Đề án Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Đề án) đang được các sở, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện.
Việc di dời nhà kính ra khỏi khu vực nội ô Đà Lạt theo kế hoạch đang gặp nhiều vướng mắc |
Tuy nhiên, do mới qua 10 tháng triển khai, Đề án có độ phức tạp cao, liên quan tới nhiều lĩnh vực, tác động không nhỏ tới đời sống của người dân nên các đơn vị, địa phương đang gặp nhiều vướng mắc khi khảo sát nhu cầu thực tế việc di dời nhà kính ra khỏi khu vực nội ô TP Đà Lạt.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có buổi làm việc với Hiệp hội Hoa Đà Lạt về nội dung đơn vị này đề nghị điều chỉnh một số mục tiêu trong Quyết định số 178 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, Đề án cần có thời gian đánh giá nhiều mặt nên đề nghị UBND tỉnh giao Sở tiếp tục phối hợp cùng các địa phương triển khai thực hiện Đề án và tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả một năm thực hiện Đề án (dự kiến vào đầu năm 2024) trên cơ sở đó tổng hợp ý kiến, báo cáo tham mưu đề xuất UBND tỉnh nếu phù hợp.
Theo đó, Hiệp hội Hoa Đà Lạt đề nghị bổ sung thêm chính sách, giải pháp liên quan về việc hỗ trợ kinh phí cho nông dân thực hiện các mô hình Farmstay, du lịch canh nông, du lịch sinh thái và đào tạo nghề về du lịch, dịch vụ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trước đó UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6195 ngày 18/7/2023 triển khai thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh; trong đó, kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện chương trình là trên 14,5 tỷ đồng. Ngoài ra, để thực hiện Quyết định số 933 ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế tạm thời về đầu tư và quản lý hoạt động kinh doanh du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho các cơ sở du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh.
Riêng đối với nội dung quan trọng về hỗ trợ người dân di dời, tháo dỡ nhà kính nội ô, đầu tháng 10/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã làm việc với hai ngân hàng để xây dựng gói tín dụng riêng nhằm hỗ trợ vốn vay cho các tổ chức, cá nhân hộ gia đình thực hiện cải tạo, chỉnh trang, di dời nhà kính đạt tiêu chuẩn.
Để Đề án đạt mục tiêu đến năm 2025 diện tích nhà kính giảm 20% so với hiện trạng năm 2022 và đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP Đà Lạt, cơ quan chức năng dự kiến cần khoảng 4.820 tỷ đồng để cải tạo, di dời, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời. Trong đó, giai đoạn 2023-2025 nhu cầu kinh phí 964 tỷ đồng. Việc chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời với diện tích khoảng 2.500 ha thì cần khoảng 710 tỷ đồng. Trong đó, cây rau 200 tỷ đồng và cây hoa 510 tỷ đồng, riêng trong giai đoạn 2023-2025, nhu cầu vốn 142 tỷ đồng để hỗ trợ cho 500 ha (tương đương với 20% diện tích nhà kính nội ô TP Đà Lạt).
Tuy nhiên, về gói tín dụng ưu đãi lãi suất áp dụng riêng trên địa bàn Lâm Đồng, theo đại diện Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng thông tin trong buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, không thể thực hiện được do đơn vị này hoạt động kinh doanh trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Việc đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất áp dụng riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phải có chủ trương của Agribank Việt Nam. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Lâm Đồng cho rằng, việc xây dựng các chính sách tín dụng phải do hội sở các ngân hàng thương mại thực hiện và triển khai trong phạm vi toàn quốc hoặc khu vực. Chính vì vậy, hai đơn vị nêu trên không thể xây dựng được gói tín dụng phục vụ vay vốn ưu đãi áp dụng riêng trên địa bàn tỉnh để thực hiện Đề án.
Còn theo báo cáo từ UBND TP Đà Lạt, hiện trạng nhà kính trên địa bàn thành phố đến cuối năm 2022 là 2.907,26 ha. Nhằm triển khai Đề án theo Quyết định 178 của UBND tỉnh, thành phố đang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để quản lý, kiểm soát nhà kính tại các khu vực nội ô theo hướng giảm dần hiện trạng nhà kính đến năm 2025. Cụ thể, kế hoạch đặt ra hết năm 2023, diện tích nhà kính giảm còn 95% so với hiện trạng năm 2022; Năm 2024, diện tích nhà kính giảm còn 90% so với hiện trạng năm 2022; Năm 2025, diện tích nhà kính giảm còn 81% so với hiện trạng năm 2022; đến năm 2030, giảm dần không còn diện tích nhà kính tại nội ô. Diện tích nhà kính giảm còn 18% so với hiện trạng năm 2022 (tương đương diện tích 548,67 ha). Đối với địa bàn các xã, sẽ khống chế diện tích nhà kính không quá 20% trên tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp.
TP Đà Lạt cũng gặp rất nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án. Để tháo gỡ khó khăn, địa phương đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật nhà kính, quy chế quản lý nhà kính để làm cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng quy định và Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn các quy định, quy trình, thủ tục, quản lý xây dựng nhà kính để làm cơ sở áp dụng triển khai.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn