Khi người giữ rừng đổ máu
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Lâm sinh của Trường Đại học Tây Nguyên, năm 2009 anh Ngô Lê Nhật Tiến, hiện là Phó Trạm trưởng Trạm số 7, Vườn Quốc gia Yók Đôn, tỉnh Đắk Lắk chọn con đường ứng tuyển vào ngành Lâm nghiệp để nối nghiệp ba mình. Đến nay, sau 14 năm gắn bó với nghề, anh đã chứng kiến không ít cuộc chiến mà phần thua thiệt đều thuộc về lực lượng bảo vệ rừng.
Anh Tiến kể: “Trước khi vào nghề, tôi cũng chưa biết rừng như thế nào, chỉ thấy ba đi suốt. Cho đến khi vào làm việc, tôi mới hiểu được giá trị của rừng. Rừng không chỉ nguồn tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia mà còn là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của môi trường sinh thái, mang giá trị lớn đối với đời sống và sản xuất của xã hội. Thế nhưng, không phải ai cũng nhận thức đúng về vai trò của rừng. Nhiều người bất chấp các quy định pháp luật, xâm phạm sống dựa vào rừng. Thậm chí, khi bị phát hiện, nhiều đối tượng sẵn sàng ra tay, chống đối, hành hung lực lượng làm nhiệm vụ”.
Gắn bó với nghề, anh Ngô Lê Nhật Tiến, Phó Trạm trưởng Trạm số 7, Vườn Quốc gia Yók Đôn đã nhiều lần bị lâm tặc tấn công.
Điển hình, năm 2014, khi đang làm Phó Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 6, Vườn Quốc gia Yók Đôn, anh Tiến nhận được tin báo của quần chúng nhân dân có người dùng xe máy vận chuyển gỗ. Sau khi nhận lệnh của trạm trưởng, anh và một đồng chí khác đi bộ theo đường trên đồi để tìm nơi tập kết gỗ của các đối tượng. Trên đường đi, anh áp sát chòi rẫy của người dân thì phát hiện 2 xe máy độ chế, 2 cục gỗ đã bổ hộp.
Ngay lập tức, anh Tiến gọi về trạm nhờ tăng cường lực lượng và áp sát để không cho đối tượng tẩu tán tang vật. Tuy nhiên, ngay sau đó, nhóm đối tượng khoảng 20 người đã cầm dao, gậy tấn công, ném trúng vào đầu anh Tiến nhằm giải vây phương tiện và tang vật. Không còn cách nào khác, anh bỏ chạy được mấy chục mét thì lực lượng của Vườn ập đến, bắt giữ các đối tượng. Sau lần “chạm trán” ấy, anh Tiến may mắn không bị thương tích nhưng luôn ám ảnh mỗi khi đi tuần tra bảo vệ rừng.
Tiếp đó, năm 2020, sau khi nhận được tin báo của người dân về việc có người đang vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, anh Tiến, với vai trò là Phó Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 7 đã cùng với một cán bộ kiểm lâm cơ động chạy xe máy vượt chặng đường hơn 10km đi xác minh thông tin.
Trong quá trình quản lý bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Khi chạy đến khu vực cầu trắng (xã Cư Mlan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk), anh Tiến và đồng nghiệp phát hiện 2 xe máy chở gỗ, 1 xe máy chở cưa, với 7 đối tượng. Lúc này, các đối tượng đang loay hoay sửa xe chở gỗ. Trước tình hình này, anh đã điện về đơn vị xin hỗ trợ lực lượng. Đồng thời, tìm cách tiếp cận, giữ chiếc xe chở gỗ trên cầu, còn cán bộ kiểm lâm cơ động chặn 2 xe còn lại.
“Khi tôi vừa rút còng số 8 ra thì các đối tượng lập tức bỏ chạy. Thấy vậy, tôi nhanh chóng đạp đổ xe chở gỗ rồi chạy đến hỗ trợ đồng chí kiểm lâm cơ động. Tuy nhiên, thấy lực lượng kiểm lâm mỏng, các đối tượng liền quay lại cầm dao tấn công để giải vây phương tiện và tang vật. Lúc này, tôi nổ súng chỉ thiên để uy hiếp các đối tượng nhưng không có tác dụng”, anh Tiến nhớ lại.
Trong tình huống nguy hiểm, anh Tiến và đồng đội vẫn không dám nghĩ đến an toàn tính mạng của bản thân. Anh cố gắng giật được cái cưa từ tay 1 đối tượng để bảo vệ tang vật thì bất ngờ bị một đối tượng dùng cây đập vào đầu. Trong lúc choáng váng, anh thấy mặt bị ướt nên đưa tay lên chùi thì thấy đầy máu.
Nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, tìm cách xâm phạm, sống dựa vào rừng.
Mặc dù vậy, khi các đối tượng đẩy xe và tang vật tẩu thoát anh Tiến vẫn hạ quyết tâm phải giữ bằng được một phương tiện có biển số để phục vụ công tác xác minh sau này. Anh dùng chút sức lực cuối cùng để còng cho được chiếc xe máy của các đối tượng lại rồi ngồi gục tại chỗ.
Thế nhưng, các đối tượng vẫn không chịu dừng lại mà dùng dao chặt phá còng để lấy xe thì bị cán bộ kiểm lâm cơ động chụp lại hình ảnh. Nhờ vậy, ngay trong đêm, cơ quan chức năng đã bắt được đối tượng vi phạm, riêng anh Tiến được đưa đi cấp cứu kịp thời. Sau đó, 1 đối tượng bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích, 6 đối tượng còn lại chưa đủ tuổi nên bị xử phạt hành chính.
Giả chết để thoát thân
Anh Y Thông Chỉ, cán bộ Trạm Kiểm lâm số 11, Vườn quốc gia Yók Đôn cũng là một nạn nhân bị tấn công trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng. Anh Y Thông Chỉ kể: “Vào một ngày cuối tháng 18/12/2019, khoảng 7h tối, trong lúc đi tuần tra, mật phục, tôi và một cán bộ trong trạm nghe tiếng cưa bên ngoài đường quốc lộ. Sau 20 phút mò mẫm đi trong bóng tối, chúng tôi phát hiện có người đang cưa 1 cây gỗ rừng. Đến khi tổ công tác áp sát và yêu cầu dừng lại thì nhóm đối tượng lập tức bỏ chạy theo nhiều hướng”.
Anh Y Thông Chỉ Byă, cán bộ Trạm Kiểm lâm số 11, Vườn quốc gia Yók Đôn bị đứt 3 gân và 2 xương đốt ngón tay tới giờ vẫn còn sẹo.
Truy đuổi được khoảng 5m, anh Y Thông Chỉ bị một nhóm đối tượng quay lại dùng dao tấn công khiến anh bị đứt 3 gân và 2 xương đốt ngón tay, rồi nhanh chân tẩu thoát. Hai ngày sau, cơ quan công an bắt được 5 đối tượng có liên quan, trong đó đối tượng cầm đầu bị xử 9 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích, 4 đối tượng còn lại bị xử án treo.
Suốt 24 năm gắn bó với nghề, anh Hoàng Văn Nam, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 9, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cũng từng đối diện với nhiều đối tượng lâm tặc manh động.
Năm 2009, khi đang là Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 8, anh Nam phối hợp đi tuần tra quản lý bảo vệ rừng tại tiểu khu 628 thì phát hiện có dấu vết người vào rừng.
Anh Nam nhớ lại: “Lần theo các dấu vết, tôi và các đồng nghiệp đi vào rừng cách quốc lộ 29 khoảng 1km thì phát hiện hai đối tượng phía trước cầm 2 khẩu súng quân dụng. Lúc này, chúng tôi chia làm 2 tổ để đón đầu, vây bắt các đối tượng. Khi chỉ còn cách khoảng 10m, tôi yêu cầu các đối tượng đứng lại, bỏ súng xuống và chấp hành chỉ đạo của tổ tuần tra để được nhà nước khoan hồng. Thế nhưng, cả 2 đối tượng vẫn chống đối, bỏ đi”.
Anh Hoàng Văn Nam, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 9 kể lại lần anh bị lâm tặc bắn xuyên qua nách cánh tay trái.
Ngay lập tức, anh Nam bám theo thì bị 2 đối tượng dương mũi súng bắn xuyên qua nách cánh tay trái. Trong tình huống cấp bách, anh Nam hô hoán các đồng đội vây bắt các đối tượng. Ngay sau đó, anh được mọi người đưa đi cấp cứu với tỉ lệ thương tích 29%, bị đứt dây động mạch chủ cánh tay trái và được giải quyết chế độ chính sách như thương binh. Đến nay, vụ việc đã trôi qua 14 năm nhưng tội ác của các đối tượng lâm tặc vẫn in hằn trên cánh tay của anh.
Đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết khi bị lực lượng lâm tặc tấn công, anh Lê Tấn Hoàng, hiện là nhân viên Trạm Kiểm lâm số 8, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đành phải giả chết hòng thoát nạn.
Anh Hoàng kể: “Vào khoảng 22h ngày 25/4/2009, tôi và 3 đồng nghiệp của Trạm Kiểm lâm số 2, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đang đi tuần tra, truy quét tại tiểu khu 635 thì phát hiện 2 đối tượng đang săn bắt động vật rừng, cùng với một gùi thịt nai. Khi chúng tôi áp sát thì một đối tượng nhanh chân tẩu thoát”.
Rất nhanh, tổ công tác của anh Hoàng dẫn giải đối tượng còn lại, cùng với tang vật về trụ sở làm việc. Khi ra gần đến bìa rừng thì đối tượng chạy thoát trước đó cùng với nhiều người khác chạy đến dùng dao, súng lao vào tấn công tổ công tác để giải vây người và tang vật. Trong lúc xảy ra sự việc, 3 đồng nghiệp may mắn chạy thoát, riêng anh Hoàng bị đâm nhiều nhát vào sau lưng, trong đó có một nhát thấu phổi.
Nhiều đối tượng dùng súng tự chế mang vào rừng săn bắt động vật và sẵn sàng tấn công lực lượng làm nhiệm vụ khi bị phát hiện.
“Sau khi ngã gục xuống, tôi thấy mình chảy rất nhiều máu. Biết mình không còn khả năng chống chọi với các đối tượng, tôi đã giả chết để thoát thân. Cho đến khi các đối tượng rời đi, tôi mới gọi điện thoại cho đồng nghiệp đến hỗ trợ, đưa đi cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng”, anh Hoàng kể lại.
Được biết, sau đó có 3 đối tượng bị xử phạt từ 1 năm đến 2 năm 5 tháng tù. Riêng đối tượng trực tiếp đâm anh Hoàng đã bỏ trốn khỏi địa phương và bị cơ quan công an phát lệnh truy nã nhưng đến nay vẫn chưa có tung tích.
Khánh Ngọc
Còn nữa...
Nguồn: Báo Người đưa tin.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn