Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Tái tạo rừng, giữ không khí lạnh cho Đà Lạt

Thứ hai - 20/11/2023 05:27

Dù là rừng cảnh quan hay rừng phòng hộ; rừng tự nhiên hay rừng trồng, tất cả đều có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển du lịch Đà Lạt. Những cánh rừng bạt ngàn đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ không khí trong lành, mát mẻ.

Trẻ em khám phá hệ sinh thái Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà - Ảnh: MAI VINH

Trẻ em khám phá hệ sinh thái Vườn quốc gia Bidoup - núi Bà - Ảnh: MAI VINH

Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lâm Viên (Lang Biang) ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển. Không khí ở Đà Lạt mát lạnh và ít ẩm. Do đặc thù địa hình và khí hậu này, Đà Lạt nhanh chóng trở thành điểm du lịch nổi tiếng cả nước kể từ khi hình thành và phát triển. Sự nổi tiếng đến từ không khí lạnh và cảnh quan thơ mộng, hữu tình.

Ưu thế khí hậu lạnh của Đà Lạt

Theo tôi, yếu tố chính mà du khách thích nhất khi đến Đà Lạt bất kỳ dịp nào trong năm, là được hưởng thụ, cảm nhận không khí mát lạnh ở nơi này. Đây là loại "đặc sản" mà hiếm nơi nào trong cả nước có được. 

Xét về thắng cảnh đẹp, Đà Lạt không có các danh thắng nổi tiếng Việt Nam và thế giới như: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, động Sơn Đoòng (Quảng Bình); quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)… Đà Lạt cũng không có loại hình du lịch trải nghiệm như: phố cổ Hội An (Quảng Nam), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)…

Vậy tại sao Đà Lạt không tận dụng ưu thế khí hậu để phát triển du lịch?

Nên làm gì để tái tạo không khí lạnh cho Đà Lạt?

Rừng thông ở nội ô Đà Lạt là không gian gắn liền với hoạt động thể thao kết hợp du lịch - Ảnh: MAI VINH

Rừng thông ở nội ô Đà Lạt là không gian gắn liền với hoạt động thể thao kết hợp du lịch - Ảnh: MAI VINH

Để giữ gìn không khí lạnh ở Đà Lạt, là cần làm hai việc: tái tạo rừng và tái tạo hồ, thác, suối.

- Tái tạo rừng: Phải bằng mọi cách phát triển trở lại diện tích rừng ở Đà Lạt, đặc biệt là rừng thông. Đặc điểm đô thị trong rừng và rừng trong đô thị như ở Đà Lạt là rất hiếm có.

Dù là rừng cảnh quan hay rừng phòng hộ, rừng tự nhiên hay rừng trồng, tất cả đều có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển du lịch Đà Lạt. Những cánh rừng bạt ngàn đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ không khí trong lành, mát mẻ cho Đà Lạt.

Việc tái tạo rừng còn có ý nghĩa chống sạt lở. Lụt lội bắt đầu xuất hiện ở Đà Lạt trong vài năm gần đây. Điều này làm cho những ai từng đặt chân đến Đà Lạt đều xót xa cho thành phố xinh đẹp, thơ mộng này.

Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển. Nhưng đô thị hóa không có nghĩa là phá rừng, chặt hạ cây xanh. 

Theo tìm hiểu, năm 2008, Đà Lạt có diện tích tự nhiên là 39.106 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 25.646 ha với tỉ lệ 73,9% (1). Năm 2020, Đà Lạt thông báo kết quả tổng diện tích có rừng là trên 20.117 ha, trong đó rừng tự nhiên trên 14.640 ha, rừng trồng đã thành rừng trên 5.471 ha, rừng trồng chưa thành rừng là 4,55 ha, độ che phủ rừng toàn thành phố Đà Lạt là 51% (2). Con số khiến cho ai quan tâm đến phát triển rừng ở Đà Lạt đều cảm thấy buồn.

- Tái tạo hồ, thác, suối: Đà Lạt là đô thị không chỉ nổi tiếng về rừng, mà còn nổi tiếng về nhiều hồ, thác, suối. Cho dù các thác, suối thường cạn kiệt vào mùa khô, ào ạt vào mùa mưa nhưng chúng luôn góp phần tạo cảnh quan đẹp, đồng thời có ý nghĩa điều hòa không khí. 

Du khách rất thích làn gió mát lạnh từ các thác nước, mặt hồ thoáng đãng, thơ mộng đáng yêu ở Đà Lạt. Chưa kể đến, các hồ còn đóng vai trò giảm bớt ngập lụt cho Đà Lạt trong những trận mưa lớn.

Nhưng thực tế, một số hồ đang bị bồi lắng nên diện tích hồ bị thu hẹp dần (như hồ Than Thở), hay bị biến mất hoàn toàn (như hồ Vạn Kiếp). Hồ Tuyền Lâm thì bị rác thải, nước thải gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường…

Không thể phủ nhận, biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng chung trên toàn thế giới. Những điểm mát nhất trên thế giới cũng bị ảnh hưởng, thời tiết nóng dần lên. Nhưng nói như thế, không phải để chúng ta đổ thừa hoàn toàn cho sự nóng dần lên ở Đà Lạt là do biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu!

Đà Lạt phải góp phần làm chậm lại sự nóng lên của khí hậu. Chính quyền Đà Lạt phải thực sự tâm huyết với việc tái tạo rừng và tái tạo hồ, thác, suối.

Phát triển du lịch Đà Lạt bền vững phải dựa trên tổng hòa nhiều yếu tố như: khí hậu, cảnh quan, dịch vụ, con người. Theo tôi, khí hậu - cụ thể là không khí lạnh - phải là trụ cột, bởi đó là nét đặc trưng riêng của Đà Lạt. 

Một con số tham khảo, từ năm 1989 - 2000 nhiệt độ trung bình nhiều năm ở Đà Lạt là 17,8 độ C; từ năm 2001 - 2009 nhiệt độ trung bình nhiều năm là 18,0 độ C; từ năm 2010 - 2019 nhiệt độ trung bình nhiều năm là 18,5 độ C (3). Có nghĩa là 30 năm qua, nhiệt độ trung bình nhiều năm ở Đà Lạt tăng gần 1 độ C. Dữ liệu này có thể không chính xác tuyệt đối và còn nhiều nguồn dữ liệu khác, nhưng cũng là con số đáng suy nghĩ.

Làm du lịch phải có sự khác biệt ở các điểm đến. Cụ thể ở Đà Lạt là không khí lạnh. Chứ phát triển du lịch mà Đà Lạt không có nét riêng của mình thì Đà Lạt không còn thú vị.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây