Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Thêm dấu hiệu sai phạm trong việc giao đất, rừng 135 tại Bảo Lâm

(LĐ online) - Cùng 1 người nhưng 2 lần được giao khoán đất, rừng theo Nghị định 135 của Chính phủ. Đặc biệt, cả 2 diện tích đất rừng được giao khoán này đều để xảy ra sai phạm nhưng không được xử lý triệt để.
Sau khi đăng loạt bài phản ánh về “Những góc khuất trong giao khoán quản lý, bảo vệ rừng ở Bảo Lâm”, Báo Lâm Đồng nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Dũng (Thôn 2, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) phản ảnh về những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong công tác giao khoán đất, rừng theo Nghị định 135 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri (huyện Bảo Lâm).

Phần lớn diện tích đất tại tiểu khu 439, xã Lộc Phú giao cho bà Vũ Thị Huệ đã trồng cà phê, bơ, sầu riêng…
Phần lớn diện tích đất tại tiểu khu 439, xã Lộc Phú giao cho bà Vũ Thị Huệ đã trồng cà phê, bơ, sầu riêng…

GIAO ĐẤT CHO NGƯỜI THÂN?
Theo đơn của ông Dũng, Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Đam B’ri đã 2 lần giao cho 1 cá nhân là bà Vũ Thị Huệ (Thôn 4, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) đất, rừng theo Nghị định 135 của Chính phủ. Điều đáng nói, bà Vũ Thị Huệ là vợ của ông Lê Văn Ba – em ruột của ông Lê Văn Tú – Phó Ban QLRPH Đam B’ri.
Theo hồ sơ, tháng 4/2008, Ban QLRPH Đam B’ri đã ký kết hợp đồng giao khoán với bà Vũ Thị Huệ theo Nghị định 135 của Chính phủ. Diện tích giao nhận khoán là 4,8 ha tại lộ a1, khoảnh 7, tiểu khu 438A (xã Lộc Phú).
Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Lâm (vào tháng 3/2020), sau khi nhận hợp đồng, bà Huệ tiến hành khai thác keo để trồng cà phê và một số cây muồng. Quá trình thực hiện hợp đồng để xảy ra rừng bị phá và không thực hiện theo đúng phương án trồng rừng đã ký kết.
Kết quả xác định hiện trường ngày 17/1/2020, xác định hiện trường đã được trồng cây cà phê và một số cây muồng, trên đất không còn cây thông nào. Do đó, bà Vũ Thị Huệ đã vi phạm hợp đồng giao khoán đã ký kết với Ban QLRPH Đam B’ri; quản lý, bảo vệ rừng không tốt để diện tích được giao bị phá, trồng cà phê”.
Dù để xảy ra sai phạm trong hợp đồng ký kết năm 2008, nhưng đến năm 2015, bà Huệ tiếp tục được ký hợp đồng nhận khoán theo Nghị định 135 với Ban QLRPH Đam B’ri thêm diện tích 20,5 ha tại lô a, b, c, khoảnh 1, tiểu khu 439 (xã Lộc Phú). Cùng thời điểm này, ông Vũ Văn Long là bố ruột của bà Vũ Thị Huệ cũng được nhận khoán 11,1 ha đất theo Nghị định 135 tại lô a, b1, b2, tiểu khu 439.
LIÊN TIẾP SAI PHẠM NHƯNG KHÔNG XỬ LÝ?
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, hiện trạng rừng khi giao khoán tại tiểu khu 439 là cây thông trồng khoảng 10 năm tuổi, nhưng đến hiện tại thì hầu hết diện tích rừng này đã bị phá để trồng cà phê.
Trước đó, năm 2020, ông Dũng đã có đơn phản ảnh về việc có 2 người đứng tên thay cho ông Lê Văn Ba để nhận đất, nhận rừng theo Nghị định 135 của Chính phủ tại khu vực này. UBND huyện Bảo Lâm đã có văn bản trả lời: Qua rà soát cho thấy trong quá trình kiểm tra việc quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Bảo Lâm, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng phát hiện tại Ban QLRPH Đam B’ri có một hồ sơ nhận khoán đất rừng sản xuất theo Nghị định 135 của Chính phủ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh, năm 2014, UBND huyện Bảo Lâm đã ban hành văn bản chỉ đạo Cơ quan Công an huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật (trong đó có hành vi hủy hoại rừng).
“Dù văn bản chỉ đạo ban hành từ năm 2014 nhưng đến năm 2020 khi trả lời đơn phản ánh của tôi, UBND huyện Bảo Lâm vẫn chưa nêu kết quả giải quyết rõ ràng như thế nào và đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết” – ông Dũng nêu thắc mắc.
Ghi nhận thực tế tại vị trí đất rừng giao cho bà Vũ Thị Huệ tại tiểu khu 439 thì nhiều diện tích đã được trồng cà phê, bơ, sầu riêng…; trên đất có một số cây muồng và còn sót lại một ít thông. Ông Dũng đặt nghi vấn: Bà Vũ Thị Huệ là một người được nhận 2 hồ sơ giao khoán đất rừng theo Nghị định 135, nhưng hồ sơ thứ nhất giao năm 2008 đã không thực hiện đúng phương án được phê duyệt, trồng cây cà phê thu lợi bất chính nhưng không bị thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật. Vậy mà đến năm 2015, bà Huệ lại tiếp tục được giao khoán thêm diện tích khác lớn hơn và lại để xảy ra phá rừng, trồng cà phê. Việc giao khoán này đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm mất rừng với diện tích lớn nhưng bà Huệ vẫn không bị xử lý dưới bất kỳ hình thức gì?
Liên quan đến nội dung giao đất rừng 135 cho bà Vũ Thị Huệ, phóng viên Báo Lâm Đồng đã liên hệ với ông Huỳnh Quang Công – Trưởng Ban QLRPH Đam B’ri để xác minh thông tin. Ông Công cho biết qua điện thoại: “Toàn bộ hồ sơ liên quan đến công tác giao khoán đất, rừng theo Nghị định 135 đã được Công an huyện Bảo Lâm thu giữ để điều tra, xác minh, nên hiện tại Ban không còn hồ sơ để làm cơ sở trả lời”.
Liên quan đến nội dung đơn của ông Nguyễn Văn Dũng gởi các cơ quan chức năng tố cáo ông Lê Văn Tú – Phó ban QLRPH Đam B’ri và vợ chồng bà Vũ Thị Huệ - ông Lê Văn Ba có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác giao khoán rừng theo Nghị định 135 của Chính phủ tại xã Lộc Phú, hiện tại, đơn đã được chuyển về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Lâm để xác minh, làm rõ.  

