Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Lửa tắt rồi nhưng lệ vẫn rơi

Ngọn lửa ngùn ngụt trên dải Tây Côn Lĩnh đã tắt để lại vết sẹo lớn trên khoảng rừng mênh mông và linh hồn 2 cán bộ kiểm lâm kiên cường.

Vụ cháy rừng ở Hà Giang đã khiến 15ha rừng bị thiệt hại. 

Vụ cháy rừng ở Hà Giang đã khiến 15ha rừng bị thiệt hại. 

Mặt đồng nghiệp tôi ai cũng nhuộm màu đen!

"Người ta hỏi sao anh Khiên, chị Lan không biết tìm cách chạy thoát khỏi lửa rừng? Nhưng khi vào thực chiến mới thấy sự khốc liệt của ngọn lửa tử thần. Lửa bén vào lớp lớp thảm thực bì trên cánh rừng già mà hòa vào gió rừng trên ngọn núi cao hơn 2.000m để rồi trở thành ngọn đuốc bám sắc lấy con người. Hơi nóng của lửa và ngạt khói khiến anh, chị đã không thoát ra khỏi ngọn lửa hung tàn ấy. Kiểm lâm viên Trần Văn Khiên, Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên và kiểm lâm viên Trương Thị Lan, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang - Tây Côn Lĩnh đã nằm lại với rừng", anh Đào Duy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang chia sẻ.

Ngày 26/4, Hà Giang xảy ra cháy rừng lớn trên dải Tây Côn Lĩnh. Ngọn lửa nhanh chóng lan ra khu rừng tại 3 xã Phương Tiến, Xín Chải, Lao Chải thuộc huyện Vị Xuyên với diện tích lên tới 15ha. Để cứu rừng, ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã huy động khoảng 1.000 người, gồm lực lượng kiểm lâm, quân sự, lực lượng chức năng của huyện Vị Xuyên và đông đảo bà con nhân dân các xã, thị trấn tham gia chữa cháy rừng.

Một kiểm lâm viên mặt bị nhuộm đen khi tham gia chữa cháy rừng. 

Một kiểm lâm viên mặt bị nhuộm đen khi tham gia chữa cháy rừng. 

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang Đào Duy Tuấn là 1 trong số hàng trăm cán bộ kiểm lâm cùng tham gia cứu rừng hôm ấy. Anh kể lại, trời Hà Giang những ngày ấy nắng nóng 38 - 40 độ C. Tây Côn Lĩnh là rừng đặc dụng, thảm thực bì dày với lớp lớp lá cây sa mộc chứa nhiều chất dầu quyện vào cơ man nào cỏ, lá cây... trở thành chất xúc tác mãnh liệt bén lửa ngùn ngụt.

Hôm 26/4, anh Tuấn rời trận địa đi tìm điểm hứng sóng điện thoại để báo cáo tình hình đám cháy với cấp trên. Chưa được 10 phút anh đã nghe sau lưng tiếng hô hoán rất gấp. Chạy đi, chạy đi… rồi cả đoàn người chạy toán loạn khỏi ngọn lửa bám đuổi sát sau lưng. Khi qua được tới phía đường băng cản lửa an toàn, đoàn thiếu vắng 2 người. Anh linh cảm như có chuyện chẳng lành.

Ngày hôm sau trong đám rừng hoang tàn, trơ trụi bởi lửa tàn phá khốc liệt, mọi người tìm thấy xác của anh Khiên và chị Lan. Nhìn đồng đội ai cũng mệt rã rời, mặt đen kịt bởi khói, bởi tàn than củi, muội than nhuộm kín, anh bỗng im lặng hồi lâu, để lại trước mặt khoảng rừng trống mênh mông, xa lắm…

Từ ấy đến khi đưa thân xác những đồng đội xuống chân núi, anh Tuấn không nhớ nổi chân mình đã đi qua bao nhiêu con dốc đường rừng, nỗi buồn và niềm thương nhớ, xót xa đã đưa anh xuống núi. Giống như anh, cả đoàn người đưa tiễn vạt áo đã đẫm lệ rơi.

