Xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, huyện Đam Rông đã chủ động sẵn sàng để sớm triển khai các hoạt động nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ này ngay từ đầu năm 2024.
Huyện Đam Rông đã sẵn sàng để sớm triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngay từ đầu năm 2024 |
Ghi nhận về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại huyện Đam Rông cho thấy, năm 2023, số vụ vi phạm giảm 59%; diện tích rừng thiệt hại giảm 24% so cùng kỳ năm 2022; năm 2023, các đơn vị chủ rừng nhà nước đã trồng được 66,52 ha (kế hoạch 75,8 ha), đạt 87%. Chăm sóc diện tích rừng trồng các năm 117,37 ha. Diện tích giao khoán bảo vệ rừng và được thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn toàn huyện là 38.673,88 ha. Công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục duy trì và phát huy được hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho các hộ dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số; các cơ quan liên quan đã khai thác tốt hệ thống camera tầm cao trên địa bàn huyện nên đã sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các điểm cháy từ khi mới phát sinh nên trong năm ở địa phương này không xảy ra cháy rừng lớn, chỉ xảy ra một số điểm cháy nhỏ thảm thực vật dưới tán rừng thông lớn song đã được dập tắt kịp thời không gây thiệt hại tài nguyên rừng. Cũng trong năm qua, các đơn vị chủ rừng, UBND các xã đã tổ chức giải tỏa 94,62 ha với 233 vị trí đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tái lấn chiếm trái phép, công tác này được các địa phương, đơn vị duy trì thường xuyên, qua đó đã góp phần răn đe, phòng ngừa, phát sinh các trường hợp vi phạm; công tác xử lý các vụ vi phạm được các cơ quan thực hiện quyết liệt, nghiêm túc theo yêu cầu chỉ đạo (đã xử lý 12/14 vụ đạt 85,7%)...
Những kết quả trên là đáng ghi nhận, song công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đam Rông vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó phải kể đến việc, khối lượng lâm sản bị thiệt hại chưa đạt chỉ tiêu giảm theo Nghị quyết số 10 ngày 17/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (hàng năm giảm 20%/năm trở lên số vụ vi phạm, diện tích rừng và khối lượng lâm sản bị thiệt hại;...) và Nghị quyết số 06 ngày 10/12/2021 của Huyện ủy Đam Rông (hàng năm giảm 10-15%/năm trở lên số vụ phá rừng và giảm từ 15-20% trở lên về diện tích rừng, khối lượng lâm sản bị thiệt hại); số vụ vi phạm lâm luật có tính chất phức tạp, nổi cộm gây thiệt hại lớn tài nguyên rừng trên địa bàn tuy có giảm (giảm 3 vụ), tương ứng giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng so sánh với toàn tỉnh vẫn chiếm tỷ lệ cao (5 vụ/18 vụ, tương ứng chiếm 27,7%)...
Huyện Đam Rông xác định, năm 2024, tập trung quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, tăng cường các hoạt động bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, không để xảy ra điểm nóng về khai thác rừng, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Đẩy mạnh công tác lâm sinh, trồng cây phân tán, trồng cây lâm nghiệp xen trên đất lâm nghiệp, cùng với giải pháp giữ vững rừng tự nhiên hiện có, tiếp tục giải tỏa, thu hồi diện tích rừng mới bị phá, đất lâm nghiệp mới bị lấn chiếm để trồng lại rừng hoặc quản lý khoanh nuôi tái sinh rừng, góp phần tăng độ che phủ rừng trên địa bàn. Xử lý nghiêm, theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng vi phạm nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm. Tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu để sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hộ dân di cư tự do đến huyện.
Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện Đam Rông đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các quy định của Luật Lâm nghiệp sâu rộng để Nhân dân chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Duy trì hiệu quả quy chế phối hợp giữa huyện Đam Rông với huyện giáp ranh trong công tác bảo vệ rừng; thường xuyên nắm bắt thông tin, phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Tiếp tục tổ chức giải tỏa cây trồng trái phép ngay từ khi mới trồng; tránh để tình trạng chậm trễ sẽ gây khó khăn trong giải tỏa, thiệt hại lớn kinh tế của Nhân dân dẫn đến dễ gây bức xúc, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến ổn định chính trị. Đồng thời, quản lý tốt diện tích đã giải tỏa và lập kế hoạch trồng lại rừng sau giải tỏa hoặc quản lý khoanh nuôi tái sinh thành rừng theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do tại Tiểu khu 179, Tây Sơn, 181 xã Liêng S’rônh nhằm sớm hoàn thành bố trí định canh, định cư, ổn định cuộc sống của các hộ dân thuộc dự án nhằm giảm áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn