Đốt thực bì sau khai thác rừng, thói quen sai lầm
- Thứ sáu - 09/06/2023 20:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đốt thực bì sau khai thác rừng trồng là một trong những điều trái với quy định trong chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC). Tuy nhiên, thói quen này vẫn rất phổ biến.
Muốn trồng rừng FSC, phải chấm dứt đốt thực bì
Ông Võ Thanh Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ, Quảng Bình) cho hay, cách đây không lâu, tại địa phương đã xẩy ra những vụ cháy rừng mà nguyên nhân chính là do các hộ dân sau khi khai thác rừng trồng đã đốt thực bì để trồng lại. Hệ quả là các hộ sau khi hòa giải, bên gây ra cháy rừng phải chi hàng chục triệu đồng để đền bù thiệt hại cho hộ bị ảnh hưởng.
Lựa chọn đốt thực bì sau khai thác của người trồng rừng đã khiến nhiều sự việc không mong muốn xẩy ra khiến chính quyền nhiều địa phương phải xắn tay xử lý. Xử phạt thì không nỡ, chính quyền các địa phương đành vận động người dân hòa giải, đền bù cho bên bị thiệt hại.
“Chúng tôi vận động người dân không đốt thực bì sau khai thác nhưng thực tế vẫn còn. Sau những vụ cháy rừng do đốt thực bì, chúng tôi vận động hòa giải và các bên đều đồng thuận. Thực tế người trồng rừng biết tác hại của việc đốt thực bì sau khai thác nhưng nhiều hộ có diện tích nhỏ lẻ, họ trồng rừng gỗ nhỏ, không có liên kết, không bị ràng buộc nên chọn cách đốt thực bì để thuận tiện cho việc trồng mới. Điều này cũng khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều”, ông Tú lý giải.
Theo ông Lê Tài Hạnh, xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thủy Tây (xã Cam Thủy), việc đốt thực bì sau khi khai thác rừng chỉ rơi vào những trường hợp trồng rừng gỗ nhỏ, diện tích manh mún.
Tại xã Cam Thủy, cùng với sự lan tỏa của phong trào trồng rừng theo chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), người trồng rừng từ lâu đã không còn đốt thực bì sau khai thác. Không chỉ đối với các diện tích rừng có chứng chỉ FSC, các chủ rừng khác tại địa phương cũng đã tự giác thực hiện việc không đốt thực bì sau khai thác. Điều đó xuất phát phần lớn từ ý thức ngày càng được nâng cao của người trồng rừng.
Hiện nay, tại Quảng Trị đã xuất hiện nhiều HTX trồng rừng bền vững. Tại hầu hết các HTX này, người trồng rừng đều trồng rừng gỗ lớn, hướng tới việc cấp chứng chỉ FSC và liên kết với một số doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định. Đương nhiên, với việc trồng rừng gỗ lớn hướng tới được cấp chứng chỉ FSC, người dân sẽ phải thay đổi thói quen đốt thực bì sau khai thác rừng.
Quảng Trị hiện có trên 120 nghìn ha rừng trồng sản xuất. Đây cũng là một trong những tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình với tổng diện tích gần 16,2 nghìn ha rừng keo.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Quảng Trị đề ra mục tiêu trồng thêm 5 nghìn ha rừng trồng gỗ lớn FSC tại 5 huyện Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh và phấn đấu có 30 nghìn ha vào năm 2030.
Năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050. Theo đó, tỉnh này đặt mục tiêu xác định các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Đây là cơ sở để tin rằng, việc đốt thực bì sau khai thác tại Quảng Trị trong thời gian tới sẽ giảm đáng kể. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng khí CO2 thải ra ngoài môi trường do đốt thực bì sau khai thác rừng sẽ giảm xuống.
Tuy nhiên, ông Lê Chí Nghĩa, Phó phòng Quản lý sử dụng rừng (Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị) cho rằng, người dân hiện nay chưa thực sự mặn mà với rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn mặc dù đã có chính sách nhưng triển khai còn chậm khiến người trồng rừng chưa được hỗ trợ nhiều. Đây có thể coi là những lực cản khiến quyết tâm trồng rừng ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Trị gặp những khó khăn nhất định.
Ông Nguyễn Văn Lục, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông (xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ) cho rằng, muốn nghề trồng rừng bền vững và nâng cao hiệu quả thì chuyển từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, rừng FSC là tất yếu. Khi đó, vấn đề đốt thực bì sau khai thác cũng sẽ tự nhiên giảm vì đây là điều kiện bắt buộc để rừng được cấp chứng chỉ FSC. Khi rừng được cấp chứng chí FSC, gỗ nguyên liệu mới có cơ hội vươn ra thị trường thế giới và nâng cao giá trị rừng trồng.
Đốt thực bì, hành vi "ngáng đường" xuất khẩu gỗ
Không đốt thực bì sau khai thác rừng trồng là một xu hướng khá phổ biến trên thế giới. Đây cũng là một trong những điều kiện bắt buộc để rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, tạo cơ hội cho sản phẩm gỗ rừng trồng vươn ra thị trường thế giới.
Tại Hội thảo Giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng diễn ra tại tỉnh Quảng Trị đầu năm 2023, TS Đỗ Đăng Tèo, Phó Giám đốc Hợp phần Quản lý rừng bền vững (thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ - USAID tài trợ) cho hay, người trồng rừng nhiều nước trên thế giới đã bỏ thói quen đốt thực bì sau khai thác.
“Quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng (thực bì) bằng biện pháp không đốt đã được các nước trên thế giới như Úc, Brazil, Indonesia, Malaysia... nghiên cứu, triển khai từ lâu và trở thành điều kiện bắt buộc trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Năm 1995, Chính phủ Indonesia đã ban hành chính sách về việc không đốt thực bì sau khai thác rừng trồng”, TS Tèo cho hay.
Cũng theo thông tin tại hội thảo, với 1ha keo 6 năm tuổi sau khai thác, tổng lượng vật liệu hữu cơ khô còn lại là 32,4 tấn, tương đương 55,8 tấn CO2. Điều này có nghĩa là nếu đốt vật liệu hữu cơ thì sẽ phát thải khoảng 55,8 tấn CO2/ha. Việc để lại vật liệu hữu cơ tại Indonesia đã giúp năng suất gỗ của rừng keo tai tượng tăng lên 15% so với đốt hoặc lấy đi sau khai thác. Ngoài ra, đốt vật liệu hữu cơ (thực bì) sau khai thác còn tác động tới quá trình phân cành, tạo tán của một số loài keo do các điều kiện môi trường như đất, nước, nhiệt độ, lượng mưa thay đổi.
Hàng năm, trong vùng Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học triển khai tại Việt Nam trồng lại 100.000ha keo; nếu đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác thì lượng CO2 phát thải ra môi trường ước lên tới khoảng 5,5 triệu tấn CO2, chiếm gần 1% lượng khí CO2 phát thải trong năm 2020 của Việt Nam.
Ông Vũ Văn Hưng, Phó Trưởng ban Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Giám đốc Ban quản lý Trung ương Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học cho rằng: Quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng bằng biện pháp không đốt là thực hành quản lý rừng sản xuất thân thiện với môi trường, sinh thái, bền vững, phù hợp xu hướng phát triển của thế giới, góp phần nâng cao giá trị rừng trồng, ổn định cuộc sống của người trồng rừng quy mô nhỏ và đóng góp vào lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ Việt Nam.
“Năm 2023, các thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam, đặc biệt là Nhật Bản đã kiểm soát gắt gao các tiêu chuẩn về chất lượng và các yếu tố phát triển bền vững cho sản phẩm viên nén nhập khẩu.
Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Nếu những người trồng rừng muốn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và EU thì cần thay đổi cách thức quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác theo hướng thân thiện với môi trường”, bà Hoàng Thị Nguyên Hải, Công ty Biomass Fuel Việt Nam cho biết.
Nguồn: Báo Nông nghiệp.