Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Lạc Dương: Quyết liệt thực hiện giải tỏa lấn chiếm đất rừng trái phép

(LĐ online) - Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp diễn ra khá nhức nhối trên lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý. Bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm xử lý giải tỏa, thu hồi đất để trồng lại rừng.

Các lực lượng tiến hành giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 118, xã Đạ Sar

Ngày 13/9, chúng tôi theo chân các lực lượng gồm đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, UBND xã Đạ Sar cùng hàng chục hộ dân tham gia nhận khoáng bảo vệ rừng để thực hiện công tác giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép tại tiểu khu 118, xã Đạ Sar.

Cụ thể, các vị trí bị lấn chiếm trái phép thuộc lô f, khoảnh 1, tiểu khu 118 với diện tích 4.293 m2 và một vị trí bị lấn chiếm trái phép thuộc lô g, khoảnh 3, tiểu khu 118 với diện tích 3.476 m2. Tại đây, đất rừng đã bị người dân lấn chiếm và trồng các loại cây trồng như cây cà phê, dứa, khoai môn...; đồng thời, có 2 căn chòi được người dân xây dựng trái phép.

Trong đợt thực hiện giải tỏa này, các đơn vị chức năng đã thực hiện việc giải tỏa trắng toàn bộ phần diện tích đã bị trồng cây lấn chiếm trái phép, nhổ bỏ toàn bộ cây trồng, tháo dỡ công trình xây dựng, hàng rào bao chiếm...

Ông Hoàng Văn Tiềm - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đạ Sar thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết, các diện tích do người dân lấn chiếm trên đã được đơn vị lập biên bản và thực hiện giải tỏa. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng không giữ được nên người dân tiếp tục lấn chiếm và trồng cà phê. Để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm này, đơn vị đã có báo cáo lên Ban Lâm nghiệp của xã Đạ Sar; đồng thời, UBND xã cũng đã có giấy mời trường hợp người dân lấn chiếm lên để làm việc. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm không nhận giấy mời và không lên làm việc.

Sau khi thực hiện xong việc giải tỏa, Trạm Quản lý bảo vệ rừng Đạ Sar và đặc biệt là nhân viên phụ trách tiểu khu 118 sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm tra không để tái lấn chiếm; đồng thời, lập kế hoạch tổ chức giải tỏa nếu có tái lấn chiếm. Mặt khác, đơn vị sẽ cập nhật, khoanh vẽ các khu vực đồ giao khoán để tiện việc theo dõi và đưa vào kế hoạch trồng rừng nhằm khôi phục diện tích rừng trong năm.

Theo ông Hoàng Văn Tiềm, trên địa bàn huyện Lạc Dương thì xã Đạ Sar là địa phương có tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp diễn ra khá phức tạp. Với đặc thù là xã chỉ cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 20 km, đường sá đi lại khá thuận lợi và đây cũng chính là nguyên nhân làm cho việc giữ rừng ở đây gặp nhiều khó khăn. Đa số người dân, trong đó có cả dân di cư tự do vào phá rừng, lấn chiếm đất, dựng lán, làm nhà ở để trồng cây nông nghiệp.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị đã phối hợp với Ban Lâm nghiệp xã tổ chức tuyên truyền, giáo dục người dân biết, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, phát triển rừng. Mặt khác, hàng ngày, các cán bộ của trạm cùng với hàng chục hộ nhận khoáng bảo vệ rừng sẽ chia thành nhiều mũi để làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, qua đó báo cáo tình hình để tổ chức bảo vệ tốt diện tích đất, rừng.

Ông Đinh Hữu Đạo - Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết, để triển khai tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã tăng cường công tác chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm cùng các địa phương có rừng trên địa bàn nhằm tăng cường triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Qua đó, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn do đơn vị quản lý đã giảm đáng kể.

Thực hiện tháo dỡ các chòi xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp

Trong 9 tháng năm 2023, trên lâm phần đơn vị quản lý có 26 hồ sơ vi phạm Luật Lâm nghiệp, diện tích tác động là 1,7266 ha, khối lượng lâm sản 106,5 m3; trong đó, có 24 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm, đạt tỷ lệ  92,3%.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Lạc Dương, các đơn vị chức năng trên địa bàn đã tăng cường công tác phối hợp, thực hiện giải tỏa trên các diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2023, trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý đã tổ chức giải tỏa các vị trí đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép trên tổng diện tích 108,6714 ha/ 478 vị trí; trong đó, lấn chiếm mới 73,1691 ha/ 338 vị trí, tái lấn chiếm nhiều lần 35,5023 ha/ 140 vị trí.

Mặt khác, các đơn vị cũng đã phối hợp thực hiện giải tỏa các vị trí khai thác khoáng sản trái phép được 5 đợt, tại các tiểu khu 142, 143, 133 và 119; tiêu hủy toàn bộ thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác khai thác khoáng sản gồm 11 chòi, 3 xe rùa, 1 máy bơm nước, 1 máy thổi khí, 3 dàn rung, 2 máy nổ, 2 máy phát điện, 2 máy tời, 4 máy xay đá, 4 mô tơ điện, 420m ống nước, 400m dây điện, 1 cưa xăng, 2 quạt gió… Ngoài ra, các đơn vị cũng đã trồng được 61,9 ha với 117.131 cây thông ba lá, đạt kế hoạch thực hiện 65,81%.

Ông Lê Văn Chuyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cho biết, nhìn chung, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến nhất định, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp đã giảm sâu cả 3 mặt về số vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại và khối lượng lâm sản thiệt hại so với cùng kỳ năm 2022.

Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành chức năng tổ chức các đợt truy quét, giải tỏa các điểm nóng lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý. Phấn đấu giảm đến mức thấp nhất các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, đôn đốc kiểm lâm địa bàn, Ban Lâm nghiệp các xã, các hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, canh gác thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép…

Nguồn: Báo Lâm Đồng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây