Rà soát, ðiều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng: Tổng diện tích cao hơn chỉ tiêu phân bổ
- Thứ ba - 03/10/2023 07:31
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc “phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” cũng như “Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2030” thì tổng diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng được giao 537.727 ha. Qua rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng cho thấy, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh sau khi rà soát, điều chỉnh cao hơn chỉ tiêu phân bổ.
Rừng và đất lâm nghiệp thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà tạm thời chưa thực hiện rà soát điều chỉnh phân loại rừng |
Trong số tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 537.727 ha mà Lâm Đồng được Chính phủ phân bổ với cơ cấu 3 loại rừng bao gồm: Rừng đặc dụng 84.224 ha, rừng phòng hộ 147.238 ha và rừng sản xuất 306.265 ha. Dựa trên chỉ tiêu phân bổ này, tính đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch UBND tỉnh cũng như UBND tỉnh đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo về công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, trong đó đáng chú ý là sự chỉ đạo tập trung vào điều chỉnh phân loại rừng và phân định ranh giới các loại rừng.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành 30 văn bản liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh phân loại rừng. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng theo như phân bổ của UBND tỉnh và được UBND tỉnh điều chỉnh đối với các địa phương rất cụ thể. Theo đó, địa phương có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp cao nhất là Lạc Dương với 114.219 ha, kế đến Di Linh 84.657 ha, Bảo Lâm 78.019 ha, Đam Rông 57.322 ha, Đơn Dương 37.836 ha, Đạ Tẻh 33.142 ha, Đức Trọng 30.624 ha, Đạ Huoai 28.297 ha, Cát Tiên 26.510 ha, TP Đà Lạt 19.455 ha và thấp nhất TP Bảo Lộc là 1.667 ha.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, ngay sau khi các đơn vị, địa phương chủ động rà soát và gửi báo cáo kết quả về Sở, Tổ công tác của Sở đã kịp thời hướng dẫn, đôn đốc, giải đáp thắc mắc và làm việc cụ thể với 12 huyện, thành phố để thống nhất kết quả rà soát…
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến cuối tháng 8 vừa qua, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng gồm các huyện Cát Tiên, Di Linh, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông và TP Đà Lạt. Đồng thời, đang hoàn chỉnh hồ sơ kết quả rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng của các huyện Lạc Dương, Bảo Lâm, Đạ Tẻh và TP Bảo Lộc. Riêng huyện Đức Trọng và Đạ Huoai chưa rà soát xong.
Các kết quả phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng của các địa phương thể hiện trong báo cáo trình tỉnh phê duyệt hay đang hoàn thiện hoặc dự thảo trình duyệt bước đầu nhận thấy, hầu hết các địa phương đều đảm bảo phù hợp về tổng diện tích và diện tích đối với 3 loại rừng gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất mà tỉnh phân bổ chỉ tiêu. Trong đó nổi bật có các địa phương sau khi điều chỉnh cơ cấu 3 loại rừng có tổng diện tích cao hơn so với phân bổ chỉ tiêu đất lâm nghiệp. Cụ thể, TP Bảo Lộc cao hơn 62 ha, huyện Lạc Dương cao hơn 529 ha và huyện Đức Trọng cao hơn 765 ha. Như vậy, từ kết quả điều chỉnh cơ cấu 3 loại rừng của các địa phương thì tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 538.696 ha, cao hơn 1.356 ha nếu so với phân bổ chỉ tiêu mà Chính phủ và tỉnh giao.
Việc triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh mang ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng đất, quản lý, bảo vệ rừng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn tới. Và việc phê duyệt kết quả phân loại rừng, phân định ranh giới các loại rừng chỉ thực hiện sau khi quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cũng cần nói thêm, các địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn huyện nếu xảy ra sai sót.
Được biết, hiện, đơn vị tư vấn đang thực hiện việc biên tập, in bản đồ và trình ký theo chỉ đạo của tỉnh và các bản đồ này sẽ do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND huyện, thành phố cùng ký ban hành.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.