Dự báo cấp cháy rừng ngày 14/01/2025 (Cấp II gồm: Thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông - Cấp IV gồm: huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh,  Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc - Cấp V gồm: huyện Đạ Huoai)

Sẵn sàng trước cơ hội đến từ quy định chống phá rừng châu Âu

Thứ hai - 05/06/2023 21:03

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nêu ra những động thái của Bộ để sẵn sàng với Quy định chống phá rừng châu Âu.

Quy định chống phá rừng châu Âu đưa ra những yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ của nhiều sản phẩm. Ảnh: Tùng Đinh.

Quy định chống phá rừng châu Âu đưa ra những yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ của nhiều sản phẩm. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngày 17/11/2021, Ủy ban Châu Âu đề xuất một dự luật ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Ngày 19/4/2023, Nghị viện châu Âu và ngày 16/5/2023, Hội đồng châu Âu đã thông qua dự luật này.

Dự luật có tên chính thức là Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR), cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 bao gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ, cũng như các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất bằng các sản phẩm đó như da, sô cô la, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ.

Như vậy, có thể thấy gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi quy định này được áp dụng. Trước bối cảnh đó, Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT để làm rõ hơn những thách thức, cơ hội và cách tiếp cận của Bộ với quy định này của phía EU.

EU vừa thông qua quy định chống phá rừng châu Âu. Ông nhận định gì về tác động của quy định mới này đối với phát triển nông nghiệp Việt Nam và sinh kế của bà con nông dân?

Trước hết, phải hiểu rõ, theo quy định này, 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đặc biệt là cà phê khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

Yêu cầu truy xuất vật lý đến vườn trồng, chứng minh không gây mất rừng bằng các báo cáo giải trình, phân tích nguy cơ và giải pháp giảm thiểu nguy cơ mất rừng, đánh giá và giảm thiểu nguy cơ về vấn đề xã hội (quyền sử dụng đất, lao động, thu nhập...).

Như vậy, quy định khi có hiệu lực dự kiến từ tháng 12/2024 sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng trên.

Các chuỗi cung ứng ngành hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR, đặc biệt trong các vấn đề về dữ liệu định vị, truy xuất nguồn gốc, hệ thống giám sát, phản hồi chống phá rừng.

Với quy định này của EU, chúng ta không còn cách nào khác là thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của họ vì đây là thị trường quan trọng, ví dụ, tính riêng cà phê, châu Âu mỗi năm nhập khẩu hơn 60% sản lượng của Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức cũng đi cùng với cơ hội và chúng ta phải sẵn sàng tận dụng được cơ hội này. Thứ nhất là chúng ta cần tập trung phát triển ngành hàng một cách bền vững hơn, xanh hơn, có trách nhiệm với toàn cầu.

Cơ hội thứ hai là nếu chúng ta làm tốt thì sản phẩm của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh rất lớn tại EU với những nông sản từ các quốc gia chưa thích ứng được với quy định này. Từ đó cũng tạo ra những cơ hội thay đổi sinh kế cho người nông dân.

Thứ ba, hiện nay phần lớn các ngành hàng cơ bản đáp ứng những tiêu chuẩn của EUDR. Theo đó, tính riêng mặt hàng cà phê, có 70% diện tích không liên quan đến rừng, 20% giáp ranh với rừng và có 10% nằm xen kẽ là thuộc nhóm nguy cơ. Chưa kể các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su, gỗ đều có những chứng nhận riêng.

Qua đó thấy được, điều các doanh nghiệp cần làm hiện nay là có được những thông tin đầy đủ về nguồn gốc hàng hóa để khi xuất khẩu phía EU có thể kiểm tra.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho rằng bên cạnh những thách thức thì quy định này của EU là cơ hội cho nông sản Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho rằng bên cạnh những thách thức thì quy định này của EU là cơ hội cho nông sản Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện Bộ NN-PTNT đã có những hành động cụ thể gì để đáp ứng những yêu cầu mới của quy định này?

Ngay sau khi Ủy ban châu Âu đề xuất dự thảo dự luật vào tháng 12/2021, Vụ Hợp tác quốc tế đã chủ động tìm hiểu và phối hợp với Liên minh châu Âu họp với các đơn vị trong Bộ, hiệp hội ngành hàng và giới thiệu về dự luật vào đầu tháng 6/2022.

Sau đó, ngay khi Quy định chống phá rừng châu Âu có bản chính thức vào ngày 16/5/2023 đã được tổ chức Vụ Hợp tác quốc tế hỗ trợ dịch nhanh, gửi cho các cơ quan liên quan, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Vụ Hợp tác quốc tế cũng đã làm việc với Liên minh châu Âu để vận động EU có chương trình hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam dự kiến bị ảnh hưởng bởi quy định này.

Ngày 4/1/2023, EU thông qua Phái đoàn EU tại Việt Nam có thông báo chính thức về việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng và triển khai một chương trình hợp tác mới nhằm hỗ trợ cho ngành lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027 với vốn ODA không hoàn lại dự kiến trị giá 20 triệu USD.

Mục tiêu của chương trình góp phần giảm hoặc ngăn chặn nạn phá rừng và chống suy thoái rừng thông qua tăng cường bảo tồn, phục hồi và quản lý rừng bền vững, thúc đẩy chuỗi giá trị bền vững với môi trường.

EU cam kết sẽ tiếp tục có chương trình hỗ trợ khác cho các ngành hàng nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu của quy định.

Hiện nay có khoảng 10% diện tích cà phê nằm trong khu vực có nguy cơ, còn lại được cho là không bị ảnh hưởng bởi quy định mới của EU. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay có khoảng 10% diện tích cà phê nằm trong khu vực có nguy cơ, còn lại được cho là không bị ảnh hưởng bởi quy định mới của EU. Ảnh: Tùng Đinh.

Vậy theo ông, trong thời gian tới, chúng ta cần có hành động gì để thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao sinh kế cho bà con nông dân với những quy định mới của EU?

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, hiệp hội cần phải có những nhận thức rõ ràng về vấn đề này, đây là quy định của đối tác và không thể thay đổi nên phải có phương án đáp ứng được yêu cầu của EU.

Thứ hai, phải đẩy mạnh truyền thông một cách bài bản để cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương cùng thay đổi nhận thức.

Thứ ba, cần xây dựng một quy trình hướng dẫn, đặc biệt là cách xây dựng và cung cấp thông tin. Từ những cơ sở dữ liệu đó, doanh nghiệp sẽ có thể giảm được chi phí trong việc xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Để làm được điều đó, cần có sự hợp tác giữa tất cả các bên Nhà nước – Doanh nghiệp – Nông dân với sự hỗ trợ của các tổ chức phát triển trong và ngoài nước.

Cuối cùng, cần có những chương trình đối với các bà con ở khu vực có nguy cơ cao để họ có thể chuyển đổi sinh kế hoặc áp dụng được những tiêu chuẩn bền vững theo quy định của EU vào sản xuất.

Trước đó, trong phiên họp với các hiệp hội,  ngành hàng về Quy định chống phá rừng châu Âu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các quy định về phát triển bền vững của châu Âu là cơ hội để ngành nông nghiệp thay đổi và chứng minh với thế giới là Việt Nam thực sự tăng trưởng xanh.

"Quy định trên thể hiện rõ nét sự biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Chúng ta không từ 'bị' nữa, đây là cơ hội để chúng ta cấu trúc lại toàn bộ ngành hàng, thậm chí cả một nền nông nghiệp, hình ảnh đất nước. Chúng ta càng đối phó, càng hệ lụy lớn cho doanh nghiệp, người dân", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các hiệp hội, ngành hàng kích hoạt quan hệ hợp tác công - tư, trở thành cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, nông dân. Đề nghị các cơ quan tham mưu của Bộ trình khung hành động, lấy ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng để sớm có chương trình triển khai phù hợp với quy định mới của châu Âu.

Nguồn: Báo Nông nghiệp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh báo biến động rừng
cảnh báo biên động
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây