Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Đề xuất sửa đổi quy định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng

Thứ sáu - 26/04/2024 21:23

(Chinhphu.vn) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

 
Đề xuất sửa đổi quy định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng- Ảnh 1.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi quy định về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được xây dựng dựa trên nguyên tắc cơ bản và nội dung của Luật Lâm nghiệp năm 2017. Trong hơn 5 năm (2019-2024) thực hiện, Nghị định số 01/2019/NĐ-CP đã đáp ứng yêu cầu về hoạt động, hệ thống tổ chức của Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy và chữa cháy rừng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị định số 01/2019/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung một số nội dung. Cụ thể:

Về chức năng, nhiệm vụ của Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2017, thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ở cấp tỉnh đã sáp nhập Chi cục phát triển lâm nghiệp vào Chi cục Kiểm lâm; sau khi sáp nhập Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ về lâm nghiệp trên địa bàn, bao gồm: quản lý rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, sử dụng rừng, phát triển rừng, quản lý chế biến và thương mại lâm sản. Tuy nhiên, Nghị định số 01/2019/NĐ-CP chưa quy định Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ về sử dụng rừng, phát triển rừng, quản lý chế biến và thương mại lâm sản; do vậy cần quy định bổ sung các nhiệm vụ này cho phù hợp với thực tiễn hiện nay đang thực hiện.

Kiểm lâm địa bàn có vai trò quan trọng trong việc triển khai các nhiệm vụ về lâm nghiệp ở cơ sở, giúp chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn, là lực lượng trực tiếp bám dân, bám rừng, bảo vệ rừng tận gốc, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng. Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, tại Nghị định số 119/2006/NĐ-CP đã có một điều quy định về nhiệm vụ của Kiểm lâm địa bàn, đây là cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện; hiện nay toàn quốc đang có 4.135 biên chế Kiểm lâm đang được phân công về địa bàn xã để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP chưa quy định về nhiệm vụ của Kiểm lâm địa bàn; do vậy cần thiết sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở cho các địa phương tổ chức thực hiện.

Về tổ chức, biên chế Kiểm lâm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, về tổ chức, ở trung ương, Cục Kiểm lâm thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (từ ngày 15/01/2023 thuộc Bộ theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 105/2022/NĐ-CP), có 4 Chi cục Kiểm lâm vùng và 6 Vườn Quốc gia trực thuộc, trong đó có 6 Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng thuộc 6 Vườn Quốc gia.

Ở địa phương, hiện nay có 59 Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh (tỉnh Tiền Giang đã giải thể Chi cục Kiểm lâm; các tỉnh Vĩnh Long, Hà Nam, Cần Thơ đã sáp nhập Chi cục Kiểm lâm vào các chi cục khác thuộc sở); có 440 Hạt Kiểm lâm cấp huyện (trong đó có 72 Hạt Kiểm lâm liên huyện).

Về tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng

Hiện nay toàn quốc đang có trên 2,2 triệu ha rừng đặc dụng, để bảo vệ hệ thống rừng đặc dụng này, nhiều năm qua ngành lâm nghiệp đã thiết lập được hệ thống tổ chức quản lý với 167 khu rừng đặc dụng (34 Vườn quốc gia, 56 khu dự trữ thiên nhiên và 77 khu rừng đặc dụng khác). Thực hiện Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về Tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng, đến năm 2019 cả nước đã tổ chức được 69 Hạt Kiểm lâm trong khu rừng đặc dụng và trực thuộc Ban quản lý rừng, trong đó có 34 Hạt Kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia và 35 Hạt Kiểm lâm thuộc các Khu bảo tồn thiên nhiên khác.

Sau khi thực hiện Nghị định số 117/2010/NĐ-CP, hệ thống tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng này đã ổn định và luôn gắn với Ban quản lý rừng, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc đồng thời là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP; do vậy công tác chỉ đạo, điều hành thông suốt, hiệu quả, thống nhất một đầu mối; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với Kiểm lâm được bảo đảm.

Sau khi Luật Lâm nghiệp được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, đã bãi bỏ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP; đồng thời ban hành Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thay thế Nghị định số 119/2006/NĐ-CP về Tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 01/2019/NĐ-CP: "Kiểm lâm rừng đặc dụng, Kiểm lâm rừng phòng hộ là tổ chức hành chính, thuộc Kiểm lâm trung ương đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do trung ương quản lý; thuộc Kiểm lâm cấp tỉnh đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương quản lý", nhằm mục đính thống nhất tổ chức Kiểm lâm thành một đầu mối.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, cụ thể như: Việc tách Hạt Kiểm lâm khỏi Ban quản lý rừng về thuộc Kiểm lâm trung ương hoặc Kiểm lâm cấp tỉnh gặp khó khăn do phát sinh thêm tổ chức hành chính, trong khi đó lại không có chỉ tiêu biên chế công chức để thực hiện; công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp bảo vệ rừng cũng gặp nhiều bất cập như đùn đẩy trách nhiệm giữa chủ rừng và Kiểm lâm; không gắn liền trách nhiệm và quyền lợi giữa Ban quản lý rừng và Kiểm lâm...

Từ những bất cập trên, từ khi thực hiện Nghị định 01/2019/NĐ-CP đến nay có 26 Hạt Kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng giải thể để chuyển sang Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; tuy nhiên sau khi giải thể tổ chức Kiểm lâm chuyển sang Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thì công tác bảo vệ rừng không hiệu quả, do thẩm quyền bị hạn chế, không được trang bị vũ khí, không được trang bị đồng phục Kiểm lâm, không còn được hưởng chế độ thâm niên nghề, ưu đãi nghề, thu nhập của người lao động sụt giảm nhiều, do vậy từ năm 2020 đến 2022 đã có 740 viên chức Kiểm lâm và 1.400 bảo vệ rừng chuyên trách xin nghỉ việc, bỏ việc.

Về biên chế Kiểm lâm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng biên chế Kiểm lâm toàn quốc là: 11.052 người (công chức 8.054, viên chức 2.061, hợp đồng 937). Biên chế Kiểm lâm hiện nay đang tồn tại 2 loại hình là công chức Kiểm lâm và viên chức Kiểm lâm; trong đó có cả viên chức trong cơ quan hành chính và công chức trong đơn vị sự nghiệp; hiện đang có 723 viên chức thuộc Chi cục Kiểm lâm, 247 công chức thuộc Ban quản lý rừng, (trong đó có một số tỉnh biên chế viên chức thuộc Chi cục Kiểm lâm có số lượng lớn, chiếm khoảng 50% trong tổng số biên chế, như: Chi cục Kiểm lâm Cà Mau có 110 viên chức/166 biên chế, Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi có 70 viên chức/175 biên chế, Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang có 17 viên chức/25 biên chế..., trong khi đó nhiều Ban quản lý rừng thuộc đơn vị sự nghiệp lại có rất nhiều công chức Kiểm lâm như: Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà có 57 công chức/68 biên chế, Vườn Quốc gia Pù Mát có 34 công chức/70 biên chế, Vườn Quốc gia Hoàng Liên có 47 công chức/55 biên chế, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu có 22 công chức/42 biên chế...).

Thực trạng biên chế công chức trong đơn vị sự nghiệp, viên chức trong cơ quan hành chính của Kiểm lâm đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết được do không có chỉ tiêu biên chế công chức để chuyển số viên chức sang công chức, trong khi lực lượng Kiểm lâm đang thiếu hụt biên chế, cần thiết tiếp tục duy trì số biên chế viên chức này để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và các nhiệm vụ chuyên môn khác, và thực tiễn vẫn hoạt động bình thường; công chức được sắp sếp làm việc tại các vị trí thực hiện chức năng quản lý nhà nước, bảo đảm chấp hành pháp luật, viên chức được sắp xếp vào các vị trí thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Xuất phát từ những tồn tại, bất cập trên cần thiết sửa đổi bổ sung về tổ chức Kiểm lâm rừng đặc dụng, phòng hộ theo hướng "Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ" cho thống nhất một đầu mối, tránh chồng chéo, gắn kết trách nhiệm, quyền lợi, ổn định về tổ chức, ổn định tâm lý, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng. Đồng thời xác định mô hình tổ chức Kiểm lâm có cả công chức, viên chức; công chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, nhằm duy trì ổn định lực lượng bảo vệ rừng, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước.

Xuất phát từ những vấn đề trên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP là cần thiết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Trong đó, Bộ đề xuất sửa đổi một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm lâm trung ương; Kiểm lâm cấp tỉnh; Kiểm lâm cấp huyện; Kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; công chức, viên chức Kiểm lâm; tổ chức kiểm lâm…

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn: Báo Chính phủ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây