Chi Cục Kiểm Lâm Lâm ĐồngChi Cục Kiểm Lâm Lâm Đồng
''Nóng'' việc phá rừng ở Đông Thanh
Thứ tư - 18/11/2020 15:37
Trên địa bàn xã Đông Thanh và các xã thuộc khu vực Nam Ban hiện giá đất tăng cao, tạo nên “cơn sốt”, nhất là những nơi có view đẹp. Tình trạng mua bán đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) diễn ra nhiều nơi, thậm chí một số đối tượng còn ngang nhiên phá rừng, lấn chiếm đất rừng để mua bán, sang nhượng trái phép.
Phá rừng lấy đất làm view du lịch
Lực lượng Ban quản lý bảo vệ rừng Nam Ban - Ban QLRPH Lâm Hà vừa kiểm tra và phát hiện vụ phá rừng tại Lô c3, khoảnh 4, Tiểu khu 265. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, diện tích phát trắng khoảng 4.800 m2, còn lại phát luỗng 7.000 m2 . Ngoài ra, tại khu vực có khoảng 2.600 m2 đất lâm nghiệp có hiện trạng đất trống có cây bụi, chuối rừng bị các đối tượng phát dọn và 1 hầm khai thác cát đang hoạt động.
Trước mắt chúng tôi, cánh rừng rậm nguyên sinh bây giờ những gì còn lại chỉ là những gốc gỗ lớn, nhiều gốc vẫn còn đang ứa nhựa. Một số cây gỗ lớn đã bị cưa hạ, nhiều cây bị cưa ngang gốc dang dở, chỉ chờ một trận gió là ngã xuống. Trên mặt đất, thân gỗ, cành cây nằm ngang dọc, không hề có dấu hiệu bị vận chuyển đi.
Ông Chữ Minh Hiếu, Trạm trưởng Trạm QLBVR Nam Ban - Ban QLRPH Lâm Hà cho biết: Tất cả diện tích rừng bị phá trên thuộc phần đất lâm nghiệp do Ban QLRPH Lâm Hà quản lý, có vị trí nằm ven khe suối, do đó các đối tượng phá rừng với mục đích lấn chiếm đất, mua bán sang nhượng trái pháp luật.
Thủ đoạn phá rừng là thường thuê các băng nhóm đối tượng nghiện hút phá rừng vào ban đêm. Điều này khiến cho việc phát hiện bắt quả tang của đơn vị gặp vô vàn khó khăn.
Theo nhận định của ông Hiếu, vị trí phá rừng này nằm trên cao, có thác, có suối và có đường đi qua Khu du lịch hồ Tuyền Lâm, view nhìn xuống hồ Đông Thanh sắp được triển khai. Vì vây, rất có thể các đối tượng phá rừng để lấy đất làm du lịch hoặc sang nhượng lại với mục đích tương tự khác. Bởi, đất ở đây không thể sản xuất nông nghiệp vì là đất đá, địa hình hiểm trở, còn việc phá rừng lấy gỗ cũng loại trừ vì các đối tượng sau khi chặt phá cây cũng không có dấu hiệu vận chuyển gỗ đi.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Trạm đã báo với Ban QLRPH Lâm Hà để phối hợp với Hạt Kiểm lâm và các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra hiện trường, lập biên bản chuyển về Hạt Kiểm lâm Lâm Hà xác minh xử lý theo quy định. Đồng thời, Trạm cùng với chính quyền địa phương tăng cường lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, điều tra, nắm bắt thông tin, truy tìm đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước sự việc trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng tại Tiểu khu 265, xã Đông Thanh.
Đó chỉ là 1 trong nhiều trường hợp vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng ở Đông Thanh với mục đích là chiếm đất, chờ thời cơ sang nhượng.
Theo số liệu thống kê, xã Đông Thanh có diện tích đất lâm nghiệp 1.943,7 ha, trong đó đất có rừng 1.372,83 ha. Riêng diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm sản xuất nông nghiệp là 505 ha, còn lại là đất khác. Tỷ lệ che phủ rừng là 39,06%. Phần lớn diện tích đất bị lấn chiếm đã xảy ra từ rất lâu và người dân đã canh tác trên diện tích đó trong một thời gian dài.
Được biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của xã Đông Thanh đã giải tỏa được 4,4 ha đất lấn chiếm để trồng rừng. Trong thời gian đến, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục giải tỏa thêm 3,99 ha.
Đến “cơn sốt” đất giá ảo
Theo ghi nhận, thời gian gần đây, trên địa bàn xã Đông Thanh, tình trạng một số “cò đất” thông qua trên một số các trang tin mua bán bất động sản, rầm rộ đăng tin rao bán đất với nhiều lời mời gọi hấp dẫn.
Thử vào một trang web về mua bán đất trên mạng, kết quả có hàng trăm trang quảng cáo mua bán đất ở Đông Thanh. Theo đó, một lô đất có diện tích 2.700 m2, đường ô tô 4,5 m, đất thoải theo triền đồi, view mặt hồ đẹp giá 3,5 tỷ. Chủ nhân cũng không quên quảng cáo “đang” nằm trong khu đất có dự án khu du lịch sinh thái Hồ Đông Thanh. Liên hệ với người rao bán thì được quảng cáo thêm, có thể mua cả lô hoặc thích đất khu nào thì nào cắt riêng khu đó.
Ông Đinh Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết: Kể từ cuối năm 2018, khi Dự án Đầu tư hồ chứa nước Đông Thanh được phê duyệt, tình trạng mua bán đất nông nghiệp trở nên sốt ở địa phương. Các đối tượng “cò đất” với lời hứa hẹn có thể chuyển đổi mục đích đất sử dụng sang đất xây dựng đã làm cho nhiều người bỏ tiền ra mua đất với giá quá cao.
Không chỉ hứa hẹn, nhằm đưa người mua vào “ma trận” và “bẫy” được khách hàng, nhiều nơi rao bán đất view trên địa bàn xã Đông Thanh còn cung cấp thêm hình ảnh trực quan lô đất, trong đó có hệ thống đường bê tông được làm ngay ngắn chạy giữa những vườn bơ, cà phê. Có thể nói, việc bán đất không đúng với hiện trạng, đất nông nghiệp được mang ra phân lô bán nền như dự án là một thực tế đang diễn ra tại địa phương.
Theo ông Thế, nhận thấy việc mua bán diễn ra sôi động nên một số người dân địa phương đã bán cả đất ở và đất sản xuất. Phía chính quyền nghi ngờ giới “cò đất” đang dùng chiêu trò đẩy giá lên cao bất thường nhằm trục lợi.
Đặc biệt, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng có view đẹp đã và đang diễn ra tại địa phương. Thực tế, nhiều diện tích lấn chiếm đất rừng cũng được sang nhượng lén lút bằng hình thức sang tay. Việc làm này khiến chính quyền địa phương rất khó để phát hiện cũng như xử lý.
“Hiện chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền cho người dân biết để việc sang nhượng trái phép đất lâm nghiệp là vi phạm pháp luật, đồng thời thận trọng trong việc mua bán đất. Người dân không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất, ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài”, ông Thế cho hay.