Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Dựa vào dân để nâng cao hiệu quả giữ rừng

Thứ tư - 12/07/2023 22:19

Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, Lạc Dương thời gian qua đã chú trọng quản lý rừng dựa vào dân, dựa vào cộng đồng. Ngoài việc triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nhận khoán, Ban còn tổ chức tốt việc giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng, lựa chọn những người có uy tín, có ý thức trách nhiệm để làm tổ trưởng các tổ bảo vệ rừng và thường xuyên giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các hộ, đơn vị nhận khoán.

 
Cán bộ Ban Quản lý, bảo vệ Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim triển khai kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng cho các hộ nhận khoán
Cán bộ Ban Quản lý, bảo vệ Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim triển khai kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng cho các hộ nhận khoán

BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim hiện đang quản lý 40.825,3 ha/50 tiểu khu, nằm trên địa bàn 5 xã và 1 thị trấn của huyện Lạc Dương, trong đó, đất rừng phòng hộ xung yếu 23.176,20 ha; đất rừng sản xuất 17.516,6 ha; diện tích đất có rừng ngoài lâm nghiệp 132,50 ha. Với địa bàn trải rộng, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thời gian qua, BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã chú trọng quản lý rừng dựa vào dân, vào cộng đồng, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng để triển khai công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Ban đã tiến hành giao khoán cho 1.497 hộ dân và 7 đơn vị tập tập thể với diện tích hơn 37.644 ha. Từ đó chủ động phối hợp với các đơn vị, tổ nhận khoán, các hộ dân sống gần rừng triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, đơn vị còn lồng ghép tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng, lợi ích thiết thực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến hộ nhận khoán và người dân trong vùng để người dân hiểu, nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của rừng đối với cuộc sống. Đặc biệt, BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã lựa chọn những người có uy tín, có ý thức trách nhiệm để làm tổ trưởng các tổ bảo vệ rừng.

Ông Đinh Hữu Đạo - Phó Trưởng BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết: Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hàng năm, Ban đã triển khai việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân tại địa phương. Hiện, đơn vị đã tiến hành giao khoán hơn 37.644 ha/1.497 hộ dân và 7 đơn vị tập tập thể. Mặc dù nguồn thu nhập từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng không quá cao nhưng khoản thu nhập này đã góp phần động viên, tăng thu nhập cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã cấp phát tiền công nhận khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân và đơn vị tập thể với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Cùng với việc thực hiện tốt và kịp thời chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã gắn trách nhiệm của các hộ nhận khoán với các hoạt động về tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, luôn bám sát địa bàn, chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Có thể nói rằng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là nguồn động viên tích cực cho người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Ha Diêu - xã Đa Nhim, một hộ nhận khoán chia sẻ: “Được Nhà nước giao rừng để bảo vệ, nhận được tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nên chúng tôi rất vui. Không chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình, bảo vệ tốt phần rừng được giao mà còn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở con em, bà con không được phá rừng, không được đi đốt nương rẫy, như vậy là vi phạm pháp luật. Hàng tuần, hàng tháng, chúng tôi phối hợp cùng với các hộ nhận khoán khác, cùng BQL để tổ chức đi tuần tra. Ngoài ra, quá trình canh tác nông nghiệp, quan sát hàng ngày, nếu phát hiện rừng bị xâm hại, tác động, chặt phá... chúng tôi đều báo cán bộ, báo Ban để kịp thời ngăn chặn, xử lý”.

Để nâng cao nhận thức của các hộ nhận khoán cũng như của người dân, đặc biệt là người dân sống gần rừng, BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể hàng năm để làm căn cứ triển khai thực hiện; trong đó, chú trọng đến các hoạt động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy, chữa cháy đến mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ban đã tổ chức tuyên truyền tập trung, lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các buổi tuần tra, kiểm tra rừng, họp định kỳ theo từng tổ, các buổi họp thôn, xóm... để người dân biết, nắm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, tố giác đối với những đối tượng có hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Ngoài ra, các trạm quản lý, bảo vệ rừng đã lồng ghép nội dung tuyên truyền về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho các hộ nhận khoán thông qua các buổi họp định kỳ, các buổi họp thôn, xóm...

Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim là một trong những đơn vị thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, quá trình triển khai thể hiện rõ được mục tiêu đó là gắn trách nhiệm của người dân vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, từ đó tạo sinh kế cho người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của họ đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Nguồn: Báo Lâm Đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây