Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Mảng xanh đô thị phải được chú trọng cho tương lai bền vững

Mảng xanh đô thị tại TP.HCM đang cần nhiều giải pháp quyết liệt để có thể phát triển bền vững, đó là kiến nghị của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa.

TP.HCM vắng dần những hàng cổ thụ xanh mướt.

TP.HCM vắng dần những hàng cổ thụ xanh mướt.

Mảng xanh đô thị có ý nghĩa tương đương những công trình ngàn tỷ trong việc định vị đẳng cấp một thành phố. Mảng xanh đô thị giúp thành phố không phải tồn tại như khối bê tông vô hồn. Không có mảng xanh đô thị thì thành phố không khác gì sa mạc.

Mảng xanh đô thị chính là phần mềm của một thành phố văn minh. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa quan niệm như vậy, và ông khẳng định: “TP.HCM thành công về kinh tế, nhưng đang thất bại về mảng xanh đô thị. Đó là một sự thật cần nhìn nhận nghiêm túc để có hướng xử lý thỏa đáng”.

Là một chuyên gia đô thị học hàng đầu Việt Nam hiện nay, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, có thể lấy cột mốc năm 1990 là thời điểm TP.HCM bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ với sự ra đời khu chế xuất Tân Thuận, để đánh giá về thực trạng mảng xanh đô thị.

Giai đoạn trước năm 1990, cơ bản mảng xanh đô thị ở TP.HCM vẫn giữ được, thậm chí còn tăng lên nhờ mở thêm công viên Lê Văn Tám, công viên Lê Thị Riêng, công viên Văn Thánh, công viên Gia Định. Thế nhưng, giai đoạn sau năm 1990, do dân số tăng lên và đẩy nhanh tốc độ xây dựng hạ tầng, nên công tác giữ rừng và trồng rừng gần như bị lãng quên.

Ba nguyên nhân chủ yếu khiến mảng xanh đô thị ở TP.HCM bị thu hẹp. Thứ nhất, mở các con đường đi qua công viên Tao Đàn và công viên 23/9. Thứ hai, lấy một phần công viên cho thuê để kinh doanh các loại dịch vụ. Thứ ba, những biệt thự cũ khi cải tạo thì xóa sổ cây xanh vốn chiếm 60% diện tích. Thứ tư, khi hình thành khu dân cư mới lại không chú trọng cây xanh trong quy hoạch. Vì vậy, TP.HCM trở thành đô thị có mật độ cây xanh thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, sự lạnh lùng triệt hạ cổ thụ cũng rất phản cảm và đau lòng. Ví dụ, triệt hạ 278 cây xà cừ hơn 120 năm để làm cầu Ba Son hoặc toàn bộ cổ thụ trên đường Nguyễn Huệ bị chặt bỏ để làm phố đi bộ.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa.

Để cải thiện mảng xanh đô thị tại TP.HCM nhằm có được đô thị xanh theo đuổi kinh tế xanh, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa kiến nghị một số giải pháp cụ thể. Thứ nhất, phải kiểm định lại toàn bộ các cây xanh trong thành phố và thu hồi những diện tích công viên bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích.

Thứ hai, với những dự án không triển khai được vì lý do nọ hoặc lý do kia, thì hãy dùng mảnh đất ấy để trồng cây xanh. Ở Trung Quốc, khi thu hồi hoặc giải tỏa một khu vực nào đó, thì họ lập tức biến nó thành công viên, mà không cần thiết phải xây chèn trung tâm thương mại hay chung cư cao cấp.

Thứ ba, những công viên đã được quy hoạch, thì phải cương quyết triển khai. Ví dụ, Safari ở Củ Chi gần 60ha đã có dự án hơn 10 năm nay rồi.

Thứ tư, khuyến khích người dân trồng cây xanh. Tận dụng mọi không gian để trồng cây xanh. Thậm chí có thể áp dụng chiến lược “màu xanh chiều thẳng đứng”, cây xanh trồng trước ban công của từng tầng nhà.

Thứ năm, cần xã hội hóa hoạt động trồng rừng và công viên cây xanh. Những khu đô thị mới mà không đảm bảo diện tích cây xanh như trong bản vẽ thì phải cưỡng chế thực hiện.

Thứ sáu, xây dựng quy chế và định chế để bảo vệ cây xanh. Cần luật hóa nghiêm khắc mọi hành vi xâm phạm cây xanh. Không thể chấp nhận ai muốn chặt cây xanh thì chặt. Như ở Singapore, chặt một cây xanh dù trong khuôn viên nhà mình mà chưa được phép, sẽ bị phạt 2.000 USD.

Thứ bảy, TP.HCM cần chắt chiu hai mảng rừng quý giá là rừng Củ Chi và rừng ngập mặn Cần Giờ. Sắp tới, triển khai khu lấn biển Cần Giờ đến 3.000ha thì phải làm làm hết sức thận trọng, đừng để cái lợi trước mắt gây hệ lụy môi trường dài lâu.   

Nguồn: Báo Nông nghiệp.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây