Theo kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng cho thấy việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp theo Quyết định 178 thi hành các Nghị định số 01/1995, số 135/2005 của Chính phủ trên địa bàn huyện Bảo Lâm để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng cần được làm rõ.
Bà Ka Phấn trình bày về việc có tên trong danh sách nhận khoán tại Tiểu khu 491 nhưng không được tham gia QLBVR |
• HƠN 28 HA RỪNG BIẾN MẤT
Báo cáo số 271 ngày 23/8/2022 của Sở NN-PTNT nêu rõ: Kết quả kiểm tra cho thấy, huyện Bảo Lâm có 2 chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Lâm và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri thực hiện việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp với tổng diện tích giao khoán theo hồ sơ là 591,71 ha/66 hộ gia đình, cá nhân theo các Nghị định 01, 135 và 168 (thay thế Quyết định 178) của Chính phủ. Mục đích khoán là trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), sản xuất nông - lâm kết hợp. Thời gian ký hợp đồng khoán từ năm 2003 đến năm 2017; trong đó, diện tích giao khoán tại Tiểu khu 491 (xã Lộc Nam), Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri là đơn vị chủ rừng.
Kết quả kiểm tra của Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho thấy, tổng diện tích rừng giao khoán trên địa bàn huyện Bảo Lâm bị mất là 28,24 ha. Cùng với đó, khai thác lâm sản trái phép gây thiệt hại hơn 2.077 m3 gỗ. Điều đáng nói, các bên giao khoán rừng, đất lâm nghiệp đã kiểm tra, phát hiện, ghi nhận diện tích rừng bị phá, khai thác trái phép nhưng không chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Ngoài ra, trong thời gian giao nhận khoán, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri đã đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng với diện tích hơn 163 ha.
Không chỉ để mất rừng, mà nhiều diện tích đất lâm nghiệp do các hộ nhận khoán cũng bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép. Đơn cử tại Tiểu khu 491 (xã Lộc Nam), nhiều diện tích đất lâm nghiệp giao khoán bị người dân lấn chiếm trồng các loại cây nông nghiệp như cà phê, cây ăn trái. Trong đó, có khoảng 10 ha đất lâm nghiệp, đất rừng đã được chuyển đổi cấp sổ đất nông nghiệp cho nhiều hộ dân. Cùng với đó, tại tiểu khu này, nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị sang nhượng qua tay trái pháp luật dẫn đến xảy ra tranh chấp kéo dài giữa các bên liên quan.
Hơn 1.257 ha rừng, đất lâm nghiệp thực hiện sai hoàn toàn hợp đồng giao khoán
Theo kết quả kiểm tra của Sở NN-PTNT Lâm Đồng: Tổng diện tích giao khoán theo các Nghị định số 01, 135 và 168 (thay thế Nghị định 178) của Chính phủ trên toàn địa bàn tỉnh đến nay là 2.923,33 ha/527 hộ gia đình, cá nhân nhận khoán thông qua 10 chủ rừng. Trong đó, diện tích có rừng 1.144,77 ha (rừng trồng 798,74 ha và rừng tự nhiên 346,03 ha), diện tích sản xuất nông nghiệp có trồng xen cây lâm nghiệp 433,55 ha; diện tích sản xuất nông nghiệp 1.105,16 ha; diện tích đất trống 175,14 ha và diện tích đất khác là 64,72 ha.
Về mục đích sử dụng theo hồ sơ giao khoán: Có 22 hộ gia đình, cá nhân/85,32 ha thực hiện đúng toàn bộ hợp đồng đã ký kết; 159 hộ gia đình, cá nhân/1.580,12 ha thực hiện đúng một phần nội dung hợp đồng đã ký kết; 346 hộ gia đình, cá nhân/1.257,89 ha thực hiện sai hoàn toàn hợp đồng giao khoán đã ký kết.
Như đã phân tích trong bài trước, hồ sơ giao khoán rừng, đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 491 cho 7 hộ dân do Ban Quản lý rừng Bảo Lâm lập khống sai quy định. Cùng với việc lập khống hồ sơ lấy các hộ dân trong danh sách nhận khoán làm “bình phong” để giao rừng, đất lâm nghiệp trái quy định cho doanh nghiệp thì có 3 hộ dân ở ngoài địa bàn xã Lộc Nam không thuộc đối tượng nhận khoán vẫn được cơ quan chức năng đưa vào danh sách nhận khoán. Theo tìm hiểu của chúng tôi, 2 trong 3 hộ này là người thân của chủ Công ty Phương Minh tại TP Bảo Lộc nên được đưa vào để hợp thức hóa hồ sơ.
Chính việc lập khống hồ sơ, giao khoán sai đối tượng là nguyên nhân dẫn đến việc đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép; đồng thời, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng sang nhượng đất rừng, đất lâm nghiệp trái pháp luật trục lợi bất chính.
• TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI?
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân sai phạm dẫn đến tình trạng mất đất lâm nghiệp, mất rừng là do chủ rừng tổ chức giao khoán rừng, đất lâm nghiệp không thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định. Trong quá trình xây dựng phương án, chủ rừng không lập hội đồng tư vấn giao khoán; một số hồ sơ không niêm yết công khai danh sách các trường hợp được giao khoán theo quy định. Sau khi giao khoán, chủ rừng buông lỏng quản lý trong một thời gian dài và công tác giao nhận hồ sơ khi chuyển giao giữa các thế hệ lãnh đạo của bên giao khoán còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm.
Nói về việc có tên trong danh sách nhận giao khoán tại Tiểu khu 419, bà Ka Phấn (ngụ tại Thôn 2, xã Lộc Nam) bất ngờ: “Vào năm 2006, tôi được xã gọi lên ký hồ sơ, nhưng vì không biết chữ nên tôi hỏi thì lãnh đạo xã nói ký để nhận giao khoán rừng. Vì không biết chữ nên lãnh đạo xã Lộc Nam bảo tôi lăn tay. Lăn tay xong, họ thu luôn hồ sơ nên tôi chẳng biết gì cả. Mang tiếng được giao khoán tới 16,5 ha rừng, đất lâm nghiệp nhưng có thấy gì đâu. Giờ vỡ lẽ mới biết, mình bị lừa, các quyền lợi liên quan thì không có”.
Qua kiểm tra, Sở NN-PTNT tỉnh nhận thấy, Ban Quản lý rừng Bảo Lâm (nay là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri) lưu trữ hồ sơ giao khoán chưa tốt, chưa khoa học dẫn đến bị thất lạc, thậm chí bị mất hồ sơ.
Đặc biệt, theo định kỳ và hàng năm, các cơ quan chức năng tại địa phương và bên giao khoán có kiểm tra, kiểm soát, tuy nhiên không phát hiện hoặc có phát hiện bên nhận khoán vi phạm hợp đồng khiến diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, mất rừng, khai thác rừng trái phép. Cùng với đó, trước tình trạng bên nhận khoán đơn phương chuyển nhượng hợp đồng cho bên thứ 3 (sang nhượng, ủy quyền, nhờ người đứng hộ tên trong hợp đồng giao khoán) nhưng đã không tiến hành ngay các biện pháp xử lý, ngăn chặn theo quy định.
Hầu hết những sai phạm nói trên đều xảy ra tại diện tích giao khoán 130 ha rừng, đất lâm nghiệp thuộc Tiểu khu 491 (xã Lộc Nam), đơn vị chủ rừng là Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đam B’ri.
Vậy trách nhiệm để xảy ra hàng loạt sai phạm nói trên thuộc về ai? Câu hỏi này cần được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn