(LĐ online) - Ngày 26/4, đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký Chỉ Thị số 07/CT-UBND về chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc và tham mưu của các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị thuộc tỉnh tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị nêu trên. Ảnh: Trung tâm Hành chính tỉnh Lâm Đồng |
CÒN TÌNH TRẠNG NÉ TRÁNH, ĐÙN ĐẨY CÔNG VIỆC…
Theo UBND tỉnh, trong thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là cơ quan, địa phương, đơn vị) đã có nhiều chuyển biến và nỗ lực, cố gắng trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các nhiệm vụ do UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong, lề lối làm việc và công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, địa phương, đơn vị vẫn còn một số hạn chế, tồn tại; đặc biệt là những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra nhưng nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị chưa nghiêm túc tiếp thu, tổ chức quán triệt và thực hiện thường xuyên, đầy đủ, hiệu quả. Vẫn còn tồn tại tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không dám quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các sở, ngành, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các sở, ngành, cơ quan, địa phương...
Nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị chủ yếu chỉ giải quyết công việc mang tính sự vụ, thú tục hành chính thông thường, “dễ làm, khó bỏ”; lạm dụng việc tổ chức, tham gia hội nghị, hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm để đi công tác tỉnh ngoài nhiều lần trong năm; ít quan tâm nghiên cứu đề xuất chủ trương chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập ở cơ quan, địa phương, đơn vị. Tại một số cơ quan, địa phương, đơn vị, vai trò người đứng đầu chưa nghiêm, còn mờ nhạt, thiếu quyết đoán, thiếu đoàn kết, đồng thuận; kỷ luật, kỷ cương, giám sát, kiểm soát nội bộ chưa được chú trọng đúng mức.
Hậu quả dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã đề ra, doanh nghiệp và người dân chưa thực sự hài lòng.
Nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan, những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; trong đó nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong nghiên cứu và chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ chưa được quan tâm đúng mức...
ĐẨY MẠNH TINH THẦN “DÁM NÓI, DÁM NGHĨ, DÁM LÀM”
Thực hiện Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; đồng thời, tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; đẩy mạnh tinh thần “dám nói, dám nghĩ, dám làm” vì lợi ích của Đất nước, của Nhân dân, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành;..đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
Các thành viên UBND tỉnh, Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Sở, cơ quan): Quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế làm việc của UBND tỉnh ban hành. Trực tiếp, chủ động, tích cực giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý của sở, cơ quan mình. Quyết định các công việc theo thẩm quyền và không trình UBND tỉnh những công việc thuộc thẩm quyền của sở, cơ quan, theo dung Quy chế làm việc của UBND tỉnh và quy định pháp luật hiện hành. Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ.
Không chuyển (hoặc đề xuất UBND tỉnh chuyển) công việc thuộc thẩm quyền của sở, cơ quan mình sang sở, cơ quan khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của sở, cơ quan khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.
Không lấy ý kiến phối hợp của sở, cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Sở, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, chính kiến rõ ràng; không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm. Trường hợp quá thời hạn quy định mà sở, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với đề xuất của cơ quan lấy ý kiến.
Đối với các hồ sơ, đề án, dự án trình UBND tỉnh hoặc Chủ tịch UBND tỉnh mà còn ý kiến khác nhau giữa các sở, cơ quan về những nội dung chủ yếu thì Giám đốc/Thủ trưởng sở, cơ quan chủ trì phải đề cao trách nhiệm cá nhân, chủ động làm việc trực tiếp với Giám đốc/Thủ trưởng sở, cơ quan có ý kiến khác để trao đổi, thống nhất trước khi trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Trường hợp còn vướng mắc trong cách hiểu và vận dụng quy định pháp luật thì chủ động xin ý kiến hướng dẫn của cơ quan ngành dọc Trung ương. Sau khi có ý kiến của các cơ quan Trung ương phải tuyệt đối chấp hành;..
Đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh cần chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật; không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, cơ quan cấp tỉnh; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan cấp tỉnh để đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Khi được các sở, Cơ quan lấy ý kiến đối với nội dung thuộc quyền quản lý của địa phương, phải có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, chính kiến rõ ràng; không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm. Trường hợp quá thời hạn quy định mà địa phương không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với đề xuất của sở, cơ quan lấy ý kiến và Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh;...
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc/Thủ trưởng Sở, cơ quan, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này đến từng đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Kiên quyết khắc phục tình trạng tham mưu trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, rút ngắn thời gian xử lý công việc, theo đúng chủ đề của tỉnh năm 2023 “Quyết liệt, đồng bộ, đột phá; kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn