Kiểm lâm Việt Nam: Hiện đại, sáng tạo, kiên định 3 trụ cột
- Thứ năm - 23/05/2024 14:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trải qua 51 năm hình thành và phát triển, lực lượng Kiểm lâm trên cả nước hiện có hơn 11.000 người, với trên 80% có trình độ đại học, trên đại học.
Ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân. Ra đời trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, gặp nhiều khó khăn, ban đầu mới có 3 tỉnh thành lập lực lượng là Tuyên Quang, Yên Bái và Vĩnh Phú, nhưng chỉ 1 năm sau lực lượng Kiểm lâm đã được thành lập tại hầu hết các tỉnh miền Bắc.
Trải qua 51 năm xây dựng và phát triển (21/5/1973 - 21/5/2024), lực lượng Kiểm lâm đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, lực lượng Kiểm lâm luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; trực tiếp là Bộ NN-PTNT và chính quyền các cấp; sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành và sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân; lực lượng Kiểm lâm đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành cả về phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Những năm vừa qua, ngành lâm nghiệp đã đạt nhiều thành tựu quan trọng: Diện tích rừng tăng đều qua các năm, đưa độ che phủ rừng từ 28% (năm 1993) lên 42,02% (năm 2023). Giá trị kinh tế ngành lâm nghiệp ngày càng cao và đóng góp quan trọng trong nền kinh tế đất nước; giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2022 đạt 17,1 tỷ USD chiếm 30% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản, đặc biệt giá trị xuất siêu đạt trên 14 tỷ USD.
Năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn biến động trên thế giới, xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt 14,39 tỷ USD, xuất siêu đạt 12,199 tỷ USD. Để có những thành tựu đó, ngoài chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là cố gắng, nỗ lực của toàn ngành Lâm nghiệp, trong đó có lực lượng Kiểm lâm toàn quốc.
Có thể khái quát 5 thành tựu nổi bật của lực lượng Kiểm lâm thời gian qua.
Thứ nhất: Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hoàn thiện. Luật Lâm nghiệp 2017 và nhiều văn bản dưới luật khác, cùng với cơ chế chính sách được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ hai: Triển khai ngày càng hiệu quả nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó với phương châm “bám dân, bám rừng”. Đồng thời kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng; thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Thứ ba: Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Lâm nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như công an, quân đội, dân quân tự vệ và các lực lượng khác tổ chức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Do vậy, tình trạng cháy rừng, phá rừng đã giảm nhiều so với những năm trước đây.
Thứ tư: Công tác xây dựng lực lượng Kiểm lâm ngày càng mạnh về đội ngũ, vững về chuyên môn nghiệp vụ. Từ 3 tỉnh thành lập ban đầu, với biên chế vài chục người, đến nay tổ chức Kiểm lâm được thành lập ở hầu hết các tỉnh, thành phố. Toàn quốc có 62 Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh, 4 Chi cục Kiểm lâm vùng, 440 Hạt Kiểm lâm cấp huyện; 52 Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, phòng hộ; biên chế tổng cộng 11.052 người, với trên 80% có trình độ đại học, trên đại học.
Thứ năm: Nhiệm vụ của lực lượng Kiểm lâm liên tục thay đổi, theo hướng toàn diện hơn. Trước đây, Kiểm lâm chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, hiện nay Kiểm lâm đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ về lâm nghiệp trên địa bàn, từ quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong suốt 51 năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng lực lượng Kiểm lâm nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Khát vọng của ngành Lâm nghiệp, cũng như lực lượng Kiểm lâm trong chặng đường tới là Lâm nghiệp Việt Nam hiện đại và sáng tạo, phát triển hài hòa và bền vững trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường; có vị thế quan trọng trong hành trình phát triển đất nước.
Để hiện thực hóa các khát vọng, ngành Lâm nghiệp tiếp tục kiên định 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Quyết tâm bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có theo chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Cùng với đó là nâng cao năng suất và chất lượng của rừng trồng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; tiếp tục tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp đồng bộ theo chuỗi từ trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ để tăng trưởng bền vững. Hội nhập sâu, thích ứng với những thay đổi của quốc tế. Kiên định mục tiêu nâng cao giá trị phòng hộ của rừng. Phát triển kinh tế nhưng không phai nhòa giá trị môi trường và quốc phòng an ninh.
Nhân Kỷ niệm ngày thành lập, với truyền thống 51 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Kiểm lâm phấn đấu tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đoàn kết thống nhất, cần cù sáng tạo, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; xứng đáng lời dạy của Bác Hồ: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.
Nguồn: Báo Nông nghiệp.