Vụ cháy rừng đã khiến 2 cán bộ kiểm lâm thiệt mạng cùng một số người bị thương. 

Vụ cháy rừng đã khiến 2 cán bộ kiểm lâm thiệt mạng cùng một số người bị thương. 

Trong cuộc chiến hơn 1 ngày giữ rừng Tây Côn Lĩnh, tôi liên tục cập nhật thông tin với Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang Hoàng Hải Lý. Anh luôn nhiệt tình chia sẻ về diễn biến của vụ cháy, về việc các lực lượng đã tạo được đường băng cản lửa. Anh Lý bảo, ở trên đó là rừng già, đi bộ mất nửa ngày đường mới đến nơi nên những thùng mì tôm, thực phẩm đồ ăn nhanh được tiếp tế lên. Anh xác định cuộc chiến cứu rừng sẽ còn lâu dài và khó khăn. Bởi trên đó núi cao nhiều gió, rừng già thảm thực bì dày khiến việc cứu rừng càng khó khăn gấp bội.

Chiều 27/4, sau hơn 1 ngày ròng rã, anh Lý tâm sự với tôi: Lửa rừng đã được dập tắt rồi nhà báo ạ! Nhưng tôi nghe giọng anh buồn lắm! Chưa kịp hỏi thêm anh nói tiếp: Đã có 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh, họ đều còn rất trẻ. Tôi và anh cùng lặng lẽ không nói…

Tỉnh Hà Giang đã huy động khoảng 1.000 người tham gia cuộc chiến cứu rừng.

Tỉnh Hà Giang đã huy động khoảng 1.000 người tham gia cuộc chiến cứu rừng.

Vậy là cuộc chiến cứu rừng không chỉ mất những cánh rừng già quý giá, mất đi bao của cải, mồ hôi, máu và nước mắt mà còn cả sinh mạng con người. Lửa rừng đã tắt. Rồi ngày mai kia, trên những khoảng rừng trơ trụi vì lửa lại mọc lên chi chít những chồi non, cây rừng sẽ đua nhau lớn cùng đại ngàn, hòa vào tiếng gió, tiếng chim ca. Màu xanh sẽ lặng lẽ trở lại, chắc chắn sẽ trở lại để trả ơn những người chiến sỹ đã hy sinh tính mạng của mình để cứu rừng, để rừng mãi mãi xanh. Trời Hà Giang trong xanh đầy nắng, tiếng gió rừng lao xao…

Cùng lớp đại học, cùng vào ngành kiểm lâm

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Giang Đào Duy Tuấn chia sẻ, Khiên và Lan cùng sinh năm 1983, học cùng lớp đại học, sau khi ra trường cùng vào ngành kiểm lâm Hà Giang đúng ngày 1/5/2010, rồi cùng nhau giữ những cánh rừng trên dải Tây Côn Lĩnh.

Anh Trần Văn Khiên, người đàn ông quê Thái Bình lên Hà Giang công tác từ năm 2010. Khoảng 14 năm trước, khi mới vào nghề, vì mải đối đầu với bọn lâm tặc thèm khát rừng gỗ quý, chúng lấy đá tấn công khiến anh gần đứt lìa ngón tay. Dù vậy chưa khi nào anh sợ đối đầu với gian khó, bởi người con trai quê lúa ấy yêu rừng bằng thứ tình yêu đẹp đẽ nhất, như yêu chính gia đình, như yêu những đứa con của mình. Và anh đã hy sinh cho chính tình yêu và lý tưởng đẹp đẽ của cuộc đời mình khi mãi mãi nằm lại với rừng xanh.

Sau hơn 1 ngày nỗ lực, chiều 27/4, ngọn lửa trong vụ cháy rừng Tây Côn Lĩnh đã được dập tắt.

Sau hơn 1 ngày nỗ lực, chiều 27/4, ngọn lửa trong vụ cháy rừng Tây Côn Lĩnh đã được dập tắt.

