Nhà đầu tư đề xuất tham gia dự án "Xác lập, khai thác tín chỉ carbon từ rừng tại tỉnh Lâm Đồng”
- Thứ tư - 12/06/2024 21:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(LĐ online) - Hai nhà đầu tư có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cùng các sở, ban, ngành liên quan xem xét có chủ trương cho phép được khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án "Xác lập, khai thác tín chỉ carbon từ rừng tại tỉnh Lâm Đồng".
Cụ thể, hai nhà đầu tư, gồm: Công ty TNHH Đầu tư FDI Việt Nam (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) và Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Lâm (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) mong muốn khảo sát nghiên cứu đầu tư dự án với hai nội dung.
Lâm Đồng là một trong những tỉnh làm tốt công tác bảo vệ môi trường và phát triển rừng. |
Hợp tác với các chủ rừng hoặc với các đơn vị quản lý rừng không bị xâm hại trong vòng 10 năm và nằm ngoài thoả thuận với LEAF/Emergent để xác lập và khai thác tín chỉ carbon. Đặc biệt là đối với hai loại rừng: rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Đối với rừng sản xuất, sẽ đưa ra các khuyến nghị, đề xuất và hợp tác để các các chủ rừng nâng cao thu nhập và có thể khai thác được tín chỉ carbon trong tương lai.
Liên quan tới tờ trình đề xuất của nhà đầu tư, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, xem xét, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh theo quy định. Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022-2026.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký chí cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES. Đồng thời, đang khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent để hoàn thiện đề án đàm phán, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Theo hai nhà đầu tư, trong quá trình làm việc với các đối tác trong và ngoài nước, các đơn vị đánh giá Việt Nam vẫn có nhu cầu rất cao về việc xác lập tín chỉ carbon và việc tìm ra khách mua tín chỉ carbon với giá thành cạnh tranh. Hơn nữa, doanh nghiệp nhận thấy việc tăng thu nhập cho các chủ hộ quản lý rừng, sẽ trồng kết hợp thêm các loại cây có giá trị, các loại cây có giá trị lâu dài như đàn hương, hoặc các loại cây có giá trị ngắn ngày như cây dâu tằm, cây đẳng sâm.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang có các đối tác quốc tế thu mua các sản phẩm đã nêu ở trên với giá cạnh tranh, do đó có nhu cầu được khảo sát nghiên cứu đầu tư dự án "Xác lập, khai thác tín chỉ carbon từ rừng tại tỉnh Lâm Đồng".
Thống kê cuối năm 2023, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh Lâm Đồng là 537,727 ha với cơ cấu 3 loại rừng: Rừng đặc dụng 84,224 ha, rừng phòng hộ 147,238 ha và rừng sản xuất là 306,265 ha.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.