Chi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng

http://kiemlamldo.org.vn


Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Lâm Đồng

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24 của Trung ương về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy; triển khai thực hiện các kế hoạch cụ thể của UBND tỉnh, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng của Nhân dân đã tạo được những bước tiến bộ nhất định trong công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh. 

'Lãnh đạo tỉnh tham gia lễ phát động trồng cây xanh nhằm kêu gọi toàn dân hưởng ứng trồng cây, 
nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường'
Lãnh đạo tỉnh tham gia lễ phát động trồng cây xanh nhằm kêu gọi toàn dân hưởng ứng trồng cây, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường

• NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC 

Trước hết, phải nói đến sự chuyển biến về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân về vấn đề này đã được nâng lên rõ rệt sau 10 năm triển khai nhiều các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. 

Đối với công tác ứng phó với BĐKH, để triển khai có hiệu quả, tỉnh đã thực hiện lồng ghép các chỉ tiêu ứng phó BĐKH vào các quy hoạch, chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, lĩnh vực, địa phương theo quy định. Cũng chính từ đó, các cấp, các ngành, địa phương cũng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác này và thường xuyên tuyên truyền, tập huấn ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Kết quả là từ năm 2013 đến năm 2023, thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra đã giảm đáng kể qua từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2012 - 2017, thiên tai làm 31 người chết và đến giai đoạn 2018 - 2023, giảm còn 11 người chết.

Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên, tỉnh cũng đã triển khai Dự án tổng thể Hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2025 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án. Đến nay, đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được 7/12 huyện, thành phố. Và đang tiếp tục quản lý chặt chẽ tài nguyên rừng, siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và giảm thiểu tình trạng vi phạm, giảm thiệt hại tài nguyên rừng theo từng năm; triển khai thực hiện có hiệu quả việc trồng rừng, chăm sóc rừng trồng.

Tỉnh cũng đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng môi trường. Đặc biệt, phải nhắc đến là công tác thẩm định tác động môi trường trong quá trình phê duyệt, ra quyết định chủ trương, cấp phép hoạt động cho các dự án đầu tư trên các lĩnh vực. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, gắn với đảm bảo môi trường; tỉnh cũng chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường và hạn chế phát triển các nhóm ngành, nghề có nguy cơ làm ảnh hưởng đến môi trường bền vững; xử phạt nghiêm và rút giấy phép, không cấp phép đầu tư đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh, khai thác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai công tác thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Vì vậy, ý thức của người dân đã từng bước được nâng cao, một bộ phận người dân đã có ý thức tự thu gom rác thải bỏ đúng nơi quy định. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp đã xây dựng và đặt các bể thu gom rác tại đầu bờ ruộng canh tác. Tuy chưa thể giải quyết triệt để những tác nhân gây hại đến môi trường, nhưng từ năm 2014 đến nay, theo báo cáo của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh không phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới. Thực tế vẫn còn những cơ sở gây ô nhiễm môi trường đang tồn tại, nhưng chủ yếu là các cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ thuộc nhóm dịch vụ công ích. 

Liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, tỉnh cũng đã ban hành nhiều quy định nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quy định về quản lý tài nguyên và môi trường trên nhiều lĩnh vực và tổ chức thực hiện nghiêm, siết chặt công tác quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, đảm bảo cho sự phát triển bền vững; quản lý và tăng cường các hoạt động thẩm định, thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, về nguồn tài nguyên nước, khoáng sản…

Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh cũng đặc biệt chú trọng và nỗ lực nâng cao chất lượng nước, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch cho người dân nông thôn. Nỗ lực nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Tỉnh cũng đã dành các nguồn vốn đầu tư hệ thống nước sạch ở nông thôn. Tính đến nay, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 87,26%.

Môi trường tại các khu vực làng nghề và khu vực nông thôn cũng ngày càng chú trọng thực hiện và có dấu hiệu được cải thiện. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân cũng đã cải thiện rất nhiều về chất lượng vệ sinh môi trường sống, sinh hoạt. Chất lượng không khí trên phạm vi toàn tỉnh theo đánh giá hiện cũng ở mức tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm. 

• VẪN CÒN MỘT SỐ HẠN CHẾ 

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Lâm Đồng cũng đứng trước khó khăn thách thức do các vấn đề ô nhiễm và suy thoái chất lượng môi trường như nhiều nơi khác, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản, chế biến lâm sản, nông sản, canh tác nông nghiệp theo hướng công nghệ cao… Để khắc phục, cần sự nỗ lực, kiên định phấn đấu bền bỉ. Bởi vấn đề ứng phó với BĐKH, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững là lĩnh vực khá mới mẻ, phức tạp, trong khi đó thì nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Nhận thức của xã hội, cộng đồng dân cư về những vấn đề này dù được nâng lên một bước nhưng vẫn còn hạn chế nhất định, tính chủ động của mỗi cá nhân, cộng đồng vẫn còn chưa cao. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi chưa thường xuyên, quyết liệt và thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, chống ô nhiễm môi trường... Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều thuốc bảo vệ thực vật... Công tác ứng phó với BĐKH chưa thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực, nguồn lực đầu tư cho công tác ứng phó BĐKH chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Trong giai đoạn tới, tỉnh đặt ra những mục tiêu cụ thể, trong đó đặc biệt là phải phòng ngừa và kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao hơn nữa năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng công tác cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; tăng cường đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về xử lý môi trường; khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững;…

Nguồn: Báo Lâm Đồng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây