Thời gian gần đây các địa phương như Long An, Tây Ninh và một số tỉnh lân cận giáp biên giới với Campuchia xuất hiện nhiều người cắm cọc tre cao hơn 3m tạo thành hàng dài hơn 100m, sau đó lấy lưới cao 2 - 3m gắn vào rồi dùng loa phát âm thanh dụ chim yến đến rồi dùng lưới chụp bắt. Loại lưới này gọi là "tàng hình" do sợi nhỏ, treo lên cách mặt đất một mét, chim yến không nhìn thấy nên lao vào và dính bẫy. Tình trạng bẫy chim yến bằng lưới "tàng hình" thường nở rộ trong thời điểm mùa chim non ra ràng.
Ngoài bắt bằng lưới "tàng hình", nhiều thợ săn dùng lưới rộng 2m, dài 5m, hai đầu lưới buộc vào cây sào và được cố định với hai sợi dây trên mặt đất để lật qua, lật lại. Dưới đất, thợ săn dùng hai con yến làm mồi nhử, mở loa phát ra âm thanh dụ yến đến. Khi chim bay đến, thợ săn lật lưới chụp bắt. Một người chuyên bẫy chim yến cho biết, bắt chim yến vào 5 - 7 giờ và 17 - 18 giờ hàng ngày vì thời điểm này yến đi ăn nhiều. Chim yến thường đến các ruộng lúa có nhiều côn trùng như kiến cánh, ong, chuồn chuồn kim... để bắt mồi. Do không phát hiện được lưới của thợ săn, chim thường mắc vào và không cách nào thoát ra được.
Ông Đinh Viết Thuận, chủ đầu tư nhiều nhà yến tại Khánh Hòa và Đồng Nai, bức xúc: "Nạn săn bắt chim yến xuất hiện khắp nơi. Mỗi ngày, một người bẫy yến có thể bắt hàng trăm con, bán cho thương lái 5.000 đồng/con để phóng sinh, hoặc bán vào cho nhà hàng, quán nhậu. Lợi ích của họ không đáng bao nhiêu, nhưng gây thiệt hại đến môi trường tự nhiên và nhiều người khác".
Nguồn: Báo Thanh niên.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn