Khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm
- Thứ bảy - 13/05/2023 12:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua đã đạt được những kết quả to lớn, nhất là gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác cán bộ, xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm. Đã có nhiều cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao đã bị xử lý kỷ luật, khởi tố, xét xử với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhưng bên cạnh sự thiếu trách nhiệm, một thực trạng cũng vô cùng nhức nhối đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức đó là tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh và đùn đẩy công việc.
Trong công điện mới đây về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, thực tế ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…
Phát biểu tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 9/5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cần khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, chưa biết là lớn hay nhỏ, cả Trung ương và địa phương lẩn tránh, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm. Việc của mình đẩy cho người khác, việc cấp dưới thì đẩy cho cấp trên.
Hậu quả việc đùn đẩy trách nhiệm là quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ công vụ chưa được quan tâm đúng mức…
Để chấn chỉnh tình trạng này, cần phải “xốc” lại tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Trong đó, cần cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc. Công việc của cá nhân, cơ quan nào thì cần xử lý theo đúng thẩm quyền, chứ không đùn đẩy, né tránh hoặc “chờ xin ý kiến”. Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao. Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định. Xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực. Song song đó, cần biểu dương, khen thưởng kịp thời và thích đáng đối với các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Tại Lâm Đồng, ngày 26/4, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 07/CT-UBND về chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc và tham mưu của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn. Mới đây nhất, ngày 10/5, UBND tỉnh có văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023; trong đó có nội dung về trách nhiệm trong thực thi công vụ. Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, rút ngắn thời gian xử lý công việc, theo đúng chủ đề của tỉnh năm 2023 “Quyết liệt, đồng bộ, đột phá; kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.