Toàn bộ diện tích đất giao cho bà Vũ Thị Huệ tại tiểu khu 438A, xã Lộc Phú đều bị phá rừng để trồng cà phê
Toàn bộ diện tích đất giao cho bà Vũ Thị Huệ tại tiểu khu 438A, xã Lộc Phú đều bị phá rừng để trồng cà phê

CẦN XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ CÁC SAI PHẠM
Theo hồ sơ phóng viên thu thập được, tại tiểu khu 613, 438A trên địa bàn xã Lộc Phú còn có nhiều hồ sơ liên quan đến việc giao đất, giao rừng theo Nghị định 135 của Chính phủ tại Ban QLRPH Đam B’ri còn những tồn tại, sai phạm. Có thể thấy, dù đã được cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm tiếp nhận, xử lý nhưng đến nay có nhiều vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong dự luận xã hội. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành để làm rõ những nội dung liên quan.
Theo thống kê, tổng diện tích giao khoán tại Ban QLRPH Đam B’ri theo các nghị định 01 và 135 của Chính phủ là hơn 829,8 ha. Qua kiểm tra toàn bộ diện tích đất nông lâm kết hợp, các hộ đã trồng cà phê mà không thực hiện trồng rừng theo phương án đã phê duyệt. Riêng đối với diện tích rừng giao khoán theo Nghị định 135 có 7 hộ dân nhận khoán không thực hiện đúng phương án giao khoán mà trồng cà phê trên diện tích 138,3 ha và diện tích rừng bị phá để lấn chiếm trồng cà phê là 53,9 ha.
Đặc biệt, tổng diện tích giao khoán cho các hộ dân (giao khoán theo các nghị định 01, 135 và giao khoán khác) đang sử dụng sai mục đích trên địa bàn huyện Bảo Lâm là 437/862 ha, chiếm tới 50,66% tổng diện tích giao khoán. Cùng với những sai phạm không thực hiện đúng phương án giao khoán, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm nhiều sai phạm thông quan việc sang nhượng đất nhận khoán sai quy định cho các hộ kế tiếp khiến rừng bị lấn chiếm, bị mất.

Bổ nhiệm lại Phó ban QLRPH Đam B’ri đúng quy định
Liên quan đến những sai phạm trong việc giao khoán trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng theo Nghị định 135 tại khoảnh 2, khoảnh 6, tiểu khu 613, xã Lộc Phú với diện tích 24,1 ha không đúng đối tượng, không đúng quy định khiến toàn bộ diện tích đất này đã bị mua bán và các hộ dân canh tác, sản xuất không đúng với phương án giao khoán, chủ yếu đã được trồng cà phê đã cho thu hoạch và khó giải tỏa thu hồi, tháng 2/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã kết luận ông Lê Văn Tú và các đối tượng liên quan đã vi phạm các quy định của nhà nước trong lĩnh vực giao khoán để trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng nhưng chưa đến mức xem xét xử lý về hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra có văn bản đề nghị UBND huyện Bảo Lâm xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ, lãnh đạo có liên quan tại Ban QLRPH Đam B’ri; chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, giải tỏa diện tích giao khoán không đúng đối tượng nói trên và các trường hợp tương tự trên địa bàn.
Theo UBND huyện Bảo Lâm, năm 2014, ông Lê Văn Tú đã bị UBND huyện Bảo Lâm ra quyết định kỷ luật khiển trách vì lập hồ sơ giao khoán đất lâm nghiệp không đúng đối tượng (trong đó có vi phạm liên quan đến kết quả điều tra, xác minh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng). Tháng 12/2015, ông Tú được điều chuyển công tác sang giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện. Sau đó, được bổ nhiệm trở lại vị trí công tác cũ là Phó ban QLRPH Đam B’ri cho đến nay. Việc bổ nhiệm lại này là đúng quy định của phát luật do ông Tú đã hết thời hạn kỷ luật và hiện không có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, đến hiện tại, trên danh nghĩa thì diện tích 24,1 ha vẫn do Ban QLRPH Đam B’ri quản lý nhưng thực tế thì không thể giải tỏa, thu hồi được của người dân đối với diện tích đất này.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây