Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


“Đỏ mắt” tìm nhân công trong ngành lâm nghiệp

Các đơn vị chủ rừng trên địa bàn Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc thuê nhân công để thực hiện công việc lâm nghiệp như: trực phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); trồng và chăm sóc rừng; quản lý bảo vệ rừng (QLBVR)… Lý do là đơn giá của UBND tỉnh ban hành từ năm 2020 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Hiện nay, các đơn vị chủ rừng gặp khó khăn trong thuê lao động. Trong ảnh: Nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc dọn dẹp thực bì nhằm ngăn ngừa phòng, chống cháy rừng. Ảnh: A.Nhơn

* Khó thuê nhân công vì tiền công thấp

Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc (H.Xuân Lộc) được giao quản lý hơn 10,3 ngàn ha diện tích rừng. Trong năm 2023, đơn vị đang triển khai thực hiện dự án trồng rừng thay thế với diện tích hơn 29ha. Tuy nhiên, đơn vị hiện gặp khó khăn vì giá nhân công vẫn phải áp dụng theo mức cũ của tỉnh nên rất khó để thực hiện. Thậm chí, nhiều công việc buộc nhân viên của đơn vị phải trực tiếp làm vì không có tiền để thuê nhân công.

Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc Hoàng Đình Long cho biết, đầu năm 2020, UBND tỉnh ban hành văn bản về phê duyệt đơn giá nhân công lao động để áp dụng xây dựng phương án PCCCR và QLBVR. Theo đó, đơn giá nhân công hợp đồng thuê khoán tại khu vực H.Xuân Lộc đối với việc phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa là 240 ngàn đồng/công/ngày; trực PCCCR, QLBVR là 220 ngàn đồng/công/ngày. Tuy nhiên, giá nhân công hiện nay tại địa phương tăng rất cao nên việc áp dụng đơn giá cũ là không còn phù hợp với tình hình thực tế và không thể thực hiện được.

Ông HOÀNG THANH TÚ (ngụ xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) cho rằng: “Hiện nay, chúng tôi làm công việc trồng, chăm sóc rừng và PCCCR rất vất vả, dãi nắng dầm mưa suốt ngày ngoài trời. Ngày công thực tế hiện nay trên địa bàn được trả 310 ngàn đồng với nữ và 330 ngàn đồng với nam. Do đó, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đưa ra đơn giá bình quân 320 ngàn đồng/công/ngày là rất phù hợp”. 

Chính vì lẽ trên, tháng 7-2022, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đã phối hợp các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát giá nhân công trên địa bàn. Qua khảo sát, đa số các nhân công đều cho rằng, đặc thù của công việc nặng nhọc, điều kiện làm việc hầu hết ở ngoài trời, cường độ lao động lớn, tổn hao nhiều sức lực, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người lao động. Do đó, nếu áp dụng mức giá cũ để trả cho nhiệm vụ trồng, chăm sóc rừng là không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và sẽ không có người lao động nào chấp nhận để làm việc. Vì vậy, đơn vị đã đề xuất đơn giá bình quân là 320 ngàn đồng/công/ngày.

 “Chúng tôi đã đề xuất đơn giá mới từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế nên rất khó thực hiện những công việc phải thuê mướn nhân công làm, nhất là công tác trồng rừng, PCCCR, QLBVR” - ông Long chia sẻ.

Giám đốc BQL rừng phòng hộ Tân Phú Nguyễn Lê Anh Tuấn cho hay, năm 2020, đơn giá nhân công hợp đồng thuê khoán đối với việc phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa là 240 ngàn đồng/công/ngày tại khu vực H.Định Quán và 220 ngàn đồng/công/ngày tại H.Tân Phú; trực PCCCR, QLBVR là 220 ngàn đồng/công/ngày tại H.Định Quán và 200 ngàn đồng/công/ ngày tại H.Tân Phú. Tuy nhiên, giá nhân công thị trường hiện nay tại địa phương cao hơn nhiều so với đơn giá của UBND tỉnh.

 “Chúng tôi mong muốn các sở, ngành xem xét và tham mưu UBND tỉnh để có sự điều chỉnh đơn giá thuê nhân công cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm giúp các đơn vị chủ rừng thuận lợi khi thực hiện các nhiệm vụ được giao” - ông Tuấn đề xuất.

* Tham mưu điều chỉnh đơn giá phù hợp thực tiễn

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho biết, ngày 9-1-2020, UBND tỉnh có ban hành văn bản về việc phê duyệt đơn giá nhân công lao động để xây dựng phương án PCCCR và QLBVR trên địa bàn tỉnh. Sau nhiều năm áp dụng, hiện đơn giá này đã không còn phù hợp.

Theo các đơn vị chủ rừng, đặc thù của các công việc như: phát dọn thực bì, làm đường ranh cản lửa, đào hố, lấp hố, chăm sóc, PCCCR, QLBVR… phải thực hiện bằng biện pháp thủ công, điều kiện làm việc ngoài trời, làm việc trong thời tiết nắng nóng; nơi làm việc cách xa khu dân cư, đường sá đi lại khó khăn, hiện trường thi công phức tạp vì địa hình là đồi núi. Việc thuê mướn lao động rất khó khăn do công việc có tính chất thời vụ, không ổn định.

Trong khi đó, tại một số địa bàn có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, mức thu nhập và đời sống của người dân cao nên giá nhân công thuê thấp sẽ khó tìm được người lao động.

Từ những đề xuất, kiến nghị của các đơn vị chủ rừng, tháng 3-2023, Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan họp thống nhất đề xuất điều chỉnh đơn giá nhân công lao động phổ thông để thực hiện các công việc trong lĩnh vực lâm nghiệp cho phù hợp với thực tiễn. Kết quả, các thành viên tham dự họp đều thống nhất với đơn giá nhân công hợp đồng thuê khoán mới để trình lên UBND tỉnh xem xét.

Cụ thể, việc phát dọn thực bì, làm đường ranh cản lửa, đào hố, lấp hố, chăm sóc... là 300 ngàn đồng/công/ngày vùng I (2 thành phố: Biên Hòa, Long Khánh và các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom); 280 ngàn đồng/công/ngày với vùng II (các huyện: Định Quán, Xuân Lộc, Thống Nhất) và  260 ngàn đồng/công/ngày với vùng III (các huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ). Còn công việc trực PCCCR, QLBVR là 280 ngàn đồng/công/ngày với vùng I; 260 ngàn đồng/công/ngày với vùng II và 240 ngàn đồng/công/ngày với vùng III.

“Việc huy động nhân lực có chất lượng cao về kỹ thuật lẫn sức khỏe thì đòi hỏi đơn giá phải tương xứng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan để thống nhất việc tham mưu UBND tỉnh trong việc điều chỉnh đơn giá để áp dụng vào thực tiễn cho phù hợp. Có như vậy mới giúp công tác PCCCR, công tác lâm sinh ngày càng tốt hơn” - ông Lê Văn Gọi chia sẻ. 

Nguồn: Báo Đồng Nai.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây