Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Vườn Quốc gia Cát Tiên ra mắt 'tổ công tác đa bên'

Đây là một sáng kiến lần đầu ra mắt cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Vùng đất ngập nước Bàu Sấu trong Vườn Quốc gia Cát Tiên, một trong 9 khu Ramsar của Việt Nam. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Vùng đất ngập nước Bàu Sấu trong Vườn Quốc gia Cát Tiên, một trong 9 khu Ramsar của Việt Nam. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Buổi ra mắt “Tổ hợp tác đa bên” vừa được tổ chức tại trụ sở Vườn Quốc gia Cát Tiên (xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, Đồng Nai), với sự tham dự của lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Tiên, đại diện Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), đại diện Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) và lãnh đạo huyện Tân Phú, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai…

“Tổ công tác đa bên” là một hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) thực hiện. Đây là mô hình thí điểm hợp tác giữa cộng đồng người dân địa phương và Vườn Quốc gia Cát Tiên, nằm trong khuôn khổ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, được Bộ NN-PTNT phê duyệt, nhằm mục tiêu kết nối cùng cộng đồng vùng đệm tham gia vào các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Thành phần “tổ công tác đa bên” gồm đại diện Ban quản lý Vườn Quốc gia Cát Tiên, cộng đồng người dân các xã vùng đệm và hội phụ nữ các xã. Họ sẽ cùng nhau tổ chức các sự kiện, họp mặt trao đổi ý kiến, gắn kết các bên liên quan nhằm giải quyết những thách thức cụ thể như những mâu thuẫn lợi ích giữa sinh kế và kế hoạch ưu tiên về bảo tồn hoặc các vấn đề liên quan đến chính sách thanh toán dịch vụ môi trường rừng.

Cặp 'vợ chồng' vượn đen má vàng, con đực khi trưởng thành lông chuyển màu đen, còn con cái vẫn giữ nguyên màu lông vàng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Cặp "vợ chồng" vượn đen má vàng, con đực khi trưởng thành lông chuyển màu đen, còn con cái vẫn giữ nguyên màu lông vàng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Tại buổi ra mắt tổ công tác, ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên phát biểu: “Để bảo vệ các hệ sinh thái độc đáo của Vườn Quốc gia Cát Tiên, sự tham gia của cộng đồng sống gần rừng có vai trò rất quan trọng. Vì thế, việc thành lập tổ công tác đa bên không chỉ góp phần tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ di sản thiên nhiên của chúng ta mà còn nâng cao hiệu quả của chiến lược bảo tồn.

Bằng cách xây dựng mối quan hệ hợp tác và chia sẻ trách nhiệm chung, chúng ta sẽ quản lý, bảo vệ khu bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Tiên tốt hơn. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về môi trường, về tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ rừng đến các thế hệ học sinh”.

Cây Tung 400 tuổi trong Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Cây Tung 400 tuổi trong Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Theo ông Thịnh, riêng huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đã có khoảng 30.000 trẻ em trong độ tuổi đi học, việc giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Cát Tiên đến thế hệ trẻ vô cùng quan trọng. Lâu nay, việc giáo dục môi trường cho các thế hệ học sinh tại đây được lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống, nằm trong chương trình giáo dục địa phương. “Với dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, chúng tôi sẽ thuận lợi hơn trong việc giáo dục môi trường đến các em học sinh”, ông Thịnh nói.

Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học USAID phát biểu tại buổi ra mắt 'tổ công tác đa bên'. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học USAID phát biểu tại buổi ra mắt "tổ công tác đa bên". Ảnh: Hồng Thuỷ.

Cũng tại buổi ra mắt tổ công tác, ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học của USAID, do WWF thực hiện cho biết, hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học gồm 4 tiểu hợp phần: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; Tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; Tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và động vật hoang dã; Giảm nhu cầu tiêu thụ thông qua các phương pháp thay đổi hành vi.

Các hoạt động của hợp phần được thực hiện trong 5 năm, từ 2020-2025. “Việc hình thành một cơ chế chính thức có sự tham gia của cộng đồng sẽ góp phần nâng cao tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học cũng như sự hiểu biết và tôn trọng các lợi ích xã hội của Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái toàn cầu”, ông Nick Cox nhấn mạnh.

Người dân ven Vườn Quốc gia Cát Tiên và lực lượng kiểm lâm của Vườn phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Người dân ven Vườn Quốc gia Cát Tiên và lực lượng kiểm lâm của Vườn phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Theo ông Nick Cox cùng với sáng kiến thành lập “tổ công tác đa bên” tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học cũng đã hỗ trợ các mô hình tương tự tại một số khu bảo tồn trong danh sách 21 khu thuộc vùng dự án tại Việt Nam. Sáng kiến trên nhằm giới thiệu các phương pháp tiếp cận khác nhau để cộng đồng địa phương tham gia vào việc quản lý các khu bảo tồn, bao gồm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề chung, giáo dục môi trường tới đông đảo người dân.

Dự án “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” được Bộ NN-PTNT phê duyệt thực hiện tại 11 tỉnh gồm: Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (Vườn Quốc gia Vũ Quang), Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Lâm Đồng (tập trung vào Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà) và 3 Vườn Quốc gia trực thuộc Cục Lâm nghiệp (Cúc Phương, Bạch Mã, Cát Tiên). 

Mục tiêu của dự án là giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ carbon trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng trồng của Việt Nam; Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ quần thể động vật hoang dã, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương sống gần rừng, từ đó nhân rộng ra toàn xã hội tại Việt Nam.

Nguồn: Báo Nông nghiệp.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây