Lạc Dương: Nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý, bảo vệ rừng
- Thứ sáu - 21/07/2023 22:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, các cấp, chính quyền huyện Lạc Dương đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, qua đó trong 6 tháng đầu năm số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn đã giảm mạnh.
Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đa Nhim cùng các hộ dân tham gia nhận khoán đi tuần tra, bảo vệ rừng |
Theo số liệu của UBND huyện Lạc Dương, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện đã xảy ra 21 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 14 vụ, tương đương với tỷ lệ giảm 40% về số vụ; diện tích vi phạm 11.609 m2, giảm 78.451 m2, đạt tỷ lệ giảm 87,11%; lâm sản ước bị thiệt hại 93,6988 m3, giảm, 229,76 m3, đạt tỷ lệ giảm 71,03% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, số vụ vi phạm hành chính có 21 vụ, giảm 9 vụ so với cùng kỳ; số vụ vi phạm hình sự không có, giảm 5 vụ so với cùng kỳ; số vụ xác định được đối tượng vi phạm đạt 19/21 vụ, chiếm tỷ lệ 90,48%; số vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm 2/21 vụ, chiếm tỷ lệ 9,52%. Bên cạnh đó, UBND huyện Lạc Dương cũng đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 247 triệu đồng; thu nộp ngân sách nhà nước 317,78 triệu đồng.
Ông Lê Văn Chuyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cho biết, nhìn chung, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến nhất định, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm sâu cả 3 mặt về số vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại và khối lượng lâm sản thiệt hại so với cùng kỳ năm 2022. Để đạt được kết quả này là do sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện cùng sự nỗ lực, đồng lòng cố gắng hết sức của lực lượng kiểm lâm, công an, đơn vị chủ rừng và UBND các xã, thị trấn Lạc Dương.
Bên cạnh đó, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo cho các đơn vị, ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ rừng thông qua nhiều hình thức khác nhau; công tác kiểm tra, xử lý hành chính được thực hiện nghiêm minh, đúng pháp luật nên có tính răn đe, giáo dục, từ đó đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật lĩnh vực lâm nghiệp. Ngoài ra, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô đã được tăng cường đẩy mạnh, nhất là công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc xây dựng, thẩm định phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và thực hiện chốt trực. Do đó, trên địa bàn không để xảy ra tình trạng cháy rừng, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.
Đặc biệt, với chủ trương xã hội hóa, việc bảo vệ và phát triển rừng như giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp để thực hiện dự án sản xuất nông lâm kết hợp, kinh doanh du lịch sinh thái dưới tán rừng đã được các đơn vị thực hiện khá tốt; các đơn vị chủ rừng đã tiếp tục thực hiện công tác giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao, cải thiện đời sống người dân sống gần rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép...
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Chuyên, thời gian gần đây tình trạng phá rừng trái pháp luật tại một số nơi vẫn diễn biến phức tạp, nhất là việc đổ hóa chất, ken làm chết cây nhằm lấy đất sản xuất tại địa bàn các xã Đưng K’nớ, Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais. Để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo cho các đơn vị như công an, kiểm lâm tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, đề cao trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các địa phương và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Riêng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương đã chỉ đạo Đội 12 của huyện phối hợp chặt chẽ với đơn vị chủ rừng, UBND các xã, thị trấn Lạc Dương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, trực thường xuyên cả ban ngày và ban đêm tại các trạm, chốt trực tại các khu vực thường xuyên xảy ra vi phạm.
Mặt khác, tăng cường công tác quản lý tình trạng dân di cư tự do từ nơi khác đến địa phương, ngăn chặn kịp thời tình trạng dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất. Cùng với đó, xử lý, kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm; tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện đời sống, giảm nghèo, ổn định cuộc sống của người dân trong và gần rừng; xem xét kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với UBND cấp xã buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng… Đối với các chủ rừng tập trung nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng; thống kê diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn, chiếm, dựng lán trại, nhà tạm, phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, lập hồ sơ, xử lý; cưỡng chế, giải tỏa theo quy định; có biện pháp trồng lại rừng trên diện tích đất lấn, chiếm đã giải tỏa.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.