Chị Trương Thị Lan - cô bạn học cùng tuổi với anh Khiên là người phụ nữ dân tộc Dao bản địa ở Hà Giang nhỏ nhắn, xinh xắn. Người ở các bản làng của núi rừng Tây Côn Lĩnh mãi nhớ về nữ cán bộ kiểm lâm người Dao đi vào các vùng có bà con sinh sống, nói chuyện với dân bản như tâm tình với người thân nên ai cũng quý, cũng nghe theo chị quyết tâm giữ rừng. Chị ra đi để lại 2 con nhỏ, đứa lớn học Đại học Dược năm thứ 2, đứa nhỏ mới học lớp 2.

Trong lễ truy điệu kiểm 2 kiểm lâm viên Trương Thị Lan và Trần Văn Khiên có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, cùng đồng nghiệp, bạn bè, người thân và cả những người chưa từng quen biết anh chị cũng tìm về tiễn đưa. Nhiều người rưng rưng lệ rơi, cảm thương cho những cán bộ kiểm lâm xấu số nhưng ngoan cường trong trận chiến với giặc lửa.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị (thứ 2 bên phải) thăm hỏi, động viên người bị thương khi tham gia chữa cháy rừng ở Hà Giang.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị (thứ 2 bên phải) thăm hỏi, động viên người bị thương khi tham gia chữa cháy rừng ở Hà Giang.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 44 ngày 27/4/2023 gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình cán bộ kiểm lâm bị nạn. Ngày 28/4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang truy tặng Bằng khen cho anh Khiên và chị Lan vì đã dũng cảm trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng. Các cấp, các ngành của tỉnh Hà Giang đang triển khai những thủ tục để công nhận liệt sĩ cho hai chiến sỹ kiểm lâm anh dũng, quả cảm ấy.

Mộ của anh Khiên và chị Lan vinh dự được đặt ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, nơi có lớp lớp thế hệ cha anh đã anh dũng hi sinh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên cương linh thiêng.

Thiếu trang thiết bị đã cản trở công cuộc cứu rừng

Tôi hỏi sau vụ việc cháy rừng, tỉnh Hà Giang sẽ rút ra những bài học gì? Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang Hoàng Hải Lý trả lời:

Trước hết, cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm, ý thức của cấp ủy chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền cho nhân dân hiểu và cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Về công tác phòng cháy chữa cháy rừng thì việc chỉ huy lực lượng với phương châm 4 tại chỗ là hết sức cần thiết.

Cũng theo Giám đốc Hoàng Hải Lý để chữa cháy rừng tốt nhất, hiệu quả nhất thì chủ rừng phải nâng cao ý thức trách nhiệm với diện tích rừng đã được nhà nước giao khoán bảo vệ. Khi xảy ra đám cháy lực lượng ở cơ sở cần chủ động cao độ, nhất là ở thôn bản. Vì họ là những người gần nhất, nếu biết cách chữa cháy và dập lửa kịp thời thì đám cháy sẽ không lan rộng gây thiệt hại lớn. Vì khi để đám cháy lan rộng phải huy động lực lượng của huyện, của tỉnh sẽ khó khăn và vất vả gấp nhiều lần.

Khi thực chiến chữa cháy rừng, phải có đầu mối chỉ huy tổng thể lực lượng có liên quan, bởi có nhiều đối tượng cùng tham gia chữa cháy rừng từ công an, quân sự, biên phòng, người dân… Nên lực lượng chỉ huy rất cần thiết để cánh báo, cập nhật về tình hình, mức độ nguy hiểm của từng khu vực cháy. Bởi rừng quá rộng và mênh mông, mất thông tin liên lạc thì cuộc chiến chữa cháy sẽ rất đơn độc, thiếu liên kết.

Do điều kiện vùng núi cao, trên núi không có sóng điện thoại việc được trang bị bộ đàm để kết nối liên lạc giữa các tổ nhóm tham gia chữa cháy hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng trong cuộc chiến giữ rừng này chưa được trang bị.

Trong quá trình chữa cháy rừng, các dụng cụ hỗ trợ như máy cưa quá ít, các lực lượng tham gia chủ yếu dùng cuốc, dao để chặt cây làm chậm quá trình tạo băng cản lửa, trong khi rừng đặc dụng có quá nhiều tầng thực bì để phát sinh cháy.

Nguồn: Báo Nông nghiệp.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây