Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Ðà Lạt: Nỗ lực nâng cao quản lý đất đai và bảo vệ môi trường

Những năm gần đây, TP Đà Lạt đã nỗ lực không ngừng trong công tác quản lý đất đai và bảo vệ môi trường. Những nỗ lực ấy đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững địa phương.

Trồng cây, bảo vệ môi trường
Trồng cây, bảo vệ môi trường

• QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI MINH BẠCH HIỆU QUẢ

Để đảm bảo quy hoạch sử dụng đất phù hợp với định hướng phát triển chung, Đà Lạt đã hoàn thành lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, đồng bộ với quy hoạch chung của thành phố và vùng phụ cận. Việc thành phố công bố công khai quy hoạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tham gia đóng góp ý kiến.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được đẩy nhanh tiến độ, góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai. Đồng thời, thành phố cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Thành phố tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình cá nhân chưa được cấp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, cấp mới 2.723 giấy chứng nhận, đồng thời giải quyết 2.260 hồ sơ chuyển mục đích của cá nhân phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, tích hợp tính năng tra cứu thông tin dữ liệu đất đai trên các ứng dụng trực tuyến, nâng cao vai trò của người dân trong công tác quản lý đất đai. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước trong lĩnh vực đất đai, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đặc biệt là các hành vi lấn, chiếm đất rừng, sử dụng đất sai mục đích,... UBND thành phố đã ban hành 156 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền phạt trên 2,3 tỷ đồng. 

• NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ ĐỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống, Đà Lạt đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như tăng cường trồng rừng, trồng hoa, cây xanh; tăng cường quản lý và bảo vệ các danh lam thắng cảnh, trong đó thành phố đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi xâm hại đến các danh lam thắng cảnh, bảo đảm giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên vốn có của Đà Lạt.

Việc xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, cũng như triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là những nỗ lực đáng ghi nhận của thành phố trong việc bảo vệ môi trường. Đối với công tác thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, tính đến nay, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của thành phố hoạt động với công suất tối đa là 12.400 m3/ngày đêm, với tổng số hộ dân trong vùng thu gom xử lý nước thải đến nay là 8.657 hộ, tổng lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố khoảng 11.479.135 m3, lượng nước thải sinh hoạt được thu gom về hệ thống xử lý nước thải tập trung bình quân là 9.019 m3/ngày đêm.

Ngoài ra, Đà Lạt đã tập trung bảo vệ nguồn nước mặt và nước ngầm, khôi phục lại các mốc giới hành lang bảo vệ suối, kênh, mương.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, thành phố cũng đã có những quyết sách mạnh mẽ trong việc giảm thiểu tác động của hoạt động khai thác khoáng sản. Đến năm 2025, thành phố đặt mục tiêu ngừng toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, nhằm bảo vệ cảnh quan và môi trường sống.

Với những nỗ lực không ngừng, Đà Lạt đang từng bước khẳng định vị thế là một thành phố du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường. Những kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, tuy nhiên, Đà Lạt vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Việc thực hiện các quy hoạch và chính sách đã ban hành một cách hiệu quả, cũng như nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường là những nhiệm vụ quan trọng mà thành phố đặt mục tiêu cần tiếp tục được quan tâm, triển khai có hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.

Nguồn: Báo Lâm Đồng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây