Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Bấp bênh nghề giữ rừng (Bài 1): Nốt trầm giữa rừng sâu

Thứ sáu - 16/06/2023 11:54
(Baothanhhoa.vn) - Cán bộ kiểm lâm viên phụ trách địa bàn, đa phần phải làm việc ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Dẫu còn cháy trong tim ngọn lửa, tình yêu núi rừng, nhưng nhiều người trong số họ đã ngậm ngùi chuyển công tác...
h33

Cung đường tuần tra rừng của cán bộ Trạm Kiểm lâm Na Mèo. Ảnh: Đỗ Đức

Cơn mưa chiều vừa ngớt, núi rừng Quan Sơn xanh mướt một màu. Bên con sông Lò ào ạt nước tung bọt trắng xóa, những mái nhà sàn đã cuộn lên làn khói bếp, bảng lảng rồi tan vào những cánh rừng. Đưa ánh mắt nhìn quang cảnh đẹp đẽ ấy, Nguyễn Ngoại Giao, cán bộ kiểm lâm viên phụ trách địa bàn chậm rãi: “Không yêu cảnh sắc núi rừng, chắc hẳn em sẽ không làm nghề kiểm lâm”. Nói rồi Giao buông một tiếng thở dài, vội lên chiếc xe máy, cao ga đi về phía Trạm Kiểm lâm Na Mèo, đóng trên địa bàn xã Sơn Điện.

Thấm cảnh xăng chai, xe đứt xích

Trạm Kiểm lâm Na Mèo có 5 cán bộ, Nguyễn Ngoại Giao là người trẻ nhất, mới tròn 30 tuổi, quê ở xã Hoạt Giang (Hà Trung). Trạm có nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ 31.102 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng là 28.880,49 ha. Phần nhiều diện tích rừng tự nhiên nằm cách xa nhà trạm, đường đi lắm đèo nhiều dốc, địa hình bị sông suối chia cắt... Do là người trẻ nhất, Nguyễn Ngoại Giao tình nguyện chọn phụ trách quản lý, bảo vệ rừng ở 4 bản thuộc diện xa nhất: Son, Ché Lầu, Sa Ná và Po Hiềng (xã Na Mèo) cùng với trạm trưởng Nguyễn Hữu Hải. Trong đó bản Ché Lầu xa nhất, từ nhà trạm đến trung tâm bản đã 45 cây số, với 15 cây số đường đất, ngày thường chỉ đi được xe máy, còn ngày mưa chỉ còn cách đi bộ mà thôi. Đó còn chưa kể cung đường tuần tra rừng đầu nguồn thuộc bản này ngoằn ngoèo thêm cả chục cây số.

Cũng bởi đường xa, nhiều đoạn bên núi cao, bên vực thẳm mà không ít lần người cán bộ trẻ này đã phải xin ngủ lại nhà dân trong những lần tuần tra rừng. Giao kể: “Mới đây, trong lúc đi bộ tuần tra rừng, em bị trượt chân ngã lăn xuống vực. Cũng may là vực cạn nên chỉ bị mỏm đá sắc nhọn xóc vào tay, khâu hơn 10 mũi”. Tôi hỏi, 30 tuổi sao em chưa lập gia đình? Giao cười: “Có mấy khi được về xuôi đâu anh, về phố huyện Quan Sơn cũng khó. Trong rừng sâu và ở bản, em chưa gặp được cô nào”.

Tuần tra đảm bảo an ninh rừng, công việc tưởng dễ nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và ở Trạm Kiểm lâm Na Mèo, không ai mà trên thịt da thân thể không có sẹo lớn, sẹo nhỏ. Đó còn chưa kể, có lần họ bị lâm tặc hù dọa, gây khó dễ. Trong khi đó, do là nhiệm vụ thường xuyên, giống với nhiều trạm khác, mỗi tháng họ phải đảm bảo 10 - 11 chuyến tuần rừng. Mà chỉ riêng diện tích rừng phải quản lý, tính ra, mỗi kiểm lâm viên phụ trách địa bàn phải “cõng” gần 5 nghìn ha. Đường xa, rừng rộng, vậy nên, có không ít lần tuần tra, họ phải lỉnh kỉnh nồi niêu, đồ ăn, thức uống trong 2 - 3 ngày.

Kể cả không phải kế hoạch tuần tra, nhưng hễ nhận được thông tin phản ánh mất an ninh rừng, họ lại tức tốc lên đường. Dù đó là vùng rừng nào, xa gần, trời mưa hay nắng, đêm tối hay ban ngày. Mỗi chuyến tuần tra ấy, kinh phí và phương tiện đa phần họ phải tự túc. Bởi công tác phí hằng tháng được cấp nhưng không đáng kể, dao động từ 300 nghìn đến 500 nghìn/tháng, trong khi cả trạm chưa được cấp phương tiện hoạt động.

Ông Mai Thành Vinh, cán bộ kiểm lâm viên phụ trách địa bàn lớn tuổi nhất ở trạm (56 tuổi), kể: “Hơn 30 năm làm công tác kiểm lâm, tôi đã mua tới 8 chiếc xe máy. Bởi do đường xa, lắm đèo nhiều dốc, nên xe máy bền lắm cũng chỉ được 7 năm. Trong 7 năm ấy, lại phải thường xuyên thay thế phụ tùng, mà nhiều nhất là xích và lốp. Chưa kể, cứ đến mùa mưa, chúng tôi phải quấn xích vào lốp xe để vượt qua những con dốc trơn trượt trên cung đường tuần tra an ninh rừng”. Rồi ông Vinh nói vui: “Khi tuần tra bảo vệ rừng, anh em tôi cơm chai nước lọ đã đành, đến xe máy cũng ăn xăng chai là chủ yếu. Bởi cây xăng gần nhất trên Quốc lộ 217 ở trung tâm xã Sơn Điện, có đổ phè bình thì cũng không đủ cho một chuyến đi vào rừng sâu rồi chạy ra”.

Cán bộ kiểm lâm đi ở trọ

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng trong ngành kiểm lâm, những cán bộ kiểm lâm ở Trạm Kiểm lâm Na Mèo còn được xem là “đại gia”, bởi được sinh hoạt và làm việc trong ngôi nhà 2 tầng, thừa hưởng lại của Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Mèo sau sáp nhập, chuyển trụ sở. Bề ngoài căn nhà có vẻ kiên cố, nhưng bên trong, tường đã mọc rêu, tróc vữa, thiếu thốn phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác và sinh hoạt, mà đến như nguồn nước ăn, họ cũng phải đi xin nhờ nhà dân. Còn ở Trạm Kiểm lâm Yên Thắng (Lang Chánh), tuy được thành lập từ năm 2014, nhưng đến nay, 4 cán bộ kiểm lâm vẫn phải ở nhà trọ. Đó là một ngôi nhà sàn lợp mái tôn cong vênh, tuềnh toàng, dù đã được gia cố nhưng mưa vẫn dột, vẫn nhìn thấy trời, không thể ở trong không gian chính. Thành ra họ phải quây bạt, láng nền để làm việc và sinh hoạt ở gầm nhà. Trạm trưởng Lê Xuân Ngọc cho biết: “Đây đã là ngôi nhà thứ 2 được thuê để làm trụ sở của trạm. Nhưng mới đây, chủ nhà đã thông báo cho anh em chuyển chỗ để họ sửa chữa làm nhà ở”.

h33 1

Một buổi giao ban của Trạm Kiểm lâm Yên Thắng (Lang Chánh) dưới gầm nhà sàn đi thuê.

Ở Trạm Kiểm lâm Yên Thắng, tính ra, mỗi cán bộ kiểm lâm cũng “gánh” hơn 4 nghìn ha rừng. Trong đó, nhiều vùng rừng cách nhà trạm hơn 20 km, giao thông khó khăn, bị sông suối chia cắt, như bản Xắng Hằng (xã Yên Khương). Trong khi đây là vùng trọng điểm về an ninh rừng, nên phần nhiều thời gian làm việc, họ phải bám sát địa bàn, bám dân, bám bản. Thậm chí, mỗi tháng trung bình có 8 ngày nghỉ, họ phải luân phiên nhau, người nhiều nhất cũng chỉ 6 ngày. Thế nên, dù nhận được tin vợ sinh con đầu lòng ở TP Thanh Hóa, nhưng phải đến mấy ngày sau, Phùng Tiến Dũng (sinh năm 1996) mới được về thăm.

Dũng bộc bạch: “Một năm không mấy lần được sang thăm nhà ngoại, kể cả dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Những lần ấy, em không nói chuyện nhiều về trụ sở đơn vị công tác. Bởi mọi người vẫn nghĩ em thuộc biên chế Nhà nước, điều kiện sinh sống và làm việc sẽ hơn nhiều ở quê. Còn thực tế, cơ quan vẫn là nơi thuê trọ, nên em ngại”.

Trò chuyện với tôi, anh Nguyễn Ngọc Thảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lang Chánh không giấu nổi sự chạnh lòng. Anh bảo: "Không chỉ anh em Trạm Kiểm lâm Yên Thắng, mà hiện tại nhiều cán bộ của hạt vẫn phải nhờ nơi làm việc và sinh hoạt. Cá biệt, 2 cán bộ ở tổ chốt kiểm lâm địa bàn Lâm Phú phải cải tạo điểm lẻ của Trường Mầm non Lâm Phú bỏ không trong nhiều năm để làm nơi sinh hoạt và làm việc. Trong điều kiện ấy, anh em vẫn nỗ lực, cố gắng hết sức mình, với những mong bảo đảm tuyệt đối an ninh rừng.

“Còn chuyện thứ 7, chủ nhật, biết là không đảm bảo được số ngày nghỉ cho cán bộ, viên chức theo quy định, nhưng vì nhiệm vụ, anh em cũng phải tự động viên nhau ở lại bám sát địa bàn. Vì rừng luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, nhất là trong mùa nắng nóng này”, anh Thảo phân trần.

Tuy vậy, mức lương và phụ cấp được hưởng của những cán bộ kiểm lâm cũng không có sự khác biệt so với công chức, viên chức công tác trong vùng, nên nhiều người trong số họ không khỏi chạnh lòng. Và rồi, dẫu còn cháy trong tim ngọn lửa, tình yêu với núi rừng, nhưng nhiều cán bộ kiểm lâm đã ngậm ngùi hạ mũ, cởi áo ngành để... “hạ sơn”.

Nguồn: Báo Thanh Hóa,

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây