Đường dây nóng tố giác tội phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (Số Hotline): 0899 546 547

Những 'hiệp sỹ' của thú rừng Langbiang

Chủ nhật - 01/10/2023 11:13

Khiết, Thắng, Đáp, Tri, 4 thanh niên 9x người K'Ho cùng đội trưởng Đặng Văn Thanh được xem như 'hiệp sỹ' của thú rừng trên cao nguyên Langbiang vì hoạt động gỡ bẫy của họ.

 
 

Anh Đặng Văn Thanh (phải) là đội trưởng Đội tuần tra tháo gỡ bẫy, thuộc BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, được thành lập từ tháng 4/2023, nhiệm vụ của đội là thực hiện các chuyến tuần tra, tìm kiếm và tháo gỡ các loại bẫy thú trong địa phận quản lý của BQL. Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim chịu trách nhiệm quản lý cho gần 46.700ha rừng thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Trong đó đa phần là cây lá kim, một phần nhỏ là rừng lá rộng thường xanh với các loại thú chủ yếu là lợn rừng, khỉ, chồn, nhím...

 
 

Trước mỗi chuyến đi, 5 thành viên trong đội gồm anh Thanh và 4 thanh niên người K'Ho phải chuẩn bị đầy đủ tư trang, phù hợp với tường tuyến đường. Trong đó có những thiết bị không thể thiếu như đồ bảo hộ, quần áo, ba lô, bản đồ, định vị GPS, ống nhòm, smart phone, túi ngủ, võng, dao. Ngoài ra, nếu với những tuyến tuần dài, họ phải chuẩn bị thêm gạo, nước, thịt, mắm muối, cá khô... nhưng vẫn phải đảm bảo tiêu chí nhẹ nhất có thể.

 
 

Khi đi rừng, ngoài những đồ dùng quen thuộc của, các thành viên đội tuần tra này còn sử dụng thêm máy định vị GPS và smart phone để hỗ trợ công việc. Ngoài việc giúp xác định vị trí, các thiết bị này còn theo dõi được hành trình, xây dựng được những báo cáo chi tiết của từng lần đi tuần tra. Đội trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm thao tác các hoạt động theo trình tự có sẵn để báo cáo công tác tuần tra của cả đội.

 
 

Đây là những thay đổi có được từ Dự án "Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn Đa dạng sinh học ở Việt Nam (VFBC), do USAID tài trợ, cụ thể là Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Bộ NN-PTNT triển khai. Theo đó, dự án đã đào tạo 16 nhân viên kỹ thuật thành thạo sử dụng các ứng dụng SMART tiên tiến và chịu trách nhiệm quản lý hệ thống SMART. Do đó, SMART hiện đang được tất cả các đội và trạm tuần tra trong BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim áp dụng hiệu quả để tăng cường nỗ lực giám sát và quản lý.

 
 

Anh Đặng Văn Thanh (bìa phải) cùng 4 thanh niên 9x người K'Ho gồm Lieng Jrang Ha Khiết sinh năm 1990, Lơ Mu Ha Thắng sinh năm 1992, Kơ Să Ra Đáp sinh năm 1999 và Kra Jan Ha Tri cũng sinh năm 1999 dừng chân nghỉ trên đồi thông trong khi thực hiện một chuyến tuần tra tuyến ngắn để kiểm tra, tìm kiếm các loại bẫy rừng. Khi nghỉ chân giữa buổi, họ thường sử dụng các đồ ăn nhẹ như bánh mỳ, lương khô, bánh quy và nước lọc.

 
 

Ngoài các thành viên của Đội tuần tra tháo gỡ bẫy, trong các chuyến đi rừng có thể còn có sự tham gia của các kiểm lâm viên hoặc cán bộ kỹ thuật của BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim. Họ đi tuần cùng nhau nhưng đến khi tìm kiếm thì thường chia thành những nhóm nhỏ, điều đặc biệt là phải di chuyển làm sao để luôn có thể quan sát được lẫn nhau.

 
 

Hệ thống định vị GPS hỗ trợ các thành viên đội tuần tra trên đường làm nhiệm vụ và xây dựng hệ thống báo cáo chi tiết của mỗi chuyến tuần tra. Theo anh Đặng Văn Thanh, mỗi thành viên của tổ sẽ thực hiện đi tuần 16 ngày/tháng, trong đó có các tuyến với chiều dài và thời gian khác nhau, dài nhất là 5 ngày, nhanh nhất là 1 ngày. Tuy nhiên, muốn đi cũng phải phụ thuộc thời tiết, nếu mưa kéo dài thì không thể đi được các chuyến xa.

 
 

Các loại bẫy thường gặp trong rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim thường là bẫy kẹp, bẫy hàm nhọn (ảnh) và bẫy rút. Trong ảnh là một chiếc bẫy hàm nhọm được làm bằng thép đã hoen rỉ, lẫn với màu lá rừng được đặt trên lối mòn thường đi của các loài thú. Nếu không được các thành viên trong đội chỉ dẫn thì người thường ít ai có thể nhận ra được chiếc bẫy này, nó nằm giữa ảnh, gồm 2 cánh cung bằng những lưỡi thép, nằm vùi dưới những lớp lá khô.

 
 

Theo đội trưởng Thanh, khi phát hiện ra bẫy, các nhóm sẽ báo hiệu cho nhau bằng động tác tay, chứ không la hét, gọi lớn, tránh làm ảnh hưởng đến các động vật sinh sống trong khu vực. Nhằm nâng cao năng lực cho các thành viên, Dự án VFBC đã đào tạo về kỹ năng tuần tra, sơ cấp cứu, an toàn trong tuần tra để các thành viên trong đội thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra và tháo gỡ bẫy thú trên hiện trường.

 
 

Một chiếc bẫy kẹp dành cho các loại thú nhỏ được thành viên đội tuần tra phát hiện và tháo gỡ trong khu vực rừng lá rộng thường xanh của đơn vị. Tính từ thời điểm thành lập vào tháng 4/2023 đến nay, các thành viên của Đội tuần tra tháo gỡ bẫy đã thực hiện tuần tra khoảng 400 ngày công trên hiện trường và tháo gỡ khoảng 60 bẫy các loại.

 
 

Theo anh Trịnh Công Quyền (giữa), nhân viên Phòng Kỹ thuật BQL Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim thì các thành viên đội tuần tra đều là những người có kỹ năng đi rừng rất tốt. Bên cạnh đó, do đa phần là người dân bản địa nên họ rất hiểu tập tính, phương thức hoạt động của thợ săn cũng như các loại bẫy, từ đó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những thanh niên 9x người K'Ho cho biết, từ khi tham gia vào đội tuần tra, thu nhập của họ cũng ổn định và khá hơn so với trước đây chỉ làm nông đơn thuần.

Nguồn: Báo Nông nghiệp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Dự Án Giám Sát TMR
Dự Án Giám Sát TNR
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây