Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Tổ chức Phiên tòa hình sự giả định xét xử “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”

Tổ chức Phiên tòa hình sự giả định xét xử “Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”

      Ngày 15/5/2024, Ban Quản lý Dự án quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) Lâm Đồng đã phối hợp Trường Đại học Đà Lạt, Chi cục Kiểm lâm và Tổ chức WWF Việt Nam tổ chức “Phiên tòa hình sự giả định xét xử Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho sinh viên.
     
Việc tổ chức “Phiên tòa hình sự giả định” giúp sinh viên ngành luật cọ xát, mài dũa những kiến thức pháp lý đã được trau dồi trên ghế Nhà trường, mà thông qua chủ đề vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, nhằm góp phần tăng cường đào tạp pháp luật và nhận thức xã hội về phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã.
     
      Trước khi tổ chức phiên tòa giả định, đại diện: Ban Quản lý Dự án quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt và Tiểu hợp phần 9 Tổ chức WWF phát biểu khai mạc, khai quát tình trạng vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh và nêu bật tầm quan trọng của “Phiên tòa hình sự giả định” ngày hôm nay.

      Ông Nguyễn Lương Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VFBC Lâm Đồng đã nhấn mạnh nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng trong những năm gần đây hiện trong tình trạng đáng báo động và luôn được các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức của Chính phủ đặt mối quan tâm lớn để chung tay bảo vệ.

      Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng Tiểu hợp phần 09 về giảm cầu tiêu thụ thông qua các phương pháp thay đổi hành vi (Tổ chức WWF): kết quả khảo sát gần đây về tiêu thụ thịt thú rừng do tổ chức WWF thực hiện cho thấy: hiện nay, có 03 nhóm khách hàng chính tiêu thụ thịt động vật hoang dã nằm trong độ tuổi từ 20-49; đáng lưu ý, nhóm người ăn thịt thú rừng trong độ tuổi 20-29 ở khu vực thành thị chiếm tỉ lệ khá cao.
     
      Ông Trần Thống, Phó hiệu trưởng, Trường Đại học Đà Lạt cho hay: Khoa Luật học (Trường Đại học Đà Lạt) tổ chức phiên tòa giả định này nhằm tuyên truyền, kêu gọi, nhắn gửi các bạn sinh viên và những người thân trong gia đình đừng vì thiếu hiểu biết mà ăn thịt, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm, dẫn đến vi phạm pháp luật. Nhiều năm nay, Khoa Luật học luôn đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho sinh viên bằng hình thức trực quan, sinh động, dễ hiểu, dễ nắm bắt như: sân khấu hóa, thi trực tuyến, Olympic pháp luật, tổ chức các phiên tòa giả định… nhằm lan tỏa ý thức thượng tôn pháp luật; đồng thời, thông qua “Phiên tòa hình sự giả định về xét xử vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, Nhà trường mong muốn sinh viên sẽ có cơ hội thực nghiệm, trao đổi kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý, lan tỏa thông điệp bảo vệ động vật hoang dã đến cộng đồng, hướng đến mục tiêu giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã; khuyến khích sáng kiến cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

      Tại “Phiên tòa hình sự giả định”, các sinh viên Khoa Luật Trường đại học Đà Lạt đã hóa thân vào các nhân vật như: thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, nguyên cáo, bị cáo; nội dung phiên tòa mô phỏng lại quá trình xét xử vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm được quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Phiên tòa được tổ chức theo đúng thể thức của một phiên tòa thật sự, với trình tự các bước: thủ tục xét hỏi, tranh luận, nghị án và tuyên án.

      Thông qua phiên tòa giả định nhằm cung cấp thông tin, kiến thức về các quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động săn, bắt, mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã cho nhóm khách hàng tiềm năng và trẻ tuổi. Đồng thời cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức về các nguy cơ, vi phạm và xử phạt liên quan đến các hoạt động săn, bắt, mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã, qua đó tăng cường sự quan tâm và tham gia của ngành giáo dục vào công tác giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã trái pháp luật.

       Phiên tòa hình sự giả định mô phỏng tình huống đang tồn tại, dễ bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày với quan điểm của một bộ phận người dân “Ngâm rượu bổ thận, tráng dương; Uống gì bổ nấy”; cụ thể: theo cáo trạng, N.H.C.T có hành vi tàng trữ 02 cá thể Rắn hổ chúa (có tên khoa học Ophiophagus hannah) đã chết (còn nguyên vẹn) và đã được ngâm rượu tại nhà riêng với mục đích uống chữa bệnh xương khớp thì bị lực lượng kiểm lâm phối hợp với Công an, chính quyền địa phương phát hiện, thu giữ toàn bộ tang vật của vụ án để điều tra xử lý theo quy định; tại thời điểm kiểm tra, phát hiện thì cả 3 cá thể Rắn hổ chúa đã chết thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số  64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019); xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ “Hội đồng xét xử” tuyên phạt bị cáo N.H.C.T theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

       Trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa giả định, bằng lối diễn xuất tự nhiên các em học sinh đã vận dụng kiến thức và các kỹ năng tranh tụng thể hiện lập luận pháp lý nhằm làm rõ diễn biến sự việc và đưa ra bản án thích đáng với đối tượng phạm tội. Phong thái tự tin, bản lĩnh của các em đã được thể hiện rõ nét thông qua những tư duy, lập luận sắc bén và góc nhìn thấu đáo tại phiên tòa, cũng như khi giải quyết các vấn đề pháp lý mở rộng về xét xử vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm…

      Với việc tổ chức phiên tòa giả định nói trên, Khoa Luật học, Trường Đại học Đà Lạt còn tổ chức giao lưu thi hỏi đáp những kiến thức về các hiểu biết về các quy định của pháp luật trong công tác bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã với mục đích nâng cao hiểu biết của sinh viên trong lĩnh vực này.

       Kết thúc Phiên tòa hình sự giả định, thay mặt Ban Quản lý Dự án quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) Lâm Đồng, ông Nguyễn Lương Minh cám ơn toàn thể Ban lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt, sinh viên ngành Luật - Trường Đại học Đà Lạt cùng toàn thể đại biểu về tham dự ngay hôm nay để tạo nên thành công của “Phiên tòa hình sự giả định xét xử vụ án liên quan đến Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”; đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, quan tâm từ phía Ban lãnh đạo nhà trường trong thời gian tới để tiếp tục tổ chức các buổi truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật khác liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản thông qua các hình thức khác nhau.

     Trân trọng cám ơn!

 
Một số hình ảnh tại Phiên tòa hình sự giả định
 
1
 
 
 
3
 
 
2
 
 
4
 
 
Nguồn: Phòng Thanh tra pháp chế
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây