Kiến nghị xếp ngành bảo vệ rừng là nghề độc hại, nguy hiểm
- Thứ bảy - 26/10/2024 20:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, không có điện lưới, không có sóng điện thoại, bảo vệ rừng tuần tra, kiểm soát đối diện lũ quét, bệnh tật.
Bị lâm tặc chống đối, đe dọa
Ngày 26.10, ông Trương Thanh Hà – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đang đề xuất, kiến nghị lên Hội đồng Nhân dân và UBND tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt hơn công tác giữ rừng.
Gia Lai nằm phía bắc Tây Nguyên được đánh giá là tỉnh có tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên rừng, với gần 650.000ha. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 478.687ha; diện tích rừng trồng là 156.422ha…
Do diện tích rừng rộng lớn, giàu trữ lượng gỗ và trải dài nên việc bảo vệ rừng còn phức tạp. Điều đáng nói, tình trạng khai thác gỗ trái phép còn diễn ra tại các huyện như: Chư Prông, Kbang, Mang Yang, Krông Pa...
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đánh giá, công tác bảo vệ rừng tại gốc chưa thật sự hiệu quả. Đa số các vụ vi phạm pháp luật được phát hiện chủ yếu là hành vi mua bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Điều kiện ăn ở, sinh hoạt, cơ sở vật chất của lực lượng Kiểm lâm viên và nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách còn thiếu thốn. Nhiều nơi vùng sâu, vùng xa, không có điện lưới, không có sóng điện thoại, bảo vệ rừng tuần tra, kiểm soát đối diện với mưa rừng, lũ quét, bệnh tật…
Khi truy quét lâm tặc, lực lượng này thường bị chống đối, đe dọa, trả thù, bị tấn công dẫn đến thương tích.
Kiến nghị tăng chế độ đãi ngộ, tiền lương
Theo ông Trương Thanh Hà, một số vùng đất chết còn bom mìn sót lại từ thời chiến tranh. Khi Kiểm lâm viên, bảo vệ rừng phát dọn thực bì để phòng chống cháy rừng, trồng rừng thì có thể va trúng bom, mìn phát nổ, nguy hiểm tính mạng.
Trong đất đai còn tồn dư chất độc da cam độc hại, các vùng đất trống cỏ do bị chất hóa học rải xuống. Lúc này, nhân viên bảo vệ rừng thực hiện công tác trồng rừng cũng sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Trong hội nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh đối thoại với 11 Công ty Lâm nghiệp trên địa bàn sắp tới, ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, đơn vị sẽ đề xuất việc đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cải thiện điều kiện làm việc cho lực lượng bảo vệ rừng thông qua các chương trình, dự án.
Đồng thời, tái cơ cấu tổ chức và hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty Lâm nghiệp.
Đơn vị cũng sẽ kiến nghị việc tăng chế độ tiền lương và đãi ngộ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Trong đó, việc cần nhất là xếp vào ngành nghề độc hại, nguy hiểm.
Với các vụ án điểm về tội phá rừng, chống người thi hành công vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiến nghị ngành tư pháp cần sớm đưa ra xét xử công khai nhằm giáo dục, răn đe các đối tượng khác.
Nguồn: Báo Lao Động.