Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Đà Lạt ngày càng có những chuyển biến tích cực, nhưng trên thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tình trạng phá rừng, khai thác rừng, “gặm nhấm” và lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, có vụ hủy hoại rừng nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự.
Một góc rừng thông ở khu vực Phường 11, TP Đà Lạt |
Ngoài nguyên nhân do ý thức của một số người dân còn hạn chế thì công tác quán triệt, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị thời gian qua vẫn chưa quyết liệt, quá trình xử lý chưa triệt để; vẫn còn tình trạng buông lỏng trong quản lý, một số đơn vị chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ, từ đó đã gây ra thiệt hại về rừng, đất lâm nghiệp.
• BẢO VỆ NGHIÊM NGẶT DIỆN TÍCH RỪNG HIỆN CÓ
Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp, UBND TP Đà Lạt đề ra rất nhiều giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu là bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có, đưa đất lâm nghiệp vào sử dụng đúng mục đích, từng bước nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ hàng năm. Trong đó, đặc biệt yêu cầu chú trọng thực hiện tuần tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục; bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đạt hiệu quả cao hơn, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và khí hậu đặc trưng của TP Đà Lạt.
Có thể thấy rằng, rừng có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của TP Đà Lạt. Vì vậy, với tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2023 - 2025; UBND thành phố yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện thường xuyên và có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản trong đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn dân cư. Đặc biệt là phải phát huy được vai trò của lực lượng quần chúng trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng, chủ động tố giác những hành vi xâm hại tài nguyên rừng và trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trong kiểm tra, lập hồ sơ, kiên quyết xử lý và phải xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, san ủi đất lâm nghiệp.
Ngoài việc thực hiện tốt công tác lâm sinh về trồng rừng, trồng cây phân tán theo đúng tiến độ, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để phấn đấu nâng cao chất lượng, độ che phủ của diện tích rừng hiện có trên địa bàn thành phố cần tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, Ban Lâm nghiệp các phường, xã trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng trong việc chấp hành, thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chủ rừng, UBND các phường, xã khi để xảy ra phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật trên địa bàn, diện tích được giao đơn vị quản lý. Đặc biệt, phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
• XÁC ĐỊNH ĐỊA BÀN PHỨC TẠP ĐỂ KIỂM TRA
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải xác định địa bàn trọng tâm, trọng điểm, phức tạp về phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác lâm sản trái phép để xây dựng kế hoạch kiểm tra, truy quét và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là tình trạng “gặm nhấm”, lấn chiếm đất lâm nghiệp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài nguyên rừng. Điều tra, đấu tranh, triệt phá các vụ án phá rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản trái pháp luật. Điều tra, làm rõ các đối tượng, các vụ việc vi phạm đến mức phải xử lý hình sự chuyển cơ quan chức năng để truy tố, xét xử nghiêm minh.
Đảng ủy và chính quyền các phường, xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Kế hoạch trồng 3,8 triệu cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP Đà Lạt. Trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, tổ chức và Nhân dân trong việc trồng cây xanh góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao độ che phủ rừng, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Thành phố cũng yêu cầu các lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng, phường, xã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Kịp thời tiếp nhận, xử lý ngay các phản ánh của người dân trên ứng dụng Đà Lạt trực tuyến hoặc hình ảnh, video do Trung tâm IOC cung cấp liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, đề xuất bổ sung trang thiết bị để thực hiện có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng bằng flycam, bộ đàm, GPS, thiết bị chữa cháy,...
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn