẻ.

Do vậy, bên cạnh đề xuất mở ngành, đại diện Phòng Tổ chức xây dựng lực lượng, Cục Kiểm lâm cũng cho rằng cần có thêm các chính sách, chế độ thu hút đãi ngộ người học Kiểm lâm.

Theo ông Tuấn, một trong những điểm khó hiện nay của Kiểm lâm là công chức nhà nước, công việc đặc thù như công an, quân đội, nhưng việc tuyển dụng vẫn phải thông qua thi tuyển chung như các công chức nhà nước khác mà chưa có chính sách đặc thù nào.

Do đó, mặc dù chế độ lương, đãi ngộ dành cho lực lượng Kiểm lâm đã được Nhà nước quan tâm. Song, vì đặc thù yêu cầu công việc vất vả, gian nan, nên việc thu hút, giữ chân lực lượng Kiểm lâm yên tâm gắn bó với nghề vẫn còn gặp khó khăn.

Ông Mai Anh Tuấn đề xuất, nếu mở ngành Kiểm lâm trình độ đại học, cần xem xét thêm các cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, như vậy việc thu hút người học vào ngành này sẽ thuận lợi hơn. Từ đó, tăng sức hút đầu vào cho ngành học, tạo nguồn nhân lực Kiểm lâm có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ bài bản, có sự say mê, gắn bó lâu dài với nghề.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: "Việc mở mã ngành phải xem xét theo vị trí việc làm, vị trí việc làm đó có cần trình độ đại học không.

Điều quan trọng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cần nhân lực kiểm lâm trình độ đại học không.

Nếu vị trí việc làm yêu cầu Kiểm lâm cần nhân lực trình độ đại học thì cần có đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo mở ngành, còn từ trước đến nay vị trí việc làm không yêu cầu thì vẫn chưa thể mở ngành".

Ông Vũ Đình Cường – Chi Cục trưởng Cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng

Tại Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, sau khi tuyển xong đơn vị sẽ có kế hoạch bồi dưỡng mã ngạch cho đội ngũ nhân sự mới. Cụ thể, sau khi được tuyển dụng, đội ngũ nhân sự mới sẽ có thời gian tập sự, lúc đó Chi cục tổ chức bồi dưỡng mã ngạch để những người trúng tuyển đủ điều kiện chuyển ngạch.

Theo ông Vũ Đình Cường, đề xuất mở mã ngành đào tạo Kiểm lâm là một ý tưởng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh đến việc cần cân nhắc đến giải pháp thu hút tuyển sinh đầu vào.

Ông Lê Công Trường – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông

Ông Lê Công Trường cho biết, một số người được tuyển cho vị trí kiểm lâm nhưng vẫn phải đào tạo lại, có khi phải mất từ 6 tháng đến một năm để đào tạo lại nhưng việc tiếp thu vẫn chậm. Bên cạnh đó, chế độ lương cho kiểm lâm cũng còn thấp nên việc tuyển dụng, thu hút nhân sự rất khó khăn.

Ông Nguyễn Tiến Đàm - Phụ trách phòng Giáo dục môi trường & Dịch vụ môi trường rừng, Vườn Quốc gia Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh)

Theo ông Nguyễn Tiến Đàm, sẽ tốt hơn nếu các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Lâm nghiệp và các trường đào tạo khối ngành nông lâm được mở ngành đào tạo Kiểm lâm, như vậy trong tương lai sẽ có đội ngũ được đào tạo đúng chuyên ngành, chuyên sâu và đáp ứng được nhu cầu của vị trí việc làm này. Và khi có mã ngành đào tạo đại học, những người trình độ trung cấp, cao đẳng cũng có thể học liên thông dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các trường cũng phải tính toán đến vấn đề đầu ra và vấn đề xây dựng chương trình đào tạo cũng như giáo trình, tài liệu một cách chuẩn chỉnh.

Nguồn: Báo Giaoduc.net.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây