Dự báo cấp cháy rừng ngày 14/01/2025 (Cấp II gồm: Thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông - Cấp IV gồm: huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh,  Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc - Cấp V gồm: huyện Đạ Huoai)

Giảm phát thải khí nhà kính trong chế biến gỗ xuất khẩu, không thể không làm

Thứ năm - 22/06/2023 21:57
Ngành gỗ Việt Nam đang nỗ lực ‘xanh hóa’ chuỗi cung ứng, vạch ra lộ trình chuyển đổi sản xuất giảm phát thải khí nhà kính để bắt kịp xu hướng của thời đại.

Khởi động lộ trình

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), sản xuất giảm phát thải khí nhà kính, “xanh hóa” chuỗi cung ứng của ngành gỗ hiện nay là việc làm cấp bách để bắt kịp xu hướng của thời đại. Bắt đầu từ năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập, tổ chức vận hành thí điểm và từ năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch các bon.

Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, phải có định hướng chuyển đổi sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. Bởi trong thời gian tới, 2 thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam là EU và Hoa Kỳ sẽ kiểm soát, đánh giá hàm lượng các bon trong sản phẩm gỗ nhập khẩu. Nếu hàm lượng các bon cao hơn quy định thì bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải nộp thêm thuế hoặc phải mua tín chỉ các bon.

“Khi các nước nhập khẩu đồ gỗ tiến hành kiểm soát, đánh giá hàm lượng các bon trong sản phẩm thì chắc chắn các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam sẽ vượt định mức. Do đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam phải có định hướng sản xuất giảm phát thải nhà kính để tránh những rủi ro kể trên”, ông Đỗ Xuân Lập khẳng định.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST (ngoài cùng bên trái) và ông Philip Graovac, Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam (ngoài cùng bên phải), tại hội thảo chuyển đổi xanh ngành gỗ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch VIFOREST (ngoài cùng bên trái) và ông Philip Graovac, Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam (ngoài cùng bên phải), tại hội thảo chuyển đổi xanh ngành gỗ. Ảnh: V.Đ.T.

Trước tình hình trên, trong thời gian vừa qua, VIFOREST đã tổ chức liên tục 2 hội thảo để tư vấn cho các doanh nghiệp về kỹ năng chuyển đổi xanh. Sau đó, VIFOREST chọn ra một số doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô lớn để thực hiện thí điểm sản xuất giảm khí phát thải. Trước tiên, ngành gỗ Việt Nam đang vận động một số tổ chức quốc tế về môi trường hỗ trợ một phần kinh phí tư vấn để các doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Đến nay, VIFOREST đã tìm được nguồn tài trợ cho 5 - 6 doanh nghiệp chế biến gỗ lớn, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ từ 250 - 300 triệu đồng để khởi động lộ trình chuyển đổi xanh. Các doanh nghiệp được chọn sẽ thuê tư vấn đo lường, định lượng lại khí phát thải của doanh nghiệp, để thấy cần phải chuyển đổi khâu nào trong dây chuyền sản xuất thật cụ thể.

“Ví như 1 doanh nghiệp mỗi năm phải tiêu thụ đến mấy trăm tấn xăng dầu phục vụ cho lực lượng xe vận chuyển hàng hóa thì giờ chuyển sang chạy bằng xe điện. Hoặc như hiện nay toàn bộ hệ thống sấy gỗ bằng đèn UV rất hao điện, thì giờ chuyển sang giàn sấy bằng nước. Đầu tư giàn sấy bằng hơi nước kinh phí cao gấp 5 lần giàn sấy điện, nhưng bù lại hoạt động của doanh nghiệp sẽ không còn tiêu hao điện năng lớn.

Thêm vào đó, sấy hơi nước có thể dùng viên nén gỗ từ phế phẩm trong sản xuất của chính doanh nghiệp để đốt lò hơi. Giảm sử dụng nhiên liệu và điện thì lượng phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp sẽ được giảm, chi phí đầu vào của sản phẩm cũng giảm theo, kéo theo giá thành sản phẩm của doanh nghiệp cũng được giảm sẽ tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.

Ngành gỗ Việt Nam cần kíp phải chuyển đổi sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: V.Đ.T.

Ngành gỗ Việt Nam cần kíp phải chuyển đổi sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Philip Graovac, Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ nên chắc chắn được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh. Chuyển đổi xanh giúp các doanh nghiệp gỗ Việt Nam duy trì và gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm gỗ trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, khi chuyển đổi thành công, doanh nghiệp có cơ hội lớn để từng bước tham gia vào thị trường các bon thông qua việc cung cấp tín chỉ các bon, tạo thêm nguồn thu nhập cho doanh nghiệp, bởi nhu cầu tín chỉ các bon trên thế giới đang ngày càng lớn.

“Nếu chủ động và tích cực “xanh hóa”, doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tại thị trường nước ngoài vốn có yêu cầu khắt khe. Khi sớm chuẩn bị, doanh nghiệp sẽ nắm rõ việc cần làm để nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình tham gia thị trường mua bán tín chỉ các bon”, ông Philip Graovac, Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam, chia sẻ.

Doanh nghiệp hưởng lợi từ tín chỉ các bon

Theo TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên và chính sách thương mại thuộc Tổ chức Forest Trends (Mỹ), tín chỉ các bon hoạt động trên 2 cơ chế: Thị trường các bon tự nguyện và thị trường bắt buộc. Các doanh nghiệp ngành gỗ ở Việt Nam muốn tham gia thị trường các bon tự nguyện phải biết rõ mức phát thải của doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam sẽ sớm đưa ra quy định chi tiết trong thời gian tới.

Mỗi ngành chế biến trong ngành gỗ Việt Nam sẽ được Chính phủ áp mức cho phép phát thải khí nhà kính, nếu vượt mức phải mua tín chỉ các bon. Ảnh: V.Đ.T.

Mỗi ngành chế biến trong ngành gỗ Việt Nam sẽ được Chính phủ áp mức cho phép phát thải khí nhà kính, nếu vượt mức phải mua tín chỉ các bon. Ảnh: V.Đ.T.

Các doanh nghiệp gỗ có thể bán tín chỉ các bon ngay tại thị trường nội địa nếu phát thải thấp hơn mức quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp có mức phát thải các bon vượt mức quy định sẽ phải mua lại của các doanh nghiệp có mức phát thải thấp để đạt yêu cầu theo quy định. Do đó, mỗi doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê mức phát thải của mình.

“Doanh nghiệp muốn tiếp cận thông tin sớm cần chủ động kết nối với cơ quan Nhà nước, ở cấp địa phương có Sở Công thương là đơn vị sẽ kiểm kê hiệu ứng nhà kính. Trong chuyển đổi xanh, doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi cách quản lý, sử dụng công cụ, vật liệu thân thiện hơn với môi trường… Doanh nghiệp cần thông qua 2 kênh để tìm hiểu là các Sở, ban, ngành để biết Chính phủ yêu cầu chuyển đổi như thế nào và tham khảo các đối tác của mình ở nước ngoài đang làm gì để đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia của họ để mình làm theo”, TS Tô Xuân Phúc nói.

Ông Vũ Chí Công, Trưởng Phòng Cấp cao về môi trường, xã hội và quản trị của Vinacapital (giữa), giải thích về tín chỉ các bon cho các doanh nghiệp ngành gỗ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Vũ Chí Công, Trưởng Phòng Cấp cao về môi trường, xã hội và quản trị của Vinacapital (giữa), giải thích về tín chỉ các bon cho các doanh nghiệp ngành gỗ. Ảnh: V.Đ.T.

Còn theo ông Vũ Chí Công, Trưởng Phòng cấp cao về môi trường, xã hội và quản trị của Vinacapital, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải chuyển đổi xanh bởi đó là yêu cầu của nhà đầu tư, khách hàng và là xu thế của thời đại, đồng thời được hưởng nguồn lợi lớn từ tín chỉ các bon. Các doanh nghiệp hội đủ các điều kiện chuyển đổi xanh mới có thể đáp ứng được yêu cầu của bên mua hàng và nhà đầu tư. Doanh nghiệp nào đi tiên phong trong chuyển đổi xanh sẽ có nhiều cơ hội hơn, tiếp cận sớm hơn với các nguồn vốn quốc tế.

“Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam nên thực hiện bài bản chuyển đổi xanh từ việc thay đổi nhận thức của ban lãnh đạo, thiết lập bộ phận chuyên trách về chuyển đổi xanh để cập nhật yêu cầu của bên đối tác. Các doanh nghiệp sở hữu nhiều tín chỉ các bon sẽ có nhiều cơ hội phát triển bền vững”, ông Vũ Chí Công, cho hay.

TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên và chính sách thương mại thuộc Tổ chức Forest Trends (Mỹ), giải thích cơ chế hoạt động của tín chỉ các bon. Ảnh: V.Đ.T.

TS Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên và chính sách thương mại thuộc Tổ chức Forest Trends (Mỹ), giải thích cơ chế hoạt động của tín chỉ các bon. Ảnh: V.Đ.T.

Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, năm 2025 Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các bon; đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ các bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các bon… Năm 2028 Việt Nam sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các bon, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các bon trong nước với thị trường các bon trong khu vực và thế giới.

Nguồn: Báo Nông nghiệp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh báo biến động rừng
cảnh báo biên động
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây