Ngày 4/5, thông tin mà phóng viên có được, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xem xét đề nghị của Sở NNPTNT về việc bố trí nguồn kinh phí chi trả cho hợp đồng lao động làm nhiệm vụ lái xe tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Hạt kiểm lâm một số huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo báo cáo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh có 17 hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ. Trong đó có 16 hợp đồng làm nhiệm vụ lái xe (4 người thuộc Chi cục Kiểm lâm, 12 người thuộc Hạt Kiểm lâm các huyện và thành phố).
Trong năm 2022 và năm 2023, Chi cục Kiểm lâm và các Hạt Kiểm lâm cấp huyện đã được cấp kinh phí từ ngân sách tỉnh, huyện/thành phố để thực hiện chi trả lương và các chế độ chính sách có liên quan cho các lái xe nêu trên.
Trong năm 2024, Chi cục Kiểm lâm và 8 Hạt Kiểm lâm cấp huyện, thành phố là Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Đạ Huoai, Đức Trọng, TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc đã được cấp kinh phí chi trả lương cho các lái xe từ ngân sách huyện. Tuy nhiên, 4 Hạt Kiểm lâm cấp huyện còn lại là Đơn Dương, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên chưa được cấp kinh phí nên các đơn vị không thể thực hiện chi trả lương và các chế độ, chính sách có liên quan cho người lao động.
Chính vì vậy, Sở NNPTNT tỉnh đã có văn bản gửi Sở Tài chính về việc cấp kinh phí để chi trả tiền lương và các chế độ, chính sách có liên quan cho lái xe đang hợp đồng làm việc tại Chi cục Kiểm Lâm, các Hạt Kiểm lâm. Tuy nhiên, theo Sở Tài chính tỉnh, hợp đồng lái xe tại các Hạt Kiểm lâm không thuộc biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nên không có cơ sở tham mưu cấp thẩm quyền nguồn kinh phí chi trả tiền lương và các chế độ, chính sách có liên quan cho nhân viên lái xe hợp đồng lao động tại các Hạt Kiểm lâm cấp huyện.
Như vậy, trong năm 2024, địa phương chưa thể bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh để chi trả tiền lương và các chế độ, chính sách có liên quan cho nhân viên lái xe hợp đồng lao động tại Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm cấp huyện. Hiện có 8 Hạt đã được UBND các huyện cấp kinh phí từ ngân sách huyện, còn lại 4 Hạt Kiểm lâm cấp huyện còn lại là Đơn Dương, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên chưa được cấp kinh phí dẫn đến rất nhiều khó khăn trong chi trả lương cho người lao động.
Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, Chi cục Kiểm lâm và các Hạt Kiểm lâm được trang bị 15 xe ô tô phục vụ cho công tác tuần tra, truy quét, quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong khi đó, phần lớn các lái xe tại các đơn vị đã gắn bó lâu năm với lực lượng kiểm lâm (từ năm 2000 đến nay), có nhiều kinh nghiệm hoạt động trong điều kiện rừng, núi có địa hình phức tạp, nguy hiểm (như lái xe thuộc các Hạt Kiểm lâm: Lâm Hà, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đà Lạt, Lạc Dương…).
Hơn nữa, trước tình hình biên chế công chức kiểm lâm hằng năm đều phải thực hiện cắt giảm, thì các hợp đồng lao động này vừa làm nhiệm vụ lái xe vừa tham gia hỗ trợ cho công chức kiểm lâm trong việc nắm bắt tin tức, cùng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, truy quét, phòng cháy chữa cháy rừng. Như vậy, với đặc thù của ngành kiểm lâm, việc hợp đồng lao động làm nhiệm vụ lái xe để vận hành các phương tiện được trang bị phục vụ công tác tuần tra, truy quét, quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng là thực sự cần thiết và cấp bách.
Vì vậy, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND các huyện Đơn Dương, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách huyện năm 2024 chi trả tiền lương và các chế độ, chính sách có liên quan cho nhân viên lái xe hợp đồng lao động tại Hạt Kiểm lâm trên địa bàn huyện để tháo gỡ khó khăn về kinh phí năm 2024.
Bên cạnh đó, Sở NNPTNT kiến nghị tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương xem xét khả năng cân đối nguồn kinh phí của các cấp ngân sách để tham mưu cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, để tháo gỡ dứt điểm về khó khăn nguồn kinh phí hợp đồng lao động lái xe tại các Chi cục Kiểm Lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện từ năm 2025 trở đi.
Hiện nay, tổng diện tích có rừng của Lâm Đồng là hơn 537.000 ha/tổng diện tích tự nhiên hơn 978.000 ha. Trong khi đó, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi; đối tượng vi phạm, luôn mạnh động, ngoan cố, địa hình trải dài, hiểm trở cần có phương tiện chở lực lượng quản lý bảo vệ rừng đi tuần tra, truy quét, cũng như công cụ, dụng cụ phòng cháy chữa cháy rừng.
Nguồn: Báo Dân Việt.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn