Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm lâm, bảo vệ rừng
- Thứ tư - 25/12/2024 14:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 18/12, Chính phủ ban hành Nghị định 159/2024/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số quy định của Nghị định 01/2019/NĐ-CP liên quan đến Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích rừng phong phú, đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua, trình trạng phá rừng, cháy rừng và khai thác gỗ bất hợp pháp vẫn diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng.
Để giải quyết những thách thức này, Chính phủ đã liên tục cập nhật và hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến bảo vệ rừng. Nghị định 159/2024/NĐ-CP ra đời nhằm điều chỉnh và bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm lâm và tổ chức của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, đồng thời tăng cường tính hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật về lâm nghiệp.
Đây là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Nghị định mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 02/02/2025.
Quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm lâm
Nghị định 159/2024/NĐ-CP nêu rõ, kiểm lâm là lực lượng chuyên trách trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Khi thi hành công vụ, kiểm lâm có trách nhiệm thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.
Cụ thể, lực lượng kiểm lâm được giao các quyền:
Kiểm lâm khi thi hành công vụ thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Nghị định này và theo quy định của pháp luật; mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, kiểm lâm hiệu, biển tên theo quy định.
Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Kiểm tra hiện trường, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm pháp luật hình sự.
Được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, đồng phục, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, Nghị định yêu cầu kiểm lâm phải mặc đồng phục, đeo cấp hiệu, kiểm lâm hiệu và biển tên khi thực hiện nhiệm vụ.
Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao khác theo quy định của pháp luật.
Tổ chức kiểm lâm cấp Trung ương và địa phương
Đối với tổ chức Kiểm lâm Trung ương, Nghị định 159/2024/NĐ-CP quy định: Cục Kiểm lâm là tổ chức hành chính thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng và bảo tồn thiên nhiên, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp.
Về tổ chức kiểm lâm cấp tỉnh, Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh là tổ chức hành chính thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng và thực hiện các nhiệm vụ khác về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
Sửa quy định về tổ chức kiểm lâm rừng đặc dụng và rừng phòng hộ
Nghị định 159/2024/NĐ-CP sửa đổi quy định về tổ chức kiểm lâm tại các khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Theo đó, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng được thành lập tại các Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh có diện tích từ 15.000 ha trở lên.
Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ được thành lập tại các khu rừng phòng hộ đầu nguồn, chắn gió, chắn sóng có diện tích từ 20.000 ha trở lên.
Các Hạt Kiểm lâm này chịu sự quản lý của Cục Kiểm lâm nếu rừng do Trung ương quản lý, hoặc Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh nếu rừng do địa phương quản lý. Để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, các Hạt Kiểm lâm có thể thành lập các Trạm Kiểm lâm trực thuộc.
Kiểm lâm trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ hy sinh, bị thương thì được cơ quan có thẩm quyền căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận là liệt sỹ, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định tại điểm g, điểm i khoản 1 Điều 14 và điểm g, điểm i khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị hy sinh, bị thương được hưởng chế độ, chính sách theo quy định Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
Với việc Chính phủ ban hành Nghị định 159/2024/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều thay đổi tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Với các quy định rõ ràng về nhiệm vụ và quyền hạn, lực lượng kiểm lâm sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Nghị định 159/2024/NĐ-CP đã phân cấp rõ ràng giữa trung ương và địa phương giúp tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác bảo vệ rừng. Củng cố hệ thống tổ chức kiểm lâm. Đồng thời, bảo vệ được đa dạng sinh học và tài nguyên rừng, tăng cường quản lý tại các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ sẽ góp phần bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng, giảm thiểu nguy cơ mất rừng.
Nghị định 159/2024/NĐ-CP sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng tại Việt Nam. Sự ra đời của Nghị định không chỉ phản ánh cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn tạo điều kiện để lực lượng kiểm lâm hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu về môi trường ngày càng gia tăng, việc thực hiện Nghị định 159/2024/NĐ-CP một cách nghiêm túc sẽ góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường của đất nước.
Nguồn: Báo Nông nghiệp.