Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


"Muốn giữ rừng phải giữ được lực lượng"

Câu nói này do chính Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam trước tình trạng thiếu lực lượng nghiêm trọng ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Và tỉnh Lâm Đồng cũng đang rơi vào hoàn cảnh ấy, khi mà hầu hết các đơn vị làm công tác quản lý, bảo vệ rừng đang không chỉ thiếu người mà còn không thể tuyển được người mới.

Lực lượng chuyên trách QLBVR và các hộ nhận khoán tuần tra, bảo vệ rừng
Lực lượng chuyên trách QLBVR và các hộ nhận khoán tuần tra, bảo vệ rừng

Có lẽ sẽ không ít người ngạc nhiên nếu biết rằng mức lương của một viên chức chuyên trách bảo vệ rừng chỉ có 3,7 triệu đồng/tháng. Và nếu là một viên chức vừa trúng tuyển vào làm việc năm đầu tiên, thì mức lương mỗi tháng chỉ được nhận là hơn 2,5 triệu đồng (tương đương 70% mức lương tập sự theo quy định của Nhà nước). Với mức lương này, mỗi ngày lực lượng làm nhiệm vụ chuyên trách phải quản lý, bảo vệ diện tích rừng từ vài trăm đến hơn một ngàn ha rừng. Nhiệm vụ của kiểm lâm chuyên trách phải đi tuần rừng, chịu trách nhiệm, kể cả bị truy tố theo quy định pháp luật nếu không kịp thời phát hiện vi phạm, không ngăn chặn được các hành vi hủy hoại tài nguyên rừng hay không bắt được thủ phạm hủy hoại rừng gây thiệt hại lên đến hơn 100 triệu đồng. 

Đơn cử, tại Ban Quản lý Rừng (BQLR) phòng hộ Đại Ninh, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện Đức Trọng, số lượng viên chức biên chế của Ban là 36 người, nhưng hiện nay, đơn vị đang thiếu đến 12 biên chế do không thể tuyển đủ. Trong đó lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ rừng chỉ có 18 người, số viên chức còn lại được biên chế là lãnh đạo các ban, phòng, tài xế... của đơn vị. Trong khi đó, tổng số diện tích rừng được giao cho đơn vị quản lý là 17.759 ha. Theo tính toán, bình quân mỗi một viên chức chuyên trách của ban phải quản lý gần 1.000 ha đất lâm nghiệp trong khi đó địa bàn quản lý rất rộng, nằm rải rác, xen kẽ với rẫy của người dân, trải dài từ xã Hiệp An đến xã Đà Loan trên các trục đường chính như: Cao tốc Liên Khương - Prenn, Quốc lộ 20, Quốc lộ 28B.

Dư luận xã hội không tốt về nghề này cũng đang khiến cho nhiều bạn trẻ “quay xe” với ngành Lâm nghiệp. Theo số liệu công bố mới nhất của Trường Đại học Nông Lâm, năm học này, Trường công bố chỉ tiêu tuyển sinh 180 sinh viên ngành Lâm nghiệp, nhưng chỉ nhận được có 17 hồ sơ đăng ký khiến nhà trường phải ra quyết định xóa bỏ ngành này khỏi danh sách tuyển sinh năm nay. Số lượng học sinh quan tâm đến ngành học này cho thấy một tương lai “ảm đạm” đầy khó khăn đối với ngành Lâm nghiệp trong giai đoạn tới và bài toán về nhân lực sẽ tiếp tục là bài toán vô cùng nan giải nếu Nhà nước không sớm có chính sách cải thiện để thu hút nhân lực, nhân tài sớm ngay từ bây giờ.

Còn BQLR Lâm Viên, TP Đà Lạt cũng đang thiếu 6 biên chế so với tổng số 34 biên chế được giao do không thể tuyển dụng được vì không có người nộp đơn thi tuyển. Với trách nhiệm cao, thu nhập thấp… lại là địa bàn nhạy cảm, nhiều áp lực chính là những yếu tố khiến cho Ban khó có thể tuyển đủ người. 

Ông Nguyễn Văn Quế - Phó BQLR Lâm Viên chia sẻ: “Quản lý, bảo vệ rừng là công việc gian nan vất vả, phải làm việc thường xuyên, liên tục, không kể ngày nghỉ hay ngoài giờ hành chính. Vào mùa khô, áp lực càng lớn do tình trạng cháy rừng, cháy thực bì thường xuyên xảy ra do địa bàn gần các điểm, khu du lịch, gần rẫy, vườn của người dân… Không chỉ áp lực lớn, mà lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách còn thường xuyên đối mặt với những nguy hiểm rình rập nhưng lại không có các công cụ hỗ trợ cần thiết hỗ trợ an toàn trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng”. 

Không chỉ vậy, theo ông Quế, một trong những vấn đề lớn hơn nữa khiến ông và nhiều cán bộ ngành Lâm nghiệp đã làm việc nhiều năm vô cùng trăn trở, đó là hình ảnh của người làm công tác QLBVR hiện đang bị xấu đi trong cách nhìn của dư luận. Khi mà rất nhiều người vì một số những vụ việc tiêu cực xảy ra trong ngành nhưng đã vội gán ghép, áp đặt suy nghĩ đó lên đa số người trong ngành khiến cho nhiều cán bộ, viên chức giảm đi nhiệt huyết, tình yêu và sự gắn bó với nghề. Và đây cũng chính là một trong những lý do mà hiện nay, ngành Lâm nghiệp đang bị “chảy máu chất xám” và là lý do khiến nhiều đơn vị lâm nghiệp không thể tuyển đủ biên chế dù đầu vào rất thấp.

Theo ông Vương Anh Dũng - Phó BQLR phòng hộ Đại Ninh: “Để giữ chân nhân lực trong ngành Lâm nghiệp nói chung cũng như lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng nói riêng hiện nay, cần có những chế độ, phụ cấp đặc thù như những ngành nghề “nguy hiểm, độc hại khác” để tiền lương phải đủ nuôi sống bản thân và gia đình thì cán bộ, viên chức mới yên tâm công tác, nhiệt tình cống hiến. Đề nghị trang bị công cụ hỗ trợ cần thiết, chế độ trang phục được thống nhất toàn ngành để lực lượng viên chức chuyên trách bảo vệ rừng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Đại diện lãnh đạo BQLR phòng hộ Đại Ninh cũng chia sẻ, hiện nay, mong muốn lớn nhất của chúng tôi vẫn là được các cấp lãnh đạo quan tâm đến chế độ, chính sách để “giữ chân” lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Cuộc đấu tranh bảo vệ rừng bao năm nay vẫn luôn diễn ra âm thầm nhưng đầy cam go, phức tạp. Rất nhiều người làm công tác QLBVR vẫn đang sống trọn vẹn tình yêu với núi rừng với tình yêu nghề chân chính, cũng có những cán bộ kiểm lâm từng phải đổ máu trong cuộc chiến giữ rừng khi đối mặt với lâm tặc. Và vẫn có rất nhiều người vẫn ngày đêm âm thầm đấu tranh chống lại lâm tặc ngày càng tinh vi, manh động. Thực tế có thể thấy rằng, những cá nhân tiêu cực không phải là số đông, nhưng cũng rất cần ngành Kiểm lâm nỗ lực hơn nữa trong việc lấy lại hình ảnh đẹp trong lòng người dân, tạo dựng lại niềm tin, uy tín đối với Nhân dân bằng cách nhân rộng hơn nữa những hình ảnh cán bộ, nhân viên làm công tác bảo vệ rừng thật sự tâm huyết, yêu nghề, sống và làm việc có trách nhiệm và hết mình với núi rừng.

Nguồn: Báo Lâm Đồng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây