Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Lạc bước trong 'xứ sở thần tiên' trên cao nguyên Langbiang

Thứ bảy - 30/09/2023 20:53

Được ghép từ tên 2 ngọn núi cao nhất vùng, Bidoup và Núi Bà (Langbiang), Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà có thể ví như ‘xứ sở thần tiên’ của vùng cao nguyên.

 
 

Cách thành phố Đà Lạt khoảng 1 giờ chạy xe, Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) là một vùng hoang sơ, có thể xem như "xứ sở thần tiên" của cao nguyên Langbiang, nơi có hệ động thực vật phong phú. Trong đó phải kể đến sự hòa hợp của những rừng thông lá kim đẹp như trời Âu và hệ thống rừng tán rộng thường xanh bạt ngàn.

 
 

Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà nằm trên địa bàn hành chính huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam với ổng diện tích được giao quản lý là 69.663ha. Toàn bộ vườn nằm trong vị trí trung tâm của một hành lang đa dạng sinh học quan trọng là cả khu rừng tự nhiên liền kề rộng lớn nhất còn sót lại tại Việt Nam với diện tích xấp xỉ 400.000ha.

 
 

Từ Đà Lạt, đi dọc theo quốc lộ 27C hơn 30km sẽ đến được Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà. Trên đường đi, 2 bên sẽ là những cánh rừng thông rộng bạt ngàn, đẹp, thưa và thoải, tạo ra một khung cảnh mê ly, không khác gì "xứ sở thần tiên" trong những câu chuyện cổ tích. Qua những cánh rừng thông là đến những mảng xanh đặc trưng của rừng nguyên sinh tán rộng thường xanh. Từ trên cao nhìn xuống, quốc lộ 27C như một dải lụa nhỏ vắt qua những cánh rừng của Bidoup Núi Bà.

 
 

Đây là không gian bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học quốc gia và cũng là nơi chứa đựng nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Helly Tong (ảnh), một cô gái 9x nổi tiếng, tên tuổi gắn liền với lối sống xanh đã không khỏi tỏ ra trầm trồ khi được chạm vào những mảng xanh mộc mạc, đáng yêu bên trong Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà.

 
 

Theo báo cáo của vườn, Bidoup Núi Bà là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam và là một trong những vùng chim quan trọng (IBA) của thế giới. Ngoài ra, đây cũng là khu vực đa dạng thứ hai ở Việt Nam về các loài hạt trần và là khu vực ưu tiên số 1 (SA3) trong chương trình bảo tồn dãy Trường Sơn.

 
 

Về thực vật, vườn đã ghi nhận 2.089 loài thực vật có mạch thuộc 188 họ thực vật (Dự án SNRM, 2017). Trong đó, 73 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và 132 loài có tên trong Sách đỏ IUCN (2019). Trong đó, có ít nhất 100 loài thực vật có mạch vừa được mô tả khoa học và công bố loài mới. Riêng về chim, đây là một trong những vùng chim quan trọng và đa dạng nhất của Việt Nam với 326 loài thuộc 54 họ và cao nguyên Langbiang hiện có nhiều loài chim đặc hữu nhất Đông Nam Á. Sự đa dạng về sinh học, cảnh quan của Bidoup Núi Bà là một phần nguyên nhân khu vực này được ví như "xứ sở thần tiên" của Langbiang.

 
 

Để phát triển du lịch sinh thái, thời gian qua, Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà đã tổ chức tham quan, khảo sát cho các đoàn khách, đơn vị lữ hành và rà soát, ký kết lại các hợp đồng. Bên cạnh đó là tham gia trực tuyến Chương trình đào tạo Chuyển đổi số Quốc gia 2023 để góp phần phát triển du lịch.

 
 

Cụ thể, vườn đã làm việc với công ty Learning Project để tổ chức các đoàn học sinh quốc tế vào tham quan, học tập tại đây. Song song đó, vườn cũng làm việc với Thanh tra Sở VH-TT&DL Lâm Đồng về nội dung đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách trong mùa mưa bão.

 
 

Tính hết 9 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến vườn lũy kế là 5.896 lượt (tăng 10,35% so với cùng kì năm 2022). Tương đương với đó, doanh thu 9 tháng vừa qua của Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà đạt 1.774,15 triệu đồng (tăng 19,81% so với cùng kì năm 2022).

 
 

Dự kiến, trong thời gian tới, vườn sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, thúc đẩy các hợp đồng thuê môi trường rừng để hoạt động du lịch sinh thái đã ký, cùng với đó là tăng cường hợp tác với các tổ chức trong các hoạt động du lịch.

 
 

Vườn cũng xác định, để đẩy mạnh được du lịch sinh thái, cần phải tiếp tục công tác marketing, quảng bá các sản phẩm, kết nối với các công ty, doanh nghiệp du lịch và trường học. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch mới để nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

 
 

Nhằm hiện thực hóa điều này, chiều 26/9 vừa qua, tại Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Tọa đàm chủ đề “Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học”.
Nguồn: Báo Nông nghiệp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây