PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, cho hay, thông hai lá dẹt là loài thông cổ, trên thế giới chỉ có độc nhất ở Việt Nam. Đây là loài thông đặc hữu của Việt Nam, được phát hiện tập trung ở Lâm Đồng và vùng phụ cận. Thông hai lá dẹt gặp ở độ cao 1.000 - 2.000 m, song thường mọc tập trung nhất trên độ cao 1.200 - 1.800 m. Thông hai lá dẹt sinh trưởng rất chậm, tăng trưởng về đường kính chỉ đạt khoảng 1 mm/năm, nếu cây có đường kính trên dưới 2 m thì tuổi cây có thể đạt tới cả nghìn năm.
Trong khi đó, Th.S Lê Cảnh Nam, nghiên cứu viên Viện Khoa học lâm nghiệp nam Trung bộ và Tây nguyên (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) cho hay thông hai lá dẹt là một loài cây cổ, quý hiếm, có từ thời kỳ khủng long. Kết quả điều tra đến nay cho thấy có khoảng trên 1.000 cây; trong đó số cây tập trung ở cấp kính lớn khoảng 40 cm trở lên là rất nhiều, còn những cây cấp kính cỡ 10 - 15 cm thuộc thế hệ trung gian thì rất ít. “Thông hai lá dẹt rất có giá trị khoa học, vì quý hiếm và chỉ có duy nhất ở Việt Nam nên được sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Gần đây, các nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu thông qua vòng năm cây rừng, đã tập trung vào loài cây này để nghiên cứu nhằm xác lập, tìm hiểu lịch sử khí hậu ở khu vực trong vài trăm năm trước đây”, Th.S Nam thông tin.
Lá của cây thông hai lá dẹt còn nhỏ
Theo Sách đỏ Việt Nam, thông hai lá dẹt được xếp vào cấp 5 - sẽ nguy cấp (có thể bị đe dọa tuyệt chủng), trong khi đó theo tiêu chuẩn IUCN thì loài này được xếp vào cấp EN - nguy cấp. PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa cho hay đây là loài có giá trị rất cao về phương diện khoa học, một nguồn gien cây lá kim độc nhất chỉ có ở Việt Nam và hiện đang đứng trước nguy cơ đe dọa bởi rừng tự nhiên bị suy thoái, một số cây thông hai lá dẹt bị mất môi trường sinh sống tối ưu, bị chết trụi; nhiều cây quá già cũng tự đổ gãy. Hơn nữa các quần thể thông hai lá dẹt hiện có kích thước nhỏ với số lượng cá thể trưởng thành thấp (dưới 100 cây/quần thể), phân bố rất rải rác và bị chia cắt bởi địa hình núi cao, do vậy đa dạng di truyền của một số quần thể là thấp.
Cùng quan điểm, Th.S Lê Cảnh Nam cũng cho hay, nguy cơ đe dọa tuyệt chủng loài này là rất lớn. “Cho đến nay cũng có một vài nghiên cứu về bảo tồn, tuy nhiên các đề tài thực hiện ở quy mô rất nhỏ. Từng có một nghiên cứu về cây lá kim ở VQG Bidoup Núi Bà và VQG đã xây dựng được mô hình bảo tồn nội vi tại vườn với diện tích 1 ha. Tỷ lệ sống sau khi trồng 1 tháng khá cao, với trên 95%; tuy nhiên sau 1 năm thì tỷ lệ sống lại giảm xuống chỉ còn trên 51%, điều này cho thấy để duy trì được việc bảo tồn thì còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu”, Th.S Nam cho biết.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Nghĩa cho rằng việc bảo tồn loài cây này thì bảo tồn tại chỗ (in situ) là biện pháp hữu hiệu nhất vì nó duy trì hệ sinh thái phù hợp với điều kiện sống hiện tại của loài. Bên cạnh đó, do những khó khăn về tái sinh tự nhiên liên tục trong rừng già nguyên sinh, nên bảo tồn chuyển chỗ (ex situ) cũng đóng một vai trò không nhỏ. Ngoài ra, cũng cần tiến hành các nghiên cứu cơ bản về di truyền học cho toàn bộ các khu phân bố để xác định chính xác các khu vực cần quy hoạch cho bảo tồn loài cây quý hiếm này.
Nguồn: http://tapchimoitruong.vn/thien-nhien-va-moi-truong-viet-nam-85/C%E1%BA%A7n-b%E1%BA%A3o-t%E1%BB%93n-lo%C3%A0i-th%C3%B4ng-hai-l%C3%A1-d%E1%BA%B9t-trong-r%E1%BB%ABng-Bidoup-21375.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn