Nhiều doanh nghiệp sau khi đầu tư vào đất rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị “mắc kẹt” do giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp chưa có sự thống nhất về lĩnh vực này.
- Chủ nhật - 30/07/2023 21:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều doanh nghiệp sau khi đầu tư vào đất rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị “mắc kẹt” do giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp chưa có sự thống nhất về lĩnh vực này.
Nhiều dự án đầu tư trên đất rừng đang gặp khó khăn vì sự thiếu thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp. |
Phù hợp luật này, song trái luật kia
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 278 doanh nghiệp thực hiện 291 dự án đầu tư có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, 107 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư có liên quan đến diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng phòng hộ được cho thuê rừng trước thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực (ngày 1/1/2019).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, tính đến ngày 26/6/2023, tỉnh này có 12 doanh nghiệp với 12 dự án đầu tư đang gặp vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến pháp luật về đất đai và lâm nghiệp.
Cụ thể, 5 doanh nghiệp với 5 dự án đầu tư đang hoạt động đã được thuê đất, nhưng chưa được thuê rừng, gồm: Công ty TNHH MTV Petrodalat, Công ty TNHH ABODOS, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Phan Hào, Công ty cổ phần Tuyền Lâm Hill và Công ty TNHH Thủy điện Tà Nung.
Lý do các dự án này dù đã được UBND tỉnh cho thuê đất, nhưng chưa được thuê rừng là bởi đối tượng là rừng phòng hộ. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan thì không cho tổ chức kinh tế thuê rừng phòng hộ.
Ngoài ra, còn 5 doanh nghiệp với 5 dự án đầu tư được bán tài sản đã đầu tư trên đất phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, nhưng chưa phù hợp với quy định của pháp luật về lâm nghiệp, trong đó 4 dự án của các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Hoàng gia Sài Gòn - Đà Lạt; Công ty cổ phần Hỗ trợ nhân đạo, văn hóa, giáo dục Hà Nội; Công ty TNHH An Tâm; Công ty cổ phần Thương mại - Xuất nhập khẩu Mai Viết, được UBND tỉnh cho chủ trương chuyển nhượng tài sản trên đất (theo quy định khoản 3, Điều 189, Luật Đất đai).
Những dự án này đang gặp vướng mắc về thuê rừng do không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 108, Luật Lâm nghiệp. Cụ thể, chủ rừng đã được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn được giao, cho thuê… Riêng Công ty TNHH Thiên Thai được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển nhượng tài sản trên đất tại Văn bản số 531/UBND-LN ngày 21/1/2022, do trên diện tích được thuê vừa có rừng phòng hộ và rừng sản xuất (30,02 ha rừng phòng hộ và 103,82 ha rừng sản xuất).
Bên cạnh đó, 2 doanh nghiệp với 2 dự án đầu tư có hoạt động chuyển nhượng dự án liên quan đến rừng và đất rừng phòng hộ là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ha Co. Hai công ty này có chủ trương chuyển nhượng dự án đầu tư sang Công ty cổ phần Tầm nhìn Đại dương. Vì diện tích rừng phòng hộ chưa hoàn thành các thủ tục liên quan trước thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực, nên các dự án này không được thuê rừng.
Đại diện một doanh nghiệp (xin giấu tên) cho rằng: “Khi đầu tư, doanh nghiệp không thể nắm được hết quy định, mà nhờ các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn. Nay khi xảy ra khó khăn, doanh nghiệp lại phải chịu cả. Chúng tôi kiến nghị cần có giải pháp tháo gỡ vấn đề này”.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp có dự án đã được thuê đất, tại khoản 4, Điều 136, Luật Đất đai 2013 quy định về cho thuê đất rừng phòng hộ, quy định UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng.
Trong khi đó, tại điểm b, khoản 2, Điều 16, Luật Lâm nghiệp quy định, Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng gồm tổ chức kinh tế đối với rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của tổ chức đó.
Điều 17, Luật Lâm nghiệp cũng quy định về cho thuê rừng sản xuất: “Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng trả tiền thuê rừng một lần hoặc hàng năm để sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí”.
Theo ông Võ Danh Tuyên, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, do giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp còn sự khác biệt, nên hiện nay không có cơ sở cho tổ chức kinh tế thuê đất và thuê rừng phòng hộ; không thể chỉ cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai mà không cho thuê rừng phòng hộ theo quy định của Luật Lâm nghiệp (ngoại trừ các dự án thuộc đối tượng có rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất thì được giao rừng phòng hộ theo điểm b, khoản 2, Điều 16, Luật Lâm nghiệp).
Không chỉ vậy, doanh nghiệp có dự án thuộc đối tượng bán tài sản trên đất cũng gặp phải một số vướng mắc. Theo quy định của pháp luật về đất đai thì tổ chức kinh tế có quyền bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn còn lại, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định (trường hợp thu tiền hàng năm); có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất phải thuộc các điều kiện để thực hiện các quyền của người sử dụng đất tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193 và 194, Luật Đất đai.
Song, nếu áp dụng Điều 17, Luật Lâm nghiệp thì Nhà nước không cho thuê đối với rừng phòng hộ.
Tại các văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Văn bản số 965/BNN-TCLN ngày 19/2/2021 về việc trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và Văn bản số 1011/BNN-TCLN ngày 24/2/2023 về việc trả lời cử tri sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV xác định: “Việc chuyển nhượng dự án (bao gồm diện tích rừng phòng hộ đã thuê) không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 108, Luật Lâm nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp được thuê rừng phòng hộ trước thời điểm Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành không được chuyển nhượng diện tích rừng đã thuê. Nếu doanh nghiệp không còn nhu cầu thuê rừng, UBND tỉnh có trách nhiệm thu hồi diện tích rừng để xem xét thực hiện giao hoặc cho thuê rừng để quản lý theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp”.
Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho rằng, việc không được chuyển nhượng diện tích rừng đã thuê là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Cụ thể, tại khoản 3, Điều 189, Luật Đất đai quy định: “Người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong dự án”.
Vì thế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị UBND tỉnh báo cáo và làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc do các quy định của pháp luật về đất đai và lâm nghiệp chưa đồng nhất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.
Nguồn: Báo Đầu tư.