Dự báo cấp cháy rừng ngày 14/01/2025 (Cấp II gồm: Thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông - Cấp IV gồm: huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh,  Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc - Cấp V gồm: huyện Đạ Huoai)

Bảo tồn nguồn gen, phục hồi hệ sinh thái rừng ở Lâm Đồng

Thứ sáu - 07/07/2023 22:33

Trước nguy cơ suy thoái của hệ sinh thái rừng, tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm của đa dạng di truyền, công tác bảo tồn nguồn gen cây rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được các nhà khoa học về lâm nghiệp gấp rút đặt ra. 

Quần thể cây thông 2 lá dẹt với cá thể hơn 1.200 năm tuổi ở Cổng Trời (Lạc Dương) đã được nghiên cứu và gấp rút bảo tồn nguồn gen
Quần thể cây thông 2 lá dẹt với cá thể hơn 1.200 năm tuổi ở Cổng Trời (Lạc Dương) đã được nghiên cứu và gấp rút bảo tồn nguồn gen

Với lợi thế về điện kiện tự nhiên đa dạng, các tiểu vùng khí hậu khác nhau trải dài trên các huyện, thành phố, Lâm Đồng được đánh giá cao về sự đa dạng hệ sinh thái, đa dạng về loài và về nguồn gen. Trong đó có 2 khu bảo tồn quan trọng là Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà và Cát Lộc (thuộc VQG Cát Tiên) là nơi chứa đựng giá trị sinh học cao với nhiều loài quý hiếm, nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, được ưu tiên bảo tồn.

Theo TS. Phạm Trọng Nhân - Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nguồn gen cây rừng tại Lâm Đồng đang bị suy thoái, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng; sự phân mảnh và suy thoái của các hệ sinh thái do phá rừng, cháy rừng, ô nhiễm môi trường, du nhập và xâm lấn của các loài ngoại lai, tác động của biến đổi khí hậu. Tài nguyên cây rừng đang nghèo về trữ lượng, phân tán và có xu hướng dần suy giảm. Từ hơn 30 năm qua, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã quan tâm phối hợp điều tra, khảo sát, xây dựng phương án bảo tồn, thu thập hạt giống, cây con, cành hom, xây dựng một số khu sưu tập bảo tồn cho hàng chục loài cây rừng, tập trung vào 2 nhóm chính là: cây rừng quý hiếm, đặc hữu, bị đe dọa tuyệt chủng và cây rừng có giá trị kinh tế phục vụ trồng rừng sản xuất.

Công tác bảo tồn, phát triển, sử dụng đã tuân thủ đầy đủ 4 bước: điều tra, khảo sát mở rộng; thu thập, đánh giá; bảo tồn; phát triển, sử dụng. Từ đó củng cố cơ sở khoa học cho các nghiên cứu cải thiện giống cây rừng, trồng rừng. Việc khảo sát thực địa đã tập hợp tài liệu tham chiếu, đánh giá mức độ đe dọa cho 33 loài cây lá kim và tiềm năng gây trồng, trong đó loài thông đỏ đặc hữu của Lâm Đồng được đánh giá ở mức độ rất nguy cấp; loài pơ mu, bách xanh được đánh giá ở mức độ nguy hiểm; 3 loài thông Đà Lạt và bạch tùng ở mức sắp nguy cấp. Ngoài ra, 26 loài cây quý hiếm và có giá trị kinh tế đã được điều tra mở rộng, xác định cấu trúc tổ thành và xác định mối quan hệ giữa các loài trong quần thể tự nhiên để làm cơ sở khoa học cho việc bảo tồn và phát triển như pơ mu, thông đỏ, thông 5 lá, re gừng…

Việc bảo tồn nguồn gen cây rừng không ngừng được tiếp tục điều tra chi tiết, xác định phạm vi phân bố, đặc điểm lâm học, mối liên kết di truyền và đánh giá mức độ cho nhiều loài khác như lan kim tuyến, bạch tùng, giáng hương quả to. Qua đó, bạch tùng có số lượng từ 35 - 44 loài, phân bố rải rác, không phải loài cây chiếm ưu thế; tại VQG Bidoup - Núi Bà, quần thể bạch tùng có số lượng trên 50 cá thể/ha, cây có đường kính nhỏ (10 - 40,7 cm), chiều cao 8 - 20 m; các loài ưu thế của lâm phần là sơn trâm, hồng tùng, thông 5 lá. Giáng hương quả to phân bố trong rừng lá rụng (rừng khộp) và rừng bán thường xanh, ở những nơi có độ cao 20 - 680 m, tập trung ở nơi địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc 2 - 10 độ. Các quần thể giáng hương quả to hiện nay đều bị khai thác ở mức độ khác nhau, không còn nguyên trạng. Lan kim tuyến hầu hết phân bố ở kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới, ở độ cao 1.400 m tại vùng Bidoup với độ tàn che 0,85 - 0,95, chủ yếu mọc trên mặt đất giàu mùn, độ ẩm và độ xốp cao, thoáng khí, hoặc ngay trên lớp thảm mục của rừng. 

5 năm trở lại đây, Viện đã khảo sát mở rộng 11 loài cây quý hiếm và có giá trị kinh tế. Trong đó, 2 loài dổi lá to và đỗ quyên lá nhọn đã tiến hành điều tra đánh giá đặc điểm lâm học, thực vật học, chọn lọc cây đại diện và thu hái vật liệu di truyền tại khu vực Hòn Nga và VQG Bidoup - Núi Bà. Đã chọn lọc được hơn 20 cây đại diện dổi lá to và đỗ quyên lá nhọn để thu hái vật liệu nghiên cứu và gieo ươm trên 2.000 cây giống để trồng rừng bảo tồn. 

Từ đó, Viện đã tiến hành đánh giá đa dạng di truyền trong từng loài để phân loại mức độ biến dị di truyền giữa các loài, trong loài, trong mỗi quần thể để có quyết định lựa chọn quần thể được bảo tồn. Đơn cử với cây thông 2 lá dẹt, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích tính đa hình AND từ 57 mẫu lấy từ 6 quần thể, cho thấy loài này chủ yếu được tạo ra từ quần thể Cổng Trời 102 (Lạc Dương), mức độ đa hình thấp, giới hạn phân bố hẹp, tỷ lệ hạt lép cao, là loài được khuyến cáo đang trong quá trình tuyệt chủng. Việc bảo tồn gen thông 2 lá dẹt nên tập trung vào việc tăng sự đa dạng di truyền và kích thước quần thể, không chỉ bảo tồn tại chỗ các quần thể có số lượng cá thể nhỏ từ 10 - 30 cây trong rừng tự nhiên mà còn xây dựng các khu rừng trồng bảo tồn chuyển chỗ; các biện pháp kỹ thuật chọn giống truyền thống như lai giống có kiểm soát giữa các cá thể trong các quần thể khác biệt về mặt di truyền được quan tâm, thực hiện sớm. 

Việc xây dựng và lưu trữ nguồn gen tại các quần thụ tại chỗ và rừng trồng bảo tồn chuyển chỗ được Viện tiến hành với 111 nguồn gen của 76 loài, trong đó có 45 nguồn gen của 29 loài bản địa quý hiếm qua việc thu hái hạt giống, cây con và cành hom. Có 22,7 ha rừng trồng bảo tồn chuyển chỗ đã được xây dựng mới; thực hiện số hóa kho hạt giống và kiểm tra tỷ lệ nảy mầm định kỳ cho từng lô hạt giống; xây dựng 1 phòng tiêu bản hạt để lưu trữ các loài cây bản địa. Hàng năm đều tiến hành chăm sóc, bảo vệ và đánh giá 27,5 ha rừng trồng bảo tồn và các khu bảo tồn tại Lâm Đồng cho các loài: lim xanh, giáng hương quả to, gụ mật, chai lá cong, dầu song nàng, dầu đọt tím, bạch tùng, bách xanh, kiền kiền, dổi xanh, thông 5 lá, ươi. Các nguồn gen của các loài này đều sinh trưởng và phát triển tốt. 

Cũng theo TS. Phạm Trọng Nhân, do nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cây rừng tương đối phong phú, diễn ra tại nhiều địa điểm, vùng sinh thái, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau nên trong thời gian tới cần có sự phối hợp của các đơn vị nghiên cứu, các khu bảo tồn, vườn quốc gia, chủ rừng. Cần chú trọng hơn việc xây dựng các khu bảo tồn chuyển chỗ kết hợp với khảo nghiệm xuất xứ và hậu thế, đặc biệt là những loài cây nguy cấp và có giá trị kinh tế cao. Cần đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác bảo tồn, bảo quản, lưu giữ các nguồn gen một cách đồng bộ, tránh thất thoát, giảm chất lượng các nguồn gen sau khi thu thập. Đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong cải thiện nguồn gen các loài cây ưu tiên, bảo tồn đa dạng loài và đảm bảo hệ thống cung cấp các nguồn gen cây thuần hóa, cây con phục vụ nhu cầu trồng rừng sản xuất.

Nguồn: Báo Lao động.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh báo biến động rừng
cảnh báo biên động
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây