Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc làm việc với huyện Lâm Hà
- Thứ sáu - 03/11/2023 20:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(LĐ online) - Chiều 1/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc chủ trì buổi làm việc với huyện Lâm Hà về công tác quản lý, bảo vệ rừng và tiến độ thi công đường giao thông từ xã Phi Tô (huyện Lâm Hà) đi xã Lát (huyện Lạc Dương).
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà đã báo cáo tình hình kinh tế - xã hội địa phương trong các tháng vừa qua. Riêng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong 10 tháng đầu năm 2023, UBND huyện đã ban hành hơn 40 văn bản liên quan; tổ chức nhiều đợt kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, truy quét rừng cũng như kiểm tra, đôn đốc, xử lý tình hình quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất tại các dự án đầu tư.
Toàn cảnh hội nghị |
Hàng tháng, quý, địa phương đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra về quản lý bảo vệ rừng. Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện thường xuyên trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác quan trọng này trên địa bàn huyện, ít nhất 2 lần/tháng. Kiện toàn Đội truy quét các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; trong đó, 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện là đội trưởng; kiểm tra, đôn đốc xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng tại cơ sở; đôn đốc cập nhật diễn biến rừng, tỷ lệ che phủ rừng; khoanh nuôi tái sinh phát triển hệ sinh thái rừng.
Đoàn đi thực tế tại tuyến đường Phi Tô (Lâm Hà) đi xã Lát (Lạc Dương) |
Kết quả trong 10 tháng đầu năm 2023, địa phương đã phát hiện 15 vụ vi phạm (11/15 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm, chiếm 73,33% và 4/15 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm, chiếm 26,67%); diện tích rừng bị phá 21.525 m2, tổng khối lượng sản vi phạm 144,66 m3 gỗ tròn, xẻ các loại. So sánh với cùng kỳ năm 2022 thì số vụ vi phạm giảm 3 vụ (tương ứng giảm 16,67%); diện tích thiệt hại do phá rừng tăng 7.042 m2 (tăng 48,62%); lâm sản thiệt hại tăng 55,85 m3 (tăng 89,78%).
Trong công tác phát triển rừng, đến nay qua rà soát toàn huyện đã thực hiện trồng mới được 544.285 cây xanh các loại (đạt 52% kế hoạch tỉnh giao; đạt 44% kế hoạch huyện); đã tổ chức được 26 đợt giải tỏa cây trồng và công trình trái phép trên đất lâm nghiệp với diện tích 68,71 ha và công trình trái phép...
Ông Vũ Đình Cường - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng báo cáo tại buổi làm việc |
Lãnh đạo huyện Lâm Hà chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng như địa phương vẫn còn để xảy ra một số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp nổi cộm, gây thiệt hại tài nguyên rừng và ảnh hưởng trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, diện tích rừng và lâm sản bị thiệt hại do vi phạm tăng so với cùng kỳ (diện tích thiệt hại tăng 48,62%; lâm sản thiệt hại tăng 89,78%).
Công tác trồng rừng tập trung kế hoạch năm 2023 tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà với tổng diện tích 79 ha (trồng 28,74 ha trồng thay thế; trồng 50,26 ha trồng sau giải tỏa) đến nay chưa thực hiện được.
Về tiến độ Dự án giao thông từ xã Phi Tô (huyện Lâm Hà) đi xã Lát (huyện Lạc Dương) được phê duyệt với tổng mức đầu tư 214 tỷ đồng với quy mô 10,42 km. Tổng số vốn được cấp đến nay là trên 119 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến nay là trên 92 tỷ đồng/trên 119 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 77,66% so với kế hoạch vốn đã bố trí của dự án. Năm 2023, giải ngân 28,53 tỷ đồng/55 tỷ đồng đạt 51,88% kế hoạch vốn năm. Số vốn còn lại chưa giải ngân là 26,46 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo huyện Lâm Hà, dự kiến trong tháng 11/2023, dự án sẽ hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng với số vốn 8,12 tỷ đồng/174 hộ gia đình, cá nhân.
Riêng công tác lập hồ sơ thu hồi đất rừng, UBND huyện chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn việc lập thủ tục về rừng. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc 4 nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ các hạng mục có mặt bằng để giải ngân số vốn còn lại 24,99 tỷ đồng/4 đơn vị, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn giao năm 2023.
Ông Tôn Thiện San - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi làm việc |
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc và lãnh đạo các sở, ngành đã thực địa tuyến giao thông xã Phi Tô (huyện Lâm Hà) đi xã Lát (huyện Lạc Dương). Tiếp đó, kiểm tra vị trí rừng bị ken lỗ, đổ hóa chất làm chết gần 100 cây thông 3 lá tại xã Mê Linh, khu vực giáp ranh với thị trấn Nam Ban xảy ra vào đầu tháng 10/2023. Hiện, vụ việc đang được Công an, Hạt Kiểm lâm, chủ rừng huyện Lâm Hà phối hợp truy tìm đối tượng phá rừng.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của chính quyền địa phương huyện Lâm Hà đã thực hiện tốt trong thời gian qua; đồng thời, yêu cầu lãnh đạo địa phương cần tập trung thực hiện một số nội dung.
Trong đó, đối với Dự án đường giao thông Phi Tô (Lâm Hà) đi xã Lát (Lạc Dương) có ý nghĩa quan trọng, tạo liên kết vùng và thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính vì lẽ đó, huyện Lâm Hà cần đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm lộ trình thực hiện dự án. Đối với việc vướng mặt bằng thiết kế công trình ở một số vị trí hiện nay, địa phương phải có kế hoạch cụ thể về phương án đền bù, vừa tuyên truyền, vận động người dân hiến đất vừa bảo đảm quyền lợi để bà con hiểu được ý nghĩa công trình của Nhà nước.
Liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: UBND huyện Lâm Hà rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp được triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, tính chất một số vụ việc trên địa bàn vẫn tiềm ẩn phức tạp. Đơn cử như vụ ken chết gần 100 cây thông 3 lá trên địa bàn xã Mê Linh mới đây. Hiện, toàn bộ rừng thông bị xâm hại không thể cứu chữa, cây ngã màu vàng và gần như chết hẳn.
Cùng với chỉ đạo công tác điều tra, xử lý để phát hiện vụ việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc đề nghị huyện Lâm Hà tăng cường tuần tra, lắp đặt hệ thống camera, nhất là địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ phá rừng. Đồng thời, tập trung tổ chức ký cam kết với người dân sản xuất liền kề không được phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Đối với các diện tích rừng bị phá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị huyện Lâm Hà tổ chức trồng rừng; đồng thời, có biện pháp quản lý không để xảy ra tái lấn chiếm. Đối với các ngành của tỉnh, trên cơ sở kiến nghị của Lâm Hà cần đẩy mạnh phối hợp với địa phương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.