Dự báo cấp cháy rừng ngày 14/01/2025 (Cấp II gồm: Thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đam Rông - Cấp IV gồm: huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh,  Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc - Cấp V gồm: huyện Đạ Huoai)

Để giao khoán bảo vệ rừng được bền vững

Thứ hai - 01/05/2023 07:52

Hơn 65% diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn TP Đà Lạt được quản lý và bảo vệ qua hình thức giao khoán. Hình thức này đã chứng minh được tính hiệu quả suốt thời gian qua; song, để nâng cao hiệu quả và tính bền vững, cần gắn lợi ích của việc quản lý, bảo vệ rừng với lợi ích kinh tế của các hộ nhận khoán.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng kiểm lâm và người dân nhận khoán giúp những cánh rừng thêm xanh
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng kiểm lâm và người dân nhận khoán giúp những cánh rừng thêm xanh

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi được dịp theo chân đoàn cán bộ Trạm quản lý, bảo vệ rừng thôn Phát Chi, xã Trạm Hành đi thăm những khoảnh rừng mà các hộ dân thuộc Tổ 7, Tiểu khu 171A đang nhận khoán quản lý, bảo vệ. Năm 2022, trên diện tích tổ nhận khoán không xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm trọng, các hành vi vi phạm, xâm hại rừng đều được tổ phát hiện, thông tin và báo cáo cho các lực lượng chức năng xử lý kịp thời. Đây là một trong những tập thể làm tốt công tác bảo vệ rừng của địa phương. Mới đây, Tổ 7 cũng đã được TP Đà Lạt khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy Đà Lạt về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Trên chiếc xe đi rừng cũ kỹ, vượt qua những đoạn dốc đồi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, anh Tăng Trường Sơn - Tổ trưởng Tổ 7, Tiểu khu 171A, nhiệt tình kể, năm 18 tuổi, anh và gia đình chuyển từ Nghệ An vào Trạm Hành lập nghiệp. Nơi vùng đất lạ, anh chọn làm việc tại Lâm trường Hồ Tiên, sau này, anh xung phong nhận khoán giữ rừng - đến đây cũng đã hơn 20 năm. “Rừng nó gắn với mình từ khi nào không hay”, anh tâm sự. Vườn cà phê của gia đình cũng cách diện tích rừng nhận khoán không quá xa, tầm 3 km, đường đi lại không quá khó khăn, cũng nhờ vậy, mà anh sắp xếp được nhiều thời gian để thăm rừng. Vừa bảo vệ được rừng, lại vừa có thêm thu nhập.
Đi qua những cánh rừng xanh bạt ngàn, anh Sơn chia sẻ, Trạm Hành là nơi có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồng, chè… nên nhiều năm nay, nhu cầu mở rộng sản xuất của người dân tăng nhanh. Vì vậy, nếu không tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn các trường hợp chặt phá rừng lấn chiếm, lấy đất sản xuất, e rằng, những cánh rừng không còn được phủ xanh. Cũng vì lý do đó mà từ nhiều năm nay, anh Sơn luôn trách nhiệm và nghiêm túc với công việc của mình. Không chỉ riêng anh, 8 thành viên còn lại của tổ đều thường xuyên thăm, tuần tra, kiểm tra để đảm bảo rừng nguyên vẹn, không bị lấn chiếm, chặt phá… qua đó, phát hiện và thông tin sớm với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, tổ còn phối hợp chặt chẽ với các tổ có rừng giáp ranh khác. “Để đảm bảo ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân cũng như duy trì kỷ luật và chất lượng công việc của các hộ nhận khoán, ngoài tuyên truyền, vận động người dân về lợi ích và ký cam kết bảo vệ rừng, tổ còn quy định thành viên nào không tham gia đầy đủ các nhiệm vụ được phân công hai lần trong mỗi quý mà không rõ lý do sẽ bị đề xuất thanh lý hợp đồng”, anh Sơn nói. Nhờ đó, diện tích rừng do tổ nhận khoán quản lý trong năm qua không để xảy ra trường hợp vi phạm nghiêm trọng nào.

Bên cạnh giữ rừng, việc ươm và trồng rừng giúp tăng thêm màu xanh cho rừng cũng được TP Đà Lạt quan tâm
Bên cạnh giữ rừng, việc ươm và trồng rừng giúp tăng thêm màu xanh cho rừng cũng được TP Đà Lạt quan tâm

Tuy nhiên, theo anh Lê Đỗ Lương Quỳnh - Trạm trưởng Trạm Lâm nghiệp Phát Chi, ngoài sự nỗ lực, kỷ luật của các hộ nhận khoán và sự hợp tác của người dân, thì việc lựa chọn các hộ nhận khoán cũng quan trọng. Theo đó, các hộ nhận khoán phải đảm bảo là người địa phương, có uy tín, có nhiều gắn bó với rừng, am hiểu tình hình địa phương; ưu tiên lựa chọn hộ nghèo, khó khăn, hộ đồng bào DTTS có đất canh tác gần với rừng, nhưng không tiếp giáp để tránh xung đột lợi ích. Bên cạnh đó, yếu tố tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng của người dân cũng cần được thực hiện thường xuyên, lồng ghép vào các buổi họp thôn, các hoạt động ở địa phương. Trong trường hợp, phát hiện vi phạm thì phải khéo léo, khuyên nhủ, xử lý phù hợp với tình huống. Đây là những yếu tố giúp công tác bảo vệ rừng hiệu quả và bền vững.
Với hơn 14 ngàn ha đất rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn TP Đà Lạt, có thể nói, việc giao khoán là biện pháp hữu hiệu giúp rừng được bảo vệ. Theo ông Nguyễn Văn Quế - Phó Trưởng Ban Quản lý rừng Lâm Viên, đến nay, toàn thành phố có hơn 9.300 ha được giao cho hơn 290 hộ quản lý. Nhờ đó, không chỉ phần lớn diện tích rừng được bảo vệ tốt mà nhận thức và thu nhập của người dân cũng được nâng cao, đặc biệt là với các hộ đồng bào DTTS.
Để đảm bảo chất lượng giao khoán, đơn vị rà soát năng lực, tinh thần trách nhiệm, yêu cầu sức khỏe của các hộ tham gia định kỳ hàng năm; tổ chức nghiệm thu, đánh giá hiệu quả của các tổ, hộ, làm cơ sở thanh quyết toán tiền hàng quý. Ngoài ra, Ban Quản lý cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực, kỹ năng trong công tác bảo vệ rừng. Nhờ vậy, hiệu quả bảo vệ rừng ngày càng được nâng cao; so với năm 2021, tổng số vụ vi phạm và diện tích bị tác động giảm lần lượt là 29 vụ (tương đương 37%) và 2,7 ha (tương đương 40%).
Tuy nhiên, theo ông Quế, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục như tinh thần, trách nhiệm của một số hộ nhận khoán chưa cao; việc tổ chức, điều hành, đôn đốc, giám sát lực lượng nhận khoán ở một số tiểu khu còn hạn chế; việc nắm bắt thông tin và ngăn chặn vi phạm còn chậm… Do đó, để nâng cao trách nhiệm, tiếp thêm động lực cho các hộ nhận khoán, thời gian tới, Ban cũng đề xuất, cần cải thiện mức trợ cấp so với mức trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/tháng mà các hộ nhận được hiện nay. Trong đó, tăng diện tích nhận khoán mỗi hộ lên 50 ha và cho phép trồng xen dưới tán rừng các loại cây có giá trị kinh tế nhưng không ảnh hưởng chất lượng rừng như cây ngắn ngày, cây ăn quả… Đây có thể xem là hai giải pháp giúp gắn lợi ích của người dân với rừng.

Ngoài sự nỗ lực, kỷ luật của các hộ nhận khoán, yếu tố tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng của người dân cũng cần được thực hiện thường xuyên, lồng ghép vào các buổi họp thôn, các hoạt động ở địa phương. Trong trường hợp, phát hiện vi phạm thì phải khéo léo, khuyên nhủ, xử lý phù hợp với tình huống.
Nguồn: Báo Lâm Đồng.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điểm Cháy Từ Vệ Tinh
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh Báo Cháy Rừng Lâm Đồng
Cảnh báo biến động rừng
cảnh báo biên động